Nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm: Vì sao và tại ai?

VH- Giải pháp nào giúp sinh viên ra trường sớm tìm được việc làm, đồng thời thích ứng với yêu cầu, đòi hỏi của doanh nghiệp? Ngành GD&ĐT phải làm gì để bù đắp sự thiếu hụt về kỹ năng xã hội, kỹ năng ứng xử, kỹ năng thích ứng môi trường làm việc của sinh viên khi ra trường?

Đó là những vấn đề được đặt ra tại cuộc tọa đàm “Giải pháp gắn kết giữa đào tạo với thị trường lao động ở Việt Nam” do Trung tâm nghiên cứu và phân tích chính sách thuộc trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức.

Ra trường không biết… xin việc ở đâu

Theo kết quả khảo sát về tình hình việc làm của cử nhân ra trường trong năm 2009–2010 trên 2.948 sinh viên tại ĐHQG HN, ĐHQG TP.HCM và ĐH Huế, có khoảng 73,8% sinh viên tìm được việc làm, 26,2% không tìm được việc làm. Đa số cử nhân chưa có việc làm cho biết, khó khăn lớn nhất khi đi xin việc là… không biết xin việc ở đâu, một lượng sinh viên khác không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, thậm chí có 18% sinh viên không tìm được việc vì các nhà tuyển dụng đã không thể hiểu được những cử nhân này được đào tạo về… cái gì!

Những sinh viên may mắn đã có việc thì có tới 70,8% không thỏa mãn với công việc của mình và đang có ý định thay đổi chỗ làm trong thời gian sắp tới. Điều mà các nhà hoạch định chính sách nhân lực khá lo ngại là có tới 27% số sinh viên không tìm được việc làm cho biết không xin được việc vì ngành học của mình không phù hợp với thị trường. Nhiều cán bộ quản lý giáo dục lâu năm cũng bày tỏ sự lo lắng khi sinh viên theo học những ngành học xã hội và nghệ thuật ra trường ngày càng khó tìm việc dẫn đến sự sút giảm đáng kể số lượng thí sinh thi vào ngành này khiến một số ngành học phải tuyển sinh cách năm hoặc đóng cửa. Không chỉ vậy, một số ngành hiện đang rất cần cho chiến lược phát triển kinh tế trong các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, môi trường lại khó tuyển được thí sinh. Sự mất cân đối đáng báo động trong đào tạo nhân lực dẫn đến tình trạng nhiều ngành thừa nhân lực nhưng cũng có ngành nghề không thể tuyển được người làm.

Sinh viên ra trường yếu kỹ năng

Một trong những nguyên nhân cơ bản khiến một số lượng lớn sinh viên ra trường bị các doanh nghiệp chê là thiếu kĩ năng cơ bản. Báo cáo “Kết quả khảo sát việc làm của sinh viên năm 2009-2010” cho thấy, lượng sinh viên thất nghiệp, làm việc trái chuyên môn đào tạo, thiếu kỹ năng xã hội về giao tiếp, ứng xử còn khá cao. Nhiều sinh viên tốt nghiệp loại khá, điểm số môn học cao, nhưng khi tham dự phỏng vấn, xin việc thì tỏ ra rất lúng túng, thiếu cơ bản vốn sống, kỹ năng giao tiếp. Nhiều trường hợp được nhận vào làm việc, nhưng chỉ một thời gian ngắn phải tìm môi trường khác vì khó thích ứng. Đã có doanh nghiệp từng tiết lộ, họ phải đào tạo tới 90% sinh viên tuyển mới theo đúng yêu cầu của doanh nghiệp mình. Lý do bởi kiến thức nhà trường chỉ phục vụ chuyên môn, có khá nhiều môn học không liên quan hoặc chưa ứng dụng được vào đời sống. Những môn học, kiến thức cần thiết về vốn sống xã hội thì không được dạy. Bà Vũ Thu Hà, Giám đốc Công ty cổ phần ứng dụng tâm lý Hoa Mặt Trời cho biết trong quá trình tuyển dụng, bà đã từng gặp không ít sinh viên có bằng tốt nghiệp loại giỏi nhưng rất yếu kém về chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là thiếu hẳn những kỹ năng thực hành để bắt tay ngay vào công việc. Nhiều sinh viên còn chưa xác định được mục tiêu nghề nghiệp của mình, còn mơ hồ với năng lực của chính bản thân cũng như không biết bản thân có phù hợp với nghề đã chọn hay không?

Cần trang bị kỹ năng xã hội cho sinh viên

Kết quả nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu và phân tích chính sách (trường ĐH KHXH&NV) cho thấy có đến 91% sinh viên nhận định rằng chương trình đào tạo quá nặng về lý thuyết. Về vấn đề này, ông Trịnh Ngọc Thạch - Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định việc trang bị kỹ năng xã hội cho sinh viên là cần thiết. Nhưng cũng không nên quá đòi hỏi trách nhiệm nhà trường khi sinh viên ra trường không tìm được việc làm đúng ngành nghề, nhất là trong bối cảnh tồn tại sự đa dạng trường ĐH và đa dạng loại hình đào tạo như hiện nay. Nhà trường là nơi trang bị kiến thức nói chung, còn làm đúng ngành nghề hay không lại phụ thuộc phần lớn vào năng lực mỗi người. Trong khi đó, ông Thanh Trường, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phân tích chính sách lại cho rằng, cái thiếu ở một số trường ĐH hiện nay là chưa coi trọng việc trang bị cho sinh viên kỹ năng xã hội, “kỹ năng mềm” bao gồm giao tiếp xã hội, công sở, tự thích ứng một cách độc lập hoặc hòa đồng với môi trường làm việc mới, tự thích ứng kỷ luật và đáp ứng đòi hỏi nhà tuyển dụng. Để khắc phục tình trạng này, theo TS Phạm Mạnh Hà, Khoa Tâm lý, trường ĐH KHXH&NV, các chương trình tập huấn kỹ năng nên được tổ chức thường xuyên, có chất lượng ngay từ năm thứ nhất đến năm thứ tư với các nội dung tập huấn được sắp xếp phù hợp với tính chất của từng năm học. Ví dụ, sinh viên năm thứ nhất cần được trang bị kiến thức kỹ năng định vị bản thân và xây dựng mục tiêu nghề nghiệp, sinh viên năm thứ tư lại cần kỹ năng tìm kiếm việc làm và phỏng vấn xin việc...

38 sinh viên năm cuối trường ĐH KHXH&NV đã được tham gia lớp tập huấn thí điểm trang bị những kỹ năng tối thiểu giúp họ nhanh chóng hòa nhập công việc. Các sinh viên này đều có chỉ số xin việc thấp như kinh tế gia đình trung bình, ở các tỉnh khác; ngoại hình và kết quả học tập trung bình. Kết quả, 88,2% ra trường đã có việc làm, trong khi nhóm đối lập chỉ đạt 72%; trong tháng đầu tiên có 26% có việc làm, trong khi nhóm đối lập 100% vẫn đang thất nghiệp.

Quốc Hùng

Nguồn Báo Văn hóa: http://www.baovanhoa.vn/giaoduc/41699.vho