Nhiều sáng tạo trong thực hiện mô hình "một cửa liên thông"

(Chinhphu.vn)-Việc triển khai cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” thời gian qua đã thu được kết quả lớn. Tuy nhiên, quá trình thực hiện bộc lộ những bất cập, vướng mắc, chậm trễ dẫn đến việc thực hiện còn nhiều khó khăn.

Ông Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ)-Ảnh: VGP/Lê Sơn

Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ, ông Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ), cho biết việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại cấp huyện thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính. Các địa phương đã có nhiều bước đi sáng tạo, góp phần định hình tương đối rõ mô hình chuẩn của cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” hiện đại tại UBND cấp huyện.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả có vai trò hết sức quan trọng, góp phần làm cho hoạt động của cơ quan hành chính hiệu quả hơn, tính công khai, minh bạch của hành chính được thể hiện tốt hơn.

Vậy đâu là những tồn tại, hạn chế, vướng mặc cần khắc phục trong thời gian tới để việc thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tiếp tục mang lại hiệu quả to lớn cho nhân dân, đồng thời góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, minh bạch và hiệu quả, thưa ông?

Ông Đinh Duy Hòa: Hiện nay, docác địa phương tự nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của nhau để triển khai cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, nên không tránh khỏi có sự khác nhau trên nhiều phương diện của cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” hiện đại như: diện tích làm việc, trang thiết bị, phần mềm điện tử, bố trí công chức…

Phần mềm điện tử sử dụng tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả do các địa phương tự xây dựng nên đang có khá nhiều phần mềm khác nhau trong hoạt động của bộ phận này trong cả nước.

Một số ít địa phương đã tách một số lĩnh vực công việc, thủ tục hành chính từ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện chuyển về các cơ quan, phòng chuyên môn thụ lý, xử lý, như: lĩnh vực đất đai về Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường; lĩnh vực đăng ký kinh doanh về Phòng Tài chính - Kế hoạch hoặc Phòng Kinh tế...

Như vậy, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện chỉ còn thực hiện giải quyết một số lĩnh vực với số lượng giao dịch không nhiều, vì phần lớn các giao dịch tập trung ở các lĩnh vực đất đai, đăng ký kinh doanh… đã bị chuyển về các phòng chuyên môn.

Bên cạnh đó, công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện có nơi bố trí còn ít, chưa bố trí công chức chuyên trách mà là công chức do các phòng chuyên môn cử ra và quản lý.

Vấn đề này cũng ảnh hưởng tới kết quả hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

Có ý kiến cho rằng, nhiều nơi vẫn chưa mặn mà lắm với việc thực hiện cơ chế này vì ảnh hưởng đến “lợi ích” của một bộ phận cán bộ, công chức. Điều này tác động không nhỏ đến việc triển khai thực hiện, một số địa phương không thực hiện hoặc làm qua quýt, đối phó. Ông nhìn nhận thực trạng này như thế nào?

Ông Đinh Duy Hòa:Hiện có tới 98% đơn vị hành chính cấp huyện đã triển khai cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” và 29% đã triển khai cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” hiện đại.

Sở dĩ có tỉ lệ thấp 29% vì có một nguyên nhân hết sức quan trọng là việc nâng cấp từ “một cửa”, “một cửa liên thông” bình thường lên “một cửa”, “một cửa liên thông” hiện đại tại cấp huyện đòi hỏi phải có lượng kinh phí lớn, trung bình một huyện mặc dù tận dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có vẫn cần thêm khoảng 2 tỷ đồng. Phần lớn các tỉnh chưa tự cân đối được phần kinh phí này để triển khai rộng cho tất cả các huyện.

Mặt khác, vẫn còn hiện tượng tuy là “một cửa”, nhưng cá nhân, tổ chức vẫn phải đi đến “nhiều cửa” khi giao dịch với cơ quan hành chính. Đây là vấn đề cũng cần phải khắc phục.

Dựng mô hình “một cửa liên thông” hiện đại chuẩn

Bộ Nội vụ có đề xuất tiếp tục nhân rộng mô hình này từ nay đến năm 2015. Vậy mục tiêu lớn lao mà chúng ta cần tiến tới đối với mô hình này là gì?

Ông Đinh Duy Hòa:Mục tiêu nhằm đạt được thông qua nhân rộng triển khai cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” này là tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính đối với tổ chức, công dân thông qua việc nhân rộng triển khai cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” hiện đại tại UBND cấp huyện giai đoạn 2013-2015 với kinh phí của địa phương và hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương.

Các mục tiêu cụ thể là Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại UBND cấp huyện được xây dựng theo một mô hình chuẩn; xây dựng và triển khai áp dụng thống nhất phần mềm điện tử dùng chung tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp huyện.

Đến năm 2015, với sự hỗ trợ kinh phí từ ngân sách Trung ương, sẽ có thêm 400 đơn vị hành chính cấp huyện thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” hiện đại phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Để việc thực hiện cơ chế này hiệu quả trong giai đoạn 2012-2015, là cơ quan chủ trì đề án, được Chính phủ giao thường trực nội dung này, theo ông, cần tập trung quyết liệt những vấn đề gì để việc áp dụng cơ chế này thực sự hiệu quả, đáp ứng kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp?

Ông Đinh Duy Hòa:Để nhân rộng cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” hiện đại tại cấp huyện, lãnh đạo UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương cần tập trung chỉ đạo làm quyết liệt, xác định rõ các cơ quan chịu trách nhiệm và thời gian hoàn thành các công việc có liên quan.

Hướng dẫn, kiểm tra thường xuyên từ các Bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Nội vụ trong triển khai thực hiện, nhằm khắc phục những khó khăn, tồn tại hiện nay như sự xung đột pháp lý giữa các quy định của Trung ương, chưa có sự hướng dẫn về chuẩn mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông” hiện đại cấp huyện, chưa có phần mềm điện tử dùng chung cho bộ phận “một cửa” cấp huyện.

Lê Sơn(Thực hiện)

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/nhieu-sang-tao-trong-thuc-hien-mo-hinh-mot-cua-lien-thong/201212/155996.vgp