Nhiều trường ngoài công lập lay lắt vì không tuyển đủ chỉ tiêu

Câu chuyện không tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh, nhiều ngành đang đứng trước nguy cơ đóng cửa ở nhiều trường ngoài công lập đến nay vẫn chưa có hồi kết. Thực tế đây không phải là mùa tuyển sinh đầu tiên các trường ngoài công lập rơi vào khủng hoảng trầm trọng nguồn tuyển...

Vì sao “bi kịch” này lại lặp lại? Trách nhiệm của cơ quan quản lý đến đâu? Những ngành, những trường đã nhiều năm lay lắt như vậy có bị giải thể, đóng cửa hay không? PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD & ĐT Bùi Văn Ga về những vấn đề trên. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết:

Sự việc nhiều trường ngoài công lập không tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh, thậm chí có ngành chỉ có 1, 2 sinh viên, theo tôi là do nhiều nguyên nhân: Những ngành nghề mà các trường này hướng tới đào tạo chủ yếu là nhóm ngành kinh tế, tài chính, quản lý, ngân hàng – những ngành mà nhu cầu thực tế đã bão hòa rồi.

Mặt khác, cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa giải thể, lao động những ngành kinh tế rơi vào thất nghiệp, do đó, đã ảnh hưởng đến việc chọn ngành nghề của sinh viên, các em hạn chế vào những nhóm ngành mà đầu ra đang bão hòa. Không chỉ các trường ngoài công lập khó khăn, nhiều trường công lập mùa tuyển sinh 2012 cũng gặp khó khăn như ĐH Kinh tế TP HCM, ĐH Kinh tế của ĐH Đà Nẵng cũng không tuyển đủ chỉ tiêu, trong khi những mùa tuyển sinh trước họ luôn dôi dư nguồn tuyển.

Theo tôi, còn nguyên nhân nữa là do chính các trường chưa tạo ra được uy tín, sức hút, nên nhiều thí sinh có mức điểm trung bình, họ đã chọn học cao đẳng hoặc trung cấp chuyên nghiệp hoặc hệ cao đẳng của các trường ĐH sư phạm kỹ thuật, hệ CĐ của ĐH vùng như ĐH Đà Nẵng. Khi định ra mức điểm sàn là Bộ đã xác định một nguồn tuyển dồi dào, nhưng quyền lựa chọn lại của thí sinh, Bộ không điều chỉnh được.

PV: Thưa Thứ trưởng, nhiều trường ngoài công lập cho rằng tại điểm sàn của Bộ quá cao, Bộ lại cho các trường công lập hạ điểm chuẩn tới mức điểm sàn nên thí sinh chẳng dại gì mà vào trường ngoài công lập, học phí cao hơn nhiều…

Thứ trưởng Bùi Văn Ga : Điểm sàn không làm cho nguồn tuyển ít đi. Các khối thi với mức điểm sàn xác định đã dôi nguồn tuyển rất nhiều. Vì sao chúng tôi phải duy trì điểm sàn? Đó là ngưỡng tối thiểu để học sinh vào học. Mà mức điểm sàn đó cũng đâu có cao, vì có những em cộng cả điểm ưu tiên, khu vực mới trúng tuyển thì điểm trần thấp hơn nhiều. Mà cũng không thể có mức sàn thấp hơn được, vì còn liên quan đến chất lượng đầu vào, chất lượng nguồn nhân lực.

PV: Các trường ngoài công lập đang kiến nghị Bộ có mức điểm sàn riêng, quan điểm của Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga : Hiện chúng tôi chưa nhận được kiến nghị bằng văn bản của Hiệp hội các trường ngoài công lập. Nhưng tôi nghĩ không thể có mức điểm sàn riêng cho hệ thống trường ngoài công lập được. Bằng cấp giờ có giá trị như nhau, theo tinh thần Luật Giáo dục thì trường công cũng bình đẳng như trường tư, do đó phải chung mức điểm sàn. Vừa rồi, một số địa phương có chủ trương không tuyển sinh viên tư thục, Bộ cũng đã có văn bản đề nghị địa phương phải công bằng, khách quan.

Có chính sách tuyển sinh đúng, sẽ tạo nên động lực học tập của sinh viên.

PV: Nhiều trường ngoài công lập không tuyển đủ chỉ tiêu nhiều năm, tồn tại lay lắt, vậy Bộ GD & ĐT đã tính đến phương án giải thể, đóng cửa một số trường hay chưa, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga : Để đảm bảo phát triển bền vững, lâu dài, các trường ngoài công lập phải có chiến lược phát triển ngành nghề, có tính dự báo theo quy hoạch nhân lực mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các trường phải xây dựng được thương hiệu quảng bá bằng những hoạt động đào tạo, khoa học công nghệ, từ đó thí sinh mới thấy được sức hút chất lượng và uy tín của các trường.

Vì sao vẫn có những trường ngoài công lập làm rất tốt như ĐH Thăng Long, ĐH Duy Tân (ĐH Đà Nẵng), ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP HCM. Khi thành lập trường, Hội đồng quản trị của các trường đã đảm bảo được những điều kiện để thành lập trường về cơ sở vật chất, đội ngũ thì họ được quyền tồn tại. Những trường có chất lượng thì sẽ có người học, nhưng nếu không đảm bảo cam kết, thì người học sẽ quay lưng.

Còn phương án giải thể, có hai trường hợp xảy ra, thứ nhất nếu các trường không đảm bảo được điều kiện để hoạt động thì theo tinh thần thực hiện Nghị quyết 50 của Quốc hội khóa XII “Về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học”, Bộ sẽ rà soát trình Chính phủ xem xét; thứ hai, nếu các trường có cơ sở vật chất, có đội ngũ nhưng lại không có sinh viên thì chính Hội đồng quản trị sẽ quyết định có tiếp tục hay là giải thể. Các trường ngoài công lập hoạt động cũng giống như doanh nghiệp…

Chúng tôi cũng vừa cho dừng tuyển sinh 4 trường, đồng thời cắt giảm chỉ tiêu hàng loạt trường đại học cho thấy Bộ cũng khá mạnh tay trong việc này.

PV: Không tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh gây ra lãng phí chỉ tiêu. Vậy trong năm 2013, vấn đề phân bổ chỉ tiêu sẽ được quản lý, siết chặt như thế nào để không xảy ra tình trạng chỉ tiêu thì nhiều mà người học thì không có?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga : Theo Thông tư 57 thì Bộ GD & ĐT đã giao cho các trường tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo khả năng, Bộ trao cho các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Sau đó, Bộ sẽ làm công tác thanh tra, kiểm tra rà soát. Theo tôi thì những trường không có khả năng nên đăng ký chỉ tiêu thấp đi. Bộ luôn khuyến khích số lượng sinh viên/giảng viên càng thấp càng tốt.

Ngày 28/12, chúng tôi đã cắt giảm chỉ tiêu trong năm 2013 của hàng loạt trường đại học vì trên thực tế, họ đã tuyển quá nhiều, hoặc tuyển không đủ chỉ tiêu. Bộ sẽ định chỉ tiêu cho những trường này, không để họ tự xác định chỉ tiêu. Tại hội nghị ngân sách ngày 27/12, Bộ chủ trương năm nay sẽ chuyển từ đào tạo quy mô sang đảm bảo chất lượng. Quy mô tuyển sinh trong năm 2013 sẽ không tăng để ổn định chất lượng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2012/12/188685.cand