Nhiều mặt hàng chịu áp lực tăng giá trong các tháng cuối năm

Theo nhận định của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong 2 tháng cuối năm 2016, nhiều mặt hàng chịu áp lực tăng giá do vào dịp cuối năm, nhu cầu hàng hóa bắt đầu tăng cao.

Theo Cục Quản lý giá, từ nay đến cuối năm, công tác điều hành giá còn nhiều áp lực do các yếu tố như nhu cầu tiêu dùng tăng trong dịp lễ, tết; diễn biến thất thường của thời tiết tác động tới giá lương thực, thực phẩm; giá xăng dầu có xu hướng hồi phục.

Ngoài ra, việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công và độ trễ của chính sách tín dụng dự kiến cũng sẽ tác động tới tình hình lạm phát.

Dự báo trong tháng 11/2016, một số yếu tố sẽ tác động gây sức ép tăng lên mặt bằng giá, như giá xăng dầu trên thị trường thế giới có xu hướng tiếp tục hồi phục ảnh hưởng đến giá xăng dầu trong nước qua kênh nhập khẩu.

Cùng với đó là tác động theo độ trễ của việc tăng giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh ngày 12/10/2016 tại một số địa phương; tác động làm tăng giá cục bộ các mặt hàng lương thực, thực phẩm do ngập úng, lũ lụt tại các tỉnh miền Trung và mưa bão vẫn có thể tiếp tục xảy ra từ nay đến cuối năm.

Bên cạnh đó, giá hàng may mặc, mũ nón, giày dép (phục vụ mùa đông) cũng có thể tăng tại các tỉnh miền Bắc do thời tiết chuyển mùa lạnh; thị trường hàng hóa bắt đầu sôi động hơn vào dịp cuối năm. Đồng thời, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng theo quy luật hàng năm, nhu cầu giải ngân, tăng trưởng tín dụng cuối năm cũng sẽ là những yếu tố tạo sức ép tăng giá.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, một số mặt hàng có khả năng ổn định hoặc giảm giá nhẹ trong tháng như mặt hàng thóc gạo, phân bón, vật liệu xây dựng do nhu cầu tiêu thụ vẫn ở mức thấp cũng như nguồn cung được đảm bảo.

Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, điều hành để kiểm soát lạm phát cả năm dưới 5% theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá tháng 10/2016 sẽ góp phần giữ cho giá cả thị trường không xảy ra biến động bất thường trong các tháng cuối năm.

Mặc dù vậy, cơ quan quản lý giá cũng lưu ý, công tác điều hành giá trong 2 tháng cuối năm cần tiếp tục được thực hiện một cách thận trọng, chặt chẽ, quyết liệt để phấn đấu kiểm soát lạm phát trong khoảng dưới 5%.

Nguồn: doanhnghiepvn.vn

Nguồn Vinanet: http://vinanet.vn/hang-hoa/nhieu-mat-hang-chiu-ap-luc-tang-gia-trong-cac-thang-cuoi-nam-656824.html