Nhiều tranh luận về dự định chống tham nhũng trong khu vực tư

Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đã mở rộng quy định về phòng chống tham nhũng (PCTN) trong các tổ chức, doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước đối với Cty đại chúng, ngân hàng thương mại và quỹ đầu tư. Tuy nhiên, tại hội thảo tham vấn về thực trạng pháp luật về PCTN trong hoạt động kinh doanh ở Việt Nam do Thanh tra Chính phủ tổ chức mới đây, qui định này vẫn gây nhiều tranh cãi.

Phải chống cả khu vực công và tư!

Thực tiễn những năm qua cho thấy không ít trường hợp doanh nghiệp thuộc khu vực ngoài Nhà nước cũng có những hành vi mà trong khu vực Nhà nước bị Luật PCTN khẳng định là hành vi tham nhũng như nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản... Những hành vi này cũng gây thiệt hại không nhỏ cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội. Vì vậy, dự thảo luật đã đưa ra một số biện pháp PCTN như minh bạch tài sản, thu nhập; thực hiện chế độ liêm chính; chế độ trách nhiệm người đứng đầu và duy trì chế độ thanh tra, kiểm tra và vấn đề này được đưa vào một trong các nội dung còn ý kiến khác nhau để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tại hội thảo tham vấn về thực trạng pháp luật về PCTN trong hoạt động kinh doanh ở Việt Nam, do Thanh tra Chính phủ và Đại sứ quán Anh vừa phối hợp tổ chức, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, gần đây nổi lên một số vụ án tham nhũng tại các ngân hàng thương mại. Vì vậy, theo ông Thanh, các doanh nghiệp cần góp tiếng nói củng cố sự đồng thuận chung rằng không chỉ phải PCTN trong khu vực công mà phải phòng chống tham nhũng ở cả khu vực tư. Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên cũng quy định về những hành vi tham nhũng trong khu vực tư như hành vi hối lộ trong hoạt động kinh tế, tài chính, thương mại, biển thủ tài sản trong khu vực tư. Việt Nam đã hội nhập và ký kết nhiều cam kết quốc tế bảo đảm môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh nên việc PCTN ở khu vực tư là cấp bách.

Tuy nhiên, khá nhiều ý kiến đề nghị chưa nên đề cập đến công tác PCTN ở khu vực ngoài Nhà nước. Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn e ngại trong khi công tác PCTN ở khu vực công còn nhiều hạn chế thì việc mở rộng sang cả lĩnh vực tư chưa chắc đã hiệu quả, dễ dẫn đến doanh nghiệp chịu nhiều áp lực do phải thanh kiểm tra, giám sát nhiều. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà tài chính Việt Nam, cũng đề nghị cân nhắc kỹ khi trao thêm cho cơ quan chức năng thẩm quyền PCTN trong khu vực tư để tránh lạm quyền.

Vẫn nhiều tranh cãi về việc có nên mở rộng PCTN sang khu vực tư hay không. Ảnh: P. Thảo

Cần thay đổi nhận thức

Đại diện nhóm nghiên cứu của dự án phòng chống tham nhũng trong hoạt động kinh doanh cho biết, qua lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và ý kiến của nhân dân, có quan điểm cho rằng, tiếp cận PCTN ở khu vực ngoài Nhà nước theo dự thảo Luật PCTN sửa đổi là chưa cần thiết. Còn theo nhiều chuyên gia pháp lý, để mở rộng việc chống tham nhũng sang khu vực tư, trước hết là phải thay đổi nhận thức vì từ trước đến nay, chúng ta mới quen với chống tham nhũng ở khu vực công và vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong muốn.

Một số kết quả nghiên cứu cho rằng tham nhũng không chỉ có trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp với khu vực Nhà nước mà giữa các doanh nghiệp với nhau cũng xảy ra hiện tượng này. Tuy tham nhũng trong khu vực tư không làm ảnh hưởng ngân sách quốc gia, nhưng sẽ làm tăng chi phí và giảm đáng kể lợi nhuận của doanh nghiệp, làm hình thành những thói quen kinh doanh thiếu lành mạnh, làm méo mó bản chất các quan hệ kinh tế, từ đó gây thiệt hại cho nền kinh tế nói chung.Vì vậy, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, về mặt lý luận cũng như thực tiễn, việc sửa đổi Luật PCTN nói chung và mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực tư là cần thiết, khách quan và có cơ sở. Nếu Luật PCTN không đưa khu vực tư vào đối tượng điều chỉnh, kiểm soát thì việc PCTN trong khu vực công sẽ giảm đi hiệu quả đáng kể vì trong hoạt động kinh doanh, các mối quan hệ công - tư đan xen lẫn nhau.

Theo PGS.TS Đoàn Năng, trong khu vực tư có rất nhiều chủ thể khác nhau. Ở bộ phận không nhỏ các tổ chức sản xuất, kinh doanh hiện nay cơ chế quản trị và điều hành không có sự phân tách rõ ràng giữa chủ sở hữu và người quản lý, đặc biệt là về lợi ích nên ở đây có ít hoặc không có yếu tố dẫn đến nguy cơ lợi dụng chức vụ, quyền hạn của người quản lý để vụ lợi. Vì vậy, với nhóm đối tượng này, chỉ cần thực hiện tốt các quy định của các luật chuyên ngành liên quan cũng đủ để không rơi vào tình trạng tham nhũng, chưa gây bức xúc cho xã hội.

Tuy nhiên, ở nhóm các Cty đại chúng, tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư, cơ chế quản trị và điều hành có sự phân tách rõ ràng giữa chủ sở hữu và người quản lý, đặc biệt là về lợi ích - là yếu tố dẫn đến nguy cơ lợi dụng chức vụ, quyền hạn, tham nhũng. Vì vậy, theo PGS.TS Đoàn Năng, để mở rộng việc PCTN sang khu vực tư, dự thảo Luật phải có các quy định đầy đủ và thích hợp với từng nhóm, thậm chí tiểu nhóm đối tượng trong khu vực này thì mới tạo được bước chuyển biến thực chất trong công tác PCTN.

Theo dự kiến ban đầu, dự án Luật PCTN sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong kỳ họp thứ hai sẽ khai mạc trong tháng 10 này, nhưng tại phiên họp thứ tư của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 3-10 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, dự luật này đã được Chính phủ đề nghị hoãn trình Quốc hội để có thêm thời gian xem xét, chỉnh sửa.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/kinh-doanh/nhieu-tranh-luan-ve-du-dinh-chong-tham-nhung-trong-khu-vuc-tu-119675