Nhiều siêu thị, chợ vẫn đắt hàng

Nghệ An hiện có 42 siêu thị, trong đó 20 siêu thị chuyên doanh và 22 siêu thị tổng hợp. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, dù có nhiều siêu thị, nhưng chợ vẫn đang hấp dẫn người dân trong mua sắm, tiêu dùng.Siêu thị nhiều nhưng chưa mạnhChợ đang níu chân người tiêu dùngTrân Châu - Cao Tâm TIN LIÊN QUANKhu thương mại tầng 3 chợ Vinh sẽ đi vào hoạt động vào năm 2017Nhộn nhịp chợ thủy sản đồng quêXoài Việt có mặt tại siêu thị, chợ đầu mối AustraliaCác chợ, siêu thị còn xem nhẹ phòng chống 'bà hỏa'Những thực tập sinh Việt Nam trong siêu thị NhậtHàng động xấu xí của người Việt ở siêu thịTP.Vinh: Chợ thành sông, rau xanh đắt hàngChuyển đổi 50% chợ trên địa bàn Nghệ An theo mô hình mới

(Baonghean) - Nghệ An hiện có 42 siêu thị, trong đó 20 siêu thị chuyên doanh và 22 siêu thị tổng hợp. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, dù có nhiều siêu thị, nhưng chợ vẫn đang hấp dẫn người dân trong mua sắm, tiêu dùng.

Siêu thị nhiều nhưng chưa mạnh

Siêu thị ở Nghệ An khá nhiều và phong phú hàng hóa. Có thể kể đến các siêu thị như BigC, Metro, Maximark... rồi các siêu thị điện máy, sách, thủy tinh... Điểm mạnh của siêu thị là cung cấp các dịch vụ tiện ích đi kèm, dần dần đáp ứng được độ tin cậy của khách hàng, đặc biệt hiện nay người tiêu dùng quan tâm nhiều đến an toàn chất lượng thực phẩm và có xu hướng thích mua hàng hóa với giá rẻ nhưng phải đảm bảo chất lượng. Vì thế, siêu thị với điểm mạnh là hàng hóa luôn đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và thường xuyên có các chương trình khuyến mại đã ngày càng gần gũi hơn với người tiêu dùng.

Khách hàng lựa chọn thực phẩm ở siêu thị BigC. Ảnh: Châu Lan

Khách hàng lựa chọn thực phẩm ở siêu thị BigC. Ảnh: Châu Lan

Các quán ăn, bếp ăn tập thể của các trường học, công ty, xí nghiệp trong các khu công nghiệp... đã ký kết lấy nguồn hàng từ siêu thị Metro Vinh. Đến siêu thị, người tiêu dùng có thể thỏa mãn chọn lựa hàng hóa. Phong phú nhất là siêu thị Big C, chủ yếu là hàng Việt, có đầy đủ hàng hóa từ công nghệ phẩm tới hàng chế biến, thực phẩm tươi, sống... Big C cũng cập nhật nhiều chương trình khuyến mãi của các nhãn hàng Việt liên tục nhằm hấp dẫn người tiêu dùng. Tuy nhiên, để tìm được một mặt hàng làm quà tặng ưng ý ở siêu thị Big C Vinh quả là “vàng mắt”.

Hành Hàn Quốc tại siêu thị BigC.

Còn siêu thị Intimex, hàng hóa ngày càng thưa thớt, ít ỏi, kệ hàng nhiều mặt hàng trống trơn, nhiều dịch vụ trước đây như thức ăn chế biến, thực phẩm, rau, củ quả nay không còn. Nhiều quầy hàng phải thanh lý, siêu thị Intimex có thể nói là đang “chết từ từ”. Một siêu thị nữa là Maximark ở đường Nguyễn Thái Học, trước đây tuy nhỏ nhưng hàng khá chất lượng, có hàng ngoại nhập, có hàng trong nước chọn lọc, nay siêu thị này chỉ như cửa hàng, không hơn không kém, có chăng có thêm mặt hàng rau xanh sản xuất tại Nghĩa Đàn là đang hút khách mua. Tìm một gói kẹo ngon hoặc một đặc sản vùng miền của Việt Nam tại đây hoàn toàn không có. Các mặt hàng đang ngày một thưa thớt, kém cạnh tranh.

Là một thành phố sức tiêu dùng không cao, các siêu thị điện lạnh, điện tử mọc lên như nấm nhưng “sớm nở tối tàn”, lượng người tiêu dùng có phần nào đã bão hòa nên hầu như sau thời gian khuyến mãi, khai trương các siêu thị rơi vào tình trạng ế ẩm. Một siêu thị đình đám ở đường Lê Lợi là siêu thị điện máy HH nay cũng đã chuyển đi đâu. Chị Trần Thị Thương, một khách hàng mua điện thoại Iphone 5 ở siêu thị này cho biết: “Khi điện thoại của tôi hỏng, tôi đến yêu cầu siêu thị sửa nhưng phòng kỹ thuật bảo nhanh nhất phải một tuần nữa mới nhận được. Tôi nghĩ, chế độ chăm sóc khách hàng như vậy là khó chấp nhận được”.

Một số siêu thị cũng gây tai tiếng khi bán hàng quá date, hàng phẩm cấp thấp, cho thuê những gian hàng ở ngoài vào bày bán gây nhầm tưởng là quầy hàng của siêu thị, và các cửa hàng này có biểu hiện chèo kéo khách, gây mất thiện cảm với khách như các mặt hàng thực phẩm chức năng, nước hoa, máy sinh tố, máy chăm sóc sức khỏe... Một số siêu thị khác mở ra với nhiều chiêu “trả góp”, trả chậm... tuy nhiên, khi mua mới biết phiền hà và phức tạp, chẳng khác gì cho vay nặng lãi.

Chợ đang níu chân người tiêu dùng

Trên địa bàn cũng có tới 397 chợ dân sinh đang hoạt động và phủ đều khắp các phường, xã, thôn, bản.

Qua nhiều năm theo dõi cho thấy, hệ thống chợ vẫn giữ được thị phần nhiều nhất. Đó là do nhiều lý do: Thu nhập của người dân chưa cao, nên đi chợ để mua những thứ thiết yếu hàng ngày là đủ. Với một công chức nhà nước thu nhập 4 - 5 triệu đồng/ tháng thì tiền chỉ đủ chi tiêu cho những thứ thiết yếu hàng ngày. Với người buôn bán nếu gần nhau họ có thói quen mua hàng cho nhau, tôi mua cho anh gạo, anh mua cho tôi thịt...

Bên cạnh đó, nhiều người dân lao động chưa có thói quen đi siêu thị mua các mặt hàng dành cho ăn uống hàng ngày, các hộ gia đình còn giữ thói quen đi chợ buổi sáng mua thức ăn, và ngày nào cũng đi chợ.

Mua cá tươi ở chợ truyền thống trên địa bàn TP. Vinh.

Chị Hồng, tại huyện Nghi Lộc cho biết: “Tôi thường đi chợ để mua thức ăn hàng ngày cho gia đình. Đi chợ không phải đi quá xa nhà, mua những thứ cần thiết, nhiều khi đi siêu thị tôi hay mua những thứ hàng khuyến mãi nhưng về không dùng đến. Đi chợ cũng tiết kiệm thời gian hơn đi siêu thị”.

Có thể nhận thấy, chợ vẫn có một số điểm mạnh để giữ chân khách hàng đó là nhiều sản phẩm giá rẻ hơn siêu thị, sản phẩm đa dạng, phong phú, hàng quê, sạch, đáp ứng đa dạng hơn nhu cầu của từng đối tượng khách hàng từ thu nhập thấp cho đến thu nhập cao. Mua hàng thì nhanh chóng, không phải xếp hàng chờ đợi như ở siêu thị... Đặc biệt đối với thực phẩm thì luôn đa dạng, phong phú và luôn tươi ngon, đây là điểm mà siêu thị không bằng chợ.

Một số các mặt hàng thiết yếu tiêu dùng hàng ngày như lương thực, thực phẩm... hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh vẫn có thói quen mua tại các chợ truyền thống. Riêng tại khu vực thành, thị các mặt hàng như điện, điện tử, điện lạnh, điện máy, đồ gia dụng... người tiêu dùng đa số vẫn lựa chọn các siêu thị có uy tín đóng trên địa bàn, còn ở các huyện hầu hết đều đã có những siêu thị mi ni hay những cửa hàng đủ lớn và đủ cung ứng ở ngay trung tâm các huyện, thị. Đây cũng thêm một lý do khiến các siêu thị ở thành phố Vinh khó hút khách ở quê.

Hiện nay, với mức thu nhập cũng như mức sống của người dân trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, nhu cầu tiêu dùng và mua sắm hàng hóa cũng sẽ tăng lên. Đây là một cơ hội lớn cho tất cả các loại hình bán lẻ trong tương lai, vì thế, các chợ cần phải nâng cấp, sửa chữa, cải tạo, đảm bảo vệ sinh, phòng cháy, chữa cháy, khắc phục các điểm yếu về cơ sở hạ tầng. Các thương nhân kinh doanh tại chợ phải nâng cao nhận thức của thương nhân trong kinh doanh cam kết bán hàng đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm, bán hàng một cách văn hóa để nâng cao năng lực cạnh tranh của chợ, nhằm giữ chân khách hàng đến với chợ.

Còn các siêu thị nếu không làm mới mình, không bền bỉ cạnh tranh, không có những hàng lạ, hàng hấp dẫn, e rằng ngày càng “mất điểm” trong mắt người tiêu dùng.

Trân Châu - Cao Tâm

TIN LIÊN QUAN

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/kinh-te/201610/nhieu-sieu-thi-cho-van-dat-hang-2747862/