Nhiều nhân viên y tế kê khống, trục lợi tiền bảo hiểm y tế

PN - Kê khống toa thuốc bảo hiểm y tế để trục lợi, không đi khám bệnh vẫn được kê toa cấp thuốc… là những chiêu nhằm chiếm dụng quỹ BHYT của nhiều nhân viên y tế.

Tại huyện Kiên Lương, Kiên Giang, các nhân viên bệnh viện huyện và trạm y tế xã đã kê khống toa thuốc bảo hiểm y tế để trục lợi hơn 214 triệu đồng. ở một trạm y tế tại Bình Thuận Còn có chuyện lạ là không đi khám bệnh vẫn được kê toa, cấp thuốc.

Không khám bệnh vẫn cấp thuốc

Theo báo cáo của Trạm Y tế xã Hải Ninh (huyện Bắc Bình - tỉnh Bình Thuận), trong hai năm 2010 và 2011, đơn vị này đã tổ chức khám chữa bệnh ngoại trú cho gần 8.200 lượt người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT). Trạm đã mở sổ khám bệnh, sổ theo dõi cấp thuốc BHYT, lập phiếu thanh toán ra viện để làm chứng từ thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo quy định.

Tuy nhiên, mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Y tế và bảo hiểm xã hội (BHXH) Bình Thuận phát hiện nhiều trường hợp bệnh nhân dù không đến khám chữa bệnh, vẫn có đơn thuốc. Các đơn thuốc trên được kê đơn bởi hai y sĩ Trần Thị Lê Mai, Trần Thị Thùy Thơ và bác sĩ trưởng trạm Tô Duy Khang. Điều gây ngạc nhiên hơn là trong sổ theo dõi cấp phát thuốc BHYT, suốt năm 2010 và ba tháng đầu năm 2011, trên phiếu thanh toán ra viện và trong sổ theo dõi cấp phát thuốc BHYT, hầu hết đều không có chữ ký của bệnh nhân mà do các nhân viên của trạm ký. Theo thống kê, trạm đã thực hiện chi sai nguyên tắc (kê khống, ký thay bệnh nhân trên phiếu thanh toán…) với tổng số tiền hơn 235 triệu đồng.

Đại diện Trạm Y tế Hải Ninh phân trần rằng, không có việc kê đơn thuốc khống mà là do các trường hợp người quen đưa thẻ BHYT nên nể nang kê đơn, cấp thuốc và không cần bệnh nhân phải đến khám… Ngoài ra, do không nắm được các quy trình khám chữa bệnh nên còn để xảy ra nhiều vi phạm.

Kê khống 2.066 toa thuốc

Qua thẩm định hồ sơ thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT quý III năm 2011 tại bệnh viện (BV) Đa khoa Kiên Lương, Kiên Giang, BHXH Kiên Giang phát hiện một số cá nhân mượn thẻ BHYT của nhiều người và giả mạo chữ ký để trục lợi quỹ BHYT. Ông Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng giám định BHYT (BHXH Kiên Giang) cho biết, kiểm tra hồ sơ tại Khoa Y học cổ truyền của BV Kiên Lương, cơ quan BHXH nghi vấn 838 hồ sơ bảng kê chi phí khám chữa bệnh ngoại trú có dấu hiệu giả mạo chữ ký của người có thẻ BHYT trong thời gian từ tháng Bảy đến tháng 9/2011. Nhân viên giám định BHYT đã gặp một số người dân có tên trong các toa thuốc nghi vấn và được biết là họ chưa hề đến BV nhận thuốc. Mở rộng rà soát các chứng từ thanh toán BHYT tại các phòng khám đa khoa khu vực và trạm y tế trên địa bàn huyện Kiên Lương, BHXH Kiên Giang phát hiện thêm 452 hồ sơ có dấu hiệu giả mạo chứng từ để thanh toán BHYT.

Trước sự việc trên, Thanh tra Nhà nước huyện Kiên Lương đã vào cuộc, xác định có 10 cá nhân dùng thẻ BHYT của người khác làm hồ sơ khám bệnh nhiều lần để trục lợi BHYT. Trong đó, tám người là nhân viên của BV Kiên Lương (người có toa thuốc nhiều nhất là bà Lê Thị Lai với 281 toa, số tiền trên 33 triệu đồng); một người là nhân viên Trạm Y tế xã Sơn Kiên, huyện Kiên Lương, bà Huỳnh Thị Thiên My lập khống 452 toa thuốc. Người còn lại dù không phải là nhân viên y tế, ông Trịnh Xuân Quyết - nhân viên nhà máy xi măng Hà Tiên, nhưng đã cấu kết với các nhân viên trong BV Kiên Lương để mượn thẻ BHYT của người khác, rồi lập khống 898 toa thuốc với số tiền trên 109 triệu đồng. Tổng cộng, những người trên đã lập khống 2.066 toa thuốc nhằm trục lợi hơn 214 triệu đồng. Hiện tại, các cá nhân có liên quan đến những sai phạm trên đã bị đình chỉ công tác, một số người bị đề nghị khởi tố.

BV Kiên Lương cũng đã từng xảy ra tình trạng gian lận BHYT. Một số y bác sĩ ở đây thường xuyên bị “bệnh nặng, bệnh nhiều” bất thường. Qua kiểm tra, cơ quan BHXH phát hiện có đến 29 cán bộ tại BV vừa có tên trong danh sách nằm điều trị nội trú lại vừa có tên trong bảng chấm công... đi làm.

THANH SƠN

Gần đây, BHXH Việt Nam đã tiến hành kiểm tra tại một số BV và phát hiện nhiều kiểu chiếm dụng quỹ BHYT. Một số BV tăng cường chỉ định siêu âm, xét nghiệm không cần thiết để tận thu BHYT, phổ biến là các dịch vụ kỹ thuật đắt tiền như chụp MRI, CT. Các dịch vụ được thực hiện chồng chéo, trùng lặp nhau gây lãng phí như đã chụp X-quang lại cho chụp CT hoặc MRI, nhưng cho kết quả như nhau, đã siêu âm ổ bụng nhưng tiếp tục cho chụp CT ổ bụng. Bên cạnh đó, còn có thống kê sai, thống kê khống, thống kê ngoài định suất, áp giá dịch vụ kỹ thuật không đúng quy định… Trong năm 2011, qua kiểm tra việc khám chữa bệnh BHYT tại bảy tỉnh thành, BHXH Việt Nam đã xuất toán hơn 50 tỷ đồng do các cơ sở y tế đề nghị thanh toán sai quy định.

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/2012/Pages/nhieu-nhan-vien-y-te-ke-khong-truc-loi-tien-bao-hiem-y-te.aspx