Nhiều trường tăng chỉ tiêu ngành không hot

Nhiều trường đại học (ĐH) top đầu và top giữa dự tính tăng chỉ tiêu (CT) cho những ngành xã hội đang thiếu nhân lực cũng như mở thêm các ngành mới để đáp ứng nhu cầu.

Tăng để có lợi cho đất nước

Xét về tổng CT, cơ bản các trường ĐH top trên vẫn giữ ổn định như năm trước hoặc tăng thêm chút ít để đảm bảo chất lượng đào tạo. Đơn cử, ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến tuyển 6.200 CT, tăng 200 so với năm 2016. PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Trưởng phòng Đào tạo cho biết, sở dĩ nhà trường tăng số lượng tuyển vì có 4 chương trình đào tạo quốc tế do nước ngoài cấp bằng với 160 CT. Ngoài ra, tùy theo từng ngành, trường điều chỉnh tăng, giảm dựa vào dự báo thị trường nhân lực trong vài năm tới. “Năm nay, CT tăng hơn ở những ngành không hot, khó tuyển nhưng lại có lợi cho kinh tế - xã hội của đất nước. Cụ thể, ngành Nhiệt – Lạnh tuyển số lượng 200 CT, thay vì năm 2016 tuyển 150; ngành Kỹ thuật Vật liệu là 200, trong khi năm trước là 160. Hiện, nhiều sinh viên học 2 ngành này đến năm thứ 4 đã có các công ty đến trường tuyển dụng” - ông Điền nhấn mạnh.

Thí sinh tìm hiểu thông tin các ngành đào tạo của Học viện Ngân hàng tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2017. Ảnh: Thủy Trúc

Học viện Ngân hàng cũng tăng 100 CT, nâng tổng số tuyển sinh của cơ sở chính lên 3.830. PGS.TS Đỗ Thị Kim Hảo – Phó Giám đốc Học viện cho biết, năm nay trường mở thêm ngành Luật Kinh tế. Những năm trước, rất đông thí sinh đăng ký vào trường ĐH Luật Hà Nội, Khoa Luật của ĐH Quốc gia Hà Nội. Qua khảo sát cho thấy các DN, tổ chức tín dụng, tài chính đang rất cần đội ngũ nhân sự am hiểu về luật pháp các nước để tư vấn đàm phán thương mại, thiết lập hợp đồng… với đối tác quốc tế. Học viện Ngân hàng cũng điều chỉnh tăng lên ở những ngành xã hội đang cần nhiều nhu cầu nhân lực và giảm 200 CT ngành Tài chính – Ngân hàng còn 1.300 vì các DN đang cần nhân lực chất lượng cao. Đó là lý do 3 năm nay Học viện mở thêm những chương trình đào tạo chất lượng cao. Trong tổng số 3.750 CT, trường ĐH Ngoại thương chỉ tăng thêm 50 CT cho chuyên ngành Kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến của Nhật Bản, các ngành khác vẫn giữ ổn định.

Không nhất thiết sử dụng nhiều tổ hợp

Bên cạnh việc nhiều trường giữ ổn định 2 – 3 khối thi truyền thống, lại có một số trường bổ sung thêm các tổ hợp. ĐH Ngoại thương sử dụng hơn 4 tổ hợp xét tuyển cho một số chuyên ngành. Đơn cử như: Kinh tế đối ngoại có 7 tổ hợp xét tuyển (A00, A01, D01, D02, D03, D04, D06, D07; Kinh tế quốc tế sử dụng 5 tổ hợp (A00, A01, D01, D03, D07); Kinh doanh quốc tế 5 tổ hợp (A00, A01, D01, D06, D07); Kinh tế đối ngoại 5 tổ hợp (A00, A01; D01, D06, D07). 25 ngành đào tạo của ĐH Kinh tế quốc dân đều sử dụng 4 tổ hợp để xét tuyển sinh… Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, ĐH Ngoại thương Phạm Thu Hương cho rằng, mở rộng tổ hợp xét tuyển sẽ tạo cơ hội nhiều hơn cho thí sinh. Theo PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế quốc dân, nhiều tổ hợp sẽ giúp thí sinh có thêm nhiều lựa chọn. “Năm nay, Bộ cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng vào các trường. Ví dụ, thí sinh đăng ký 5 nguyện vọng với 5 tổ hợp khác nhau vào ĐH Kinh tế quốc dân, nếu không đỗ vào nguyện vọng 1 thì vào nguyện vọng 2 vẫn đạt mục tiêu”- ông Triệu phân tích.

Tuy nhiên, nhiều thí sinh thật sự lo lắng không biết nên tập trung vào học tổ hợp nào để ôn thi tốt, bởi từ nay đến kỳ thi THPT quốc gia 2017 chỉ còn 3 tháng. Đỗ Đức Tùng Lâm, học sinh lớp 12 Nga, trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, quận Hà Đông cho hay: “Hiện nay, em đang ôn tập theo khối A1 (Toán, Lý, Anh), giờ các trường có thêm nhiều tổ hợp, chúng em bắt đầu học sẽ rất mệt”.

Kiên trì sử dụng các khối truyền thống, TS Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội đưa ra quan điểm, không nhất thiết có nhiều tổ hợp: “Các em thí sinh có định hướng học theo khối từ nhiều năm trước, giờ nhà trường thay đổi nhiều quá không phải là tốt. Hơn nữa, đầu vào chỉ là một yếu tố trong quá trình đào tạo. Nhiều năm nay, ĐH Y Hà Nội chỉ xét tuyển duy nhất khối B nhưng vẫn tuyển được sinh viên có điểm cao chót vót. Cho nên, chúng ta không nên phức tạp hóa đầu vào để làm khổ thí sinh”.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nhieu-truong-tang-chi-tieu-nganh-khong-hot-282160.html