Nhiều người đeo hình tượng Phật trên người mà không biết mình đang gieo nhân xấu

Nhiều người đeo hình tượng Phật vào cổ tay hay trên cơ thể đi vào nhà vệ sinh, phòng ngủ hoặc dùng tượng Phật để trang trí, giẫm lên tượng Phật để chụp ảnh… mà không biết rằng mình đang gieo nhân xấu, có thể gặp nhiều phiền phức trong tương lai.

Theo Thượng tọa Thích Chân Quang – Phó ban tài chính Trung ương, trụ trì chùa Phật Quang, Bà Rịa Vũng Tàu, thân thể chúng ta vốn bất tịnh nên vốn dĩ đã không nên mang Thánh Tượng bên mình. Còn việc mang vào nhà vệ sinh hay khi đi ngủ thì càng không nên.

Người xưa có nói ”Kính thầy mới được làm thầy”. Chúng ta có tôn kính Phật thì chúng ta mới dần dần đạt được những đức tính của Phật nơi tâm của mình. Chúng ta có tôn kính một bậc Thánh nào đó thì chúng ta mới thành tựu một phần các tính chất của bậc Thánh đó. Ngược lại, việc bất kính với bậc thánh thì quả báo lại rất nặng nề. Đó là Nhân quả.

Theo Thượng tọa, Nhân quả tuy không chứng minh được nhưng dựa vào sự quan sát, sự cảm nhận bằng lương tâm đạo đức thì ông bà mình vẫn chấp nhận. Trong toán học có một phạm trù gọi là định đề, mà đã là định đề thì chỉ có chấp nhận không chứng minh, biết nó đúng nhưng không chứng minh được, chỉ chấp nhận như ta tin mà thôi. Đến với đạo Phật cũng vậy, Luật Nhân Quả là một định đề, một chân lý không thể chứng minh được, chỉ có chấp nhận.

"Nếu ngay từ đầu người ta không chấp nhận định đề Ơ-cờ-lít thì ta không có hệ thống khoa học ngày hôm nay, cái gì cũng mờ mờ, nhưng để có thể chứng minh được họ phải bắt đầu từ một định đề không chứng minh được".

“Thánh Tượng là tôn nghiêm chỉ để thờ cúng, lễ bái chứ tuyệt đối không được làm trang sức hay trang trí, đó là một hành động thiếu hiểu biết và gieo nhân không tốt, sẽ nhận quả xấu: Ngu dốt, thân hình thấp bé, xấu xí, hết phước làm người và cắt duyên với Phật pháp”, Thượng tọa nhắc nhở.

“Có những người không tôn kính Phật nhưng lại cho mình không chấp. Chúng ta cẩn thận đừng bị ảnh hưởng bởi những luận điệu đó. Phải cẩn thận tôn kính Phật trong từng ý nghĩ nhỏ nhặt, lời nói nhỏ nhặt, và hành vi nhỏ nhặt. Lòng tôn kính Phật là đạo đức mà cũng là phước đức. Còn những ai tưởng mình không chấp thật ra là không hiểu rõ nhân quả nên không biết sợ. Có những nghiệp bất thiện mà không phải ta cố ý, nhưng đều có quả báo nghiêm trọng”.

Thượng tọa lấy ví dụ, ngày xưa một vị tỳ kheo đạo hạnh, vô tình dựng cây gậy tựa vào mặt Phật ở vách tường, bị sư phụ quở mất đạo quả sắp sửa chứng. Hoặc bây giờ, có người cầm cuốn sách in ảnh Phật để nơi không trang nghiêm, thờ tượng Phật ở dưới mà tầng trên có người đi qua lại...sẽ bị tổn phước rất nhiều. Giới tỳ kheo cấm ngặt điều này.

Thượng tọa nhắc nhở, tượng Phật, ảnh Phật là để tôn thờ chứ không phải để trang trí. Nhiều gia đình rơi vào tình cảnh kiệt quệ mà không tìm ra nguyên nhân, đâu biết rằng chỉ vì để hình tượng Phật nơi thấp kém.

Gần đây, một cầu thủ bóng đá nổi tiếng đăng lên mạng xã hội bức ảnh giẫm lên khu vực đặt tượng Phật với lời chúc lành buổi sáng. Sau khi chia sẻ, bức ảnh nhận rất nhiều chỉ trích của người hâm mộ. Người không biết thì cho rằng Phật tử quá khắt khe, quá chấp hình tướng. Tuy nhiên, dù không theo tôn giáo, chúng ta cũng nên tôn trọng những gì thuộc về biểu tượng.

Cách đây không lâu, các tín đồ phật giáo Myanmar lên tiếng chỉ trích việc tà áo dài Việt Nam in hình tháp xá lợi Phật chùa Shwedagon (chùa Vàng) một ngôi chùa linh thiêng của đất nước Myanmar. Sự phản ứng gay gắt của số đông khiến Vietnam Airlines phải lên tiếng xin lỗi và rút kinh nghiệm về việc chọn mẫu thiết kế của mình.

Ngôi chùa là biểu tượng tâm linh đã vậy, huống chi là bức tượng của vị giáo chủ một tôn giáo? Bức tượng là vô tri, vô giác nhưng nó được gửi gắm niềm tin, sự kính trọng của rất nhiều người.

Một em gái đi chùa lễ Phật, lễ xong em vừa ra đến sân chùa, gặp một quân nhân đứng ngắm cảnh. Thấy em, quân nhân liền hỏi: Em đi đâu thế? Bé gái đáp: Em đi chùa lễ Phật. Quân nhân hỏi: Tượng Phật bằng gỗ bằng xi măng, em lễ cái gì? Bé gái hỏi lại: Ở doanh trại anh mỗi sáng có chào cờ không? Quân nhân đáp: Sáng nào cũng chào cờ. Bé gái hỏi: Cờ bằng vải bằng màu, tại sao phải nghiêm trang chào? Quân nhân đáp: Chào tinh thần Tổ quốc được tượng trưng qua lá cờ, chứ không phải chào vải màu. Bé gái nói: Cũng thế, em lạy tinh thần từ bi giác ngộ của Phật được tượng trưng qua hình tượng chứ không phải lạy gỗ lạy xi măng. Quân nhân đành thôi.

Nhiều người cho rằng Phật chỉ là khối đá xi măng, không nên chấp vào là do chưa hiểu rõ nhân quả. Phật tuy không chấp không giận, nhưng luật Nhân quả thì nghiêm khắc không lệ thuộc ý muốn của ta.

Ánh Nguyệt

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/tin-24h/nhieu-nguoi-deo-hinh-tuong-phat-tren-nguoi-ma-khong-biet-minh-dang-gieo-nhan-xau-129371