Nhiều mâu thuẫn cần được giải quyết

Liên kết để phát triển bền vững tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên (cùng hai tiểu vùng bán đảo Cà Mau và Đồng Tháp Mười) là vấn đề bức thiết trong thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thế nhưng hiện nay, nhiều mâu thuẫn nội tại giữa các địa phương thuộc tiểu vùng vẫn chưa có giải pháp tối ưu, gây trở ngại cho việc liên kết…

Sản xuất nông nghiệp ở tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên chưa sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên, nhất là tài nguyên nước

Đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức

Tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX) bao gồm các tỉnh, thành phố: An Giang, Kiên Giang, TP Cần Thơ và một phần tỉnh Hậu Giang, diện tích tự nhiên hơn 500.000ha. Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, tiểu vùng TGLX được đầu tư phát triển mạnh mẽ, trở thành vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo lớn nhất ĐBSCL với tổng sản lượng đạt gần 5 triệu tấn/năm. Ngoài sản xuất lúa gạo, ngành nuôi trồng thủy sản nước ngọt và nước lợ của tiểu vùng cũng có bước tăng trưởng mạnh mẽ, trở thành lợi thế cạnh tranh, đóng góp quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL.

Theo ông Lâm Quang Thi, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, mặc dù vai trò cũng như vị trí quan trọng của TGLX đã được chứng minh trong thời gian qua nhưng tiểu vùng cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi các nhà quản lý, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và cộng đồng cùng chung tay giải quyết. Trước hết, việc đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo chủ trương của Chính phủ còn chậm. Sản xuất nông nghiệp còn mang tính nhỏ lẻ; phụ thuộc quá nhiều vào nguồn tài nguyên, thiếu tính bền vững; chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường, thiếu sự liên kết và hợp tác trong chuỗi giá trị ngành hàng.

Ông Lâm Quang Thi nhấn mạnh: Tình hình khai thác, sử dụng chưa hợp lý các nguồn tài nguyên trong sản xuất nông nghiệp, nhất là tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sự can thiệp không công bằng giữa các quốc gia ở thượng nguồn sông Mê Công làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phát triển của tiểu vùng. Mặt khác, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ và không tương xứng với tiềm năng, nên chưa khai thác hết lợi thế, đưa tiểu vùng TGLX phát triển một cách bền vững.

GS, TS Nguyễn Ngọc Trân, chuyên gia cao cấp Hội đồng Chính sách khoa học và công nghệ quốc gia cho rằng, ngoài chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng và chuỗi đập thủy điện của các quốc gia ở thượng nguồn sông Mê Công, tiểu vùng TGLX (và cả vùng ĐBSCL) còn phải đối mặt với vấn đề toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập quốc tế. Đáng lưu ý, trong nhiều thách thức được nhận diện, có cả thách thức từ chính tác động của con người và những rào cản về chính sách, quy hoạch thiếu hợp lý.

Sản xuất nông nghiệp ở tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên vẫn còn nhỏ lẻ, phân tán

Thừa ngăn cách, thiếu phối hợp

Trước những thách thức mà tiểu vùng TGLX đang phải đối mặt, vấn đề liên kết càng trở nên hết sức cấp bách nhằm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, phát huy cơ hội và thế mạnh thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển nhanh, bền vững. Điều đó phù hợp với quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành đầu tháng 4-2016. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều mâu thuẫn nội tại giữa các địa phương thuộc tiểu vùng TGLX vẫn chưa có giải pháp tối ưu để tháo gỡ, từ đó gây trở ngại cho việc liên kết.

PGS, TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Đại học Cần Thơ) dẫn chứng: Trong đề án tái cơ cấu nông nghiệp, các tỉnh, thành phố đều xác định tăng cường “liên kết vùng”, nhưng không nêu rõ liên kết lĩnh vực, sản phẩm nào, liên kết để làm gì và ai liên kết với ai? Các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang và TP Cần Thơ cơ bản đều xác định lúa vẫn là cây trồng chủ lực. Về cách tiếp cận tái cơ cấu nông nghiệp, 4 địa phương nói trên đều có sự quan tâm giống nhau ở các nhóm giải pháp như: Thị trường và chuỗi giá trị, ứng phó với biến đổi khí hậu, khoa học và công nghệ, tài chính, tổ chức sản xuất và đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là thủy lợi. “Đề án, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương và kế hoạch của vùng, tiểu vùng đôi khi mâu thuẫn và triệt tiêu nhau. Kế hoạch của các địa phương rất khó điều chỉnh vì đã được hội đồng nhân dân thông qua”, PGS, TS Nguyễn Văn Sánh nói.

Theo GS, TS Nguyễn Ngọc Trân, nền tảng của các nội dung liên kết trong tiểu vùng là vấn đề quy hoạch và sử dụng nguồn nước. Bởi nguồn tài nguyên này liên quan đến 3 trụ cột: Kinh tế, xã hội và môi trường. Hiện nay, các địa phương tiểu vùng TGLX vẫn chưa xây dựng được cơ chế sử dụng nguồn nước; quy hoạch thủy lợi và quy hoạch tài nguyên nước của từng địa phương hầu như không có liên kết gì với nhau, dẫn đến tình trạng thừa ngăn cách nhưng thiếu sự phối hợp.

Để giải quyết tình trạng này, GS, TS Nguyễn Ngọc Trân đề xuất: Trước mắt rà soát lại các quy hoạch tổng thể và các quy hoạch ngành, địa phương theo hướng tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn nước ngọt; chung sống với hạn, mặn và ngập; khai thác hiệu quả nước lợ và nước mặn ở vùng biển chiếm ưu thế. Các địa phương trong tiểu vùng cần sớm tiến hành rà soát lại quy hoạch thủy lợi, qua đó đối chiếu những điểm trùng lắp, chưa trùng khớp hoặc “lấn cấn” để có hướng đề xuất điều chỉnh phù hợp, hài hòa lợi ích và bảo đảm sự đồng thuận; thống nhất quan điểm đối với tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu, hướng đến xây dựng cơ chế điều phối, sử dụng nguồn nước hợp lý.

HỒNG HIẾU

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nhieu-mau-thuan-can-duoc-giai-quyet-508455