Nhiều thách thức trong đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể

Theo Hội Hoàng gia Anh, chỉ trong vòng 10, 15 năm nữa, 70% các nghề nghiệp hiện có sẽ biến mất và sẽ xuất hiện những nghề nghiệp mới, vì thế, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ giúp học sinh (HS) hình thành, phát triển những phẩm chất, năng lực đáp ứng nhu cầu hoàn thiện nhân cách của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới.

Bộ GDĐT vừa thông tin về Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể với nhiều đổi mới mang tính toàn diện và HS sẽ được chú trọng phát triển khả năng định hướng nghề nghiệp tương lai. Để chương trình được thực hiện thành công, yếu tố quyết định chính là sự đồng lòng và đồng bộ về các nội dung đổi mới.

Yêu cầu trong đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá chất lượng

Nói về chương trình, GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình GDPT mới cho biết: Với mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện GDPT, chương trình sẽ giúp HS hình thành, phát triển những phẩm chất, năng lực đáp ứng nhu cầu hoàn thiện nhân cách của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp mới.

Tuy nhiên, thay đổi nội dung chương trình kéo theo sự thay đổi đồng bộ về phương pháp giáo dục, đánh giá kết quả giáo dục và cơ sở vật chất trường học. GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết: “Hiện nay, các trường sư phạm đang đổi mới chương trình, phương thức đào tạo đội ngũ giáo viên cho phù hợp với chương trình GDPT mới. Bộ cũng sẽ chỉ đạo biên soạn tài liệu và tổ chức bồi dưỡng giáo viên; đồng thời sẽ có website hỗ trợ giáo viên dạy theo chương trình mới. Nhưng số lượng giáo viên cũng cần được tăng cường. Bởi vì nếu cứ giữ biên chế giáo viên như hiện nay, mỗi lớp đến 50 – 60 HS thì khó có thể thay đổi phương pháp dạy học, khó có thể nâng cao chất lượng. Tôi mong là các Bộ Nội vụ, Bộ GDĐT sẽ bàn bạc để tham mưu cho Chính phủ cách giải quyết vấn đề này”.

Về cơ sở vật chất, cũng cần sự đổi mới căn bản. Các chuyên gia giáo dục của Ngân hàng Thế giới nhận xét: số giờ học ở Việt Nam hiện nay quá ít. Ở nước ngoài, cấp học nào cũng đều học 2 buổi/ngày, trong khi HS Việt Nam chỉ học 1 buổi/ngày. Học như vậy thì không tránh khỏi học nông, ít thực hành mà quá tải. Nhưng muốn giải quyết vấn đề này thì phải tăng diện tích lớp học, tăng biên chế giáo viên. Giải quyết cho cả ba cấp học đều học 2 buổi/ngày thì quá sức chịu đựng của ngân sách nhà nước. Nhưng ít nhất cũng phải bảo đảm cho các trường tiểu học được học 2 buổi/ngày; khuyến khích các trường THCS, THPT có điều kiện tổ chức học 2 buổi/ngày.

Phương pháp đánh giá cũng cần thay đổi. “Nếu áp dụng chương trình mới mà thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển vào ĐH, CĐ vẫn như hiện nay, chỉ dựa vào kiến thức và kĩ năng giải bài tập thông thường thì không ai chịu đổi mới phương pháp dạy và học cả”, GS Thuyết nhấn mạnh. Tuy nhiên, việc thay đổi hình thức thi cần có một nghiên cứu rất cẩn thận và hiện nay Bộ đã giao cho Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục nghiên cứu và đề xuất phương hướng.

Sự đồng lòng, đồng bộ là điều kiện tiên quyết

Bàn về điều kiện tiên quyết để có thể thực hiện chương trình thành công, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng đó là sự đồng bộ và đồng lòng, cùng chung tay chung sức của gia đình, nhà trường, xã hội; đặc biệt là sự quan tâm, đầu tư của các cấp ủy Đảng và chính quyền cho giáo dục.

Trong dư luận hiện có một số người thắc mắc tại sao giáo dục phải đổi mới liên tục như thế. GS Thuyết phân tích: “Lần thay đổi chương trình GDPT gần nhất ở nước ta là năm 2001, cách đây đã 16 năm. Trong khi đó, thế giới đang thay đổi từng ngày. Các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba và lần thứ tư nối tiếp nhau ra đời, kinh tế tri thức phát triển mạnh đem lại cơ hội phát triển vượt bậc, đồng thời cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với mỗi quốc gia, nhất là các quốc gia đang phát triển và chậm phát triển.

Theo Hội Hoàng gia Anh, chỉ trong vòng 10, 15 năm nữa, 70% các nghề nghiệp hiện có sẽ biến mất và sẽ xuất hiện những nghề nghiệp mới. Mặt khác, những biến đổi về khí hậu, tình trạng cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái và những biến động về chính trị, xã hội cũng đặt ra những thách thức có tính toàn cầu. Để bảo đảm phát triển bền vững, nhiều quốc gia đã không ngừng đổi mới giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trang bị cho các thế hệ tương lai nền tảng văn hóa vững chắc và năng lực thích ứng cao trước mọi biến động của thiên nhiên và xã hội.

Đổi mới giáo dục đã trở thành nhu cầu cấp thiết và xu thế mang tính toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa XI) đã thông qua Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”.

“Các giới xã hội, các địa phương cần vào cuộc và phải thấy được đổi mới giáo dục là việc quan trọng hàng đầu và để thực hiện thành công đổi mới giáo dục thì phải đầu tư; nếu không, đổi mới sẽ vẫn chỉ là khẩu hiệu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vẫn chỉ là mơ ước mà thôi”, GS Thuyết nhấn mạnh.

Huyên Nguyễn

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/giao-duc/nhieu-thach-thuc-trong-doi-moi-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-tong-the-650912.bld