Nhiều trường lo lắng trước dự thảo bỏ điểm sàn tuyển sinh

Với quy định bỏ điểm sàn xét tuyển đại học trong Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2017 nhiều trường cao đẳng đứng trước nguy cơ cạn nguồn tuyển.

Hiện còn hai luồng ý kiến về bỏ điểm sàn đại học . Ảnh Dương Ngân.

Về vấn đề này, bà Trần Thị Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Cao đẳng ASEAN cũng cho rằng: Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) bỏ quy định điểm sàn trong tuyển sinh đại học, các trường cao đẳng sẽ không còn nguồn tuyển. Bởi với những quy định trong Dự thảo quy chế tuyển sinh năm 2017, Bộ GD-ĐT không quy định điểm sàn xét tuyển đại học, đồng thời, lại không giới hạn số nguyện vọng đăng ký của thí sinh vào các trường và các trường đại học tự chủ trong việc xác định chỉ tiêu thì các trường cao đẳng sẽ không còn gì để tuyển sinh. Bà Phương, đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét lại việc bỏ quy định điểm sàn trong tuyển sinh đại học.

Theo bà Phương, với những chính sách hiện nay đang tạo ra xã hội thừa thầy, thiếu thợ, như vậy là không đúng quy luật phát triển. Bởi một xã hội phát triển phải thợ nhiều, thầy ít mới đúng nhưng những chính sách của Việt Nam đang làm ngược lại.

Bà Phương nêu ra thực tế đang tồn tại ở nước ta trong nhiều năm qua: "Ở Việt Nam ai cũng cố gắng để con em vào đại học, nên hiện nhiều sinh viên đại học ra trường phải "giấu" bằng đại học để tuyển vào các công ty nước ngoài làm công nhân. Đó là một bất cập đang tồn tại trong xã hội. Vì vậy, chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng xem xét lại các chính sách để các trường cao đẳng có đầu vào nếu không các trường này sẽ chết". Ngoài ra, bà Phương cũng cho rằng, hiện quy chế tuyển sinh đang để các trường “giẫm đạp” lên nhau và các trường công đang lấy hết học sinh tốt của các trường tư.

Ông Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng: “Trong Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2017, Bộ GD-ĐT dự kiến bỏ điểm sàn là không phù hợp. Bởi những nước có nền giáo dục phát triển như nước Anh, Mỹ nhiều trường đại học, cao đẳng cũng có những quy định ngưỡng đầu vào phù hợp với từng trường. Tôi thấy, Bộ GD-ĐT không nên vội vàng bỏ điểm sàn, dù muốn vận dụng những kinh nghiệm trong tuyển sinh của các nước nhưng những quy định đó phải phù hợp với điều kiện kinh tế của nước ta”.

Bên cạnh những ý kiến phải đối quy định bỏ điểm sàn, vẫn có nhiều ý kiến ủng hộ quy định này của Bộ GD-ĐT, GS.Trần Phương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh doanh Công nghệ Hà Nội khẳng định: “Tôi ủng việc Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn trong quy chế tuyển sinh năm 2017. Tôi đã đề nghị Bộ GD-ĐT bỏ quy định điểm sàn khi xét tuyển vào các trường đại học từ 10 năm nay. Bởi điểm sàn không có lợi cho ai, trong khi đó, những em học sinh dân tộc thiểu số, học sinh ở vùng sông nước Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ gặp bất lợi vì không thể đạt được mức điểm sàn. Bên cạnh đó, việc bỏ điểm sàn lại có lợi cho những trường đại học ở tỉnh vì có điểm sàn thì những trường này sẽ không bao giờ tuyển đủ sinh viên".

Mặc dù, GS.Trần Phương ủng hộ quy định bỏ điểm sàn trong Dự thảo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT nhưng trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vẫn quy định điểm chuẩn đối với những thí sinh xét tuyển vào trường. GS.Trần Phương khẳng định: “Bộ GD-ĐT bỏ điểm sàn nhưng trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ sẽ không bỏ quy định ngưỡng đầu vào đối với những thí sinh xét tuyển vào trường. Bởi trường sẽ có điểm chuẩn trúng tuyển, đó chính là "điểm sàn" của trường”.

Đỗ Hòa

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nhieu-truong-lo-lang-truoc-du-thao-bo-diem-san-tuyen-sinh.aspx