Nhiều lần bị xử lý vì xả thải, chợ Bình Điền xin thành phố tạm ngừng phạt vi phạm

Chợ Bình Điền vừa xin UBND TP.HCM được tạm ngừng phạt trong thời gian nâng cấp công suất xử lý rác thải sau nhiều lần bị phát hiện và xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường.

Theo bà Trần Thúy Liên, Giám đốc Công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền, ngôi chợ này được đầu tư ban đầu rất lớn về hệ thống xử lý rác thải. Nhà máy xử lý nước thải của chợ có công suất 2.500 m 3 /ngày đêm, được đầu tư với tổng vốn gần 50 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do đặc thù là chợ đầu mối có ngành hàng thủy hải sản lớn nhất nước, nên mỗi đêm chợ sử dụng một lượng nước rất lớn để tẩy rữa. Lượng nước này đã vượt quá khả năng xử lý của nhà máy hiện hữu từ lâu.

Hiện, Tổng công ty thương mại Sài Gòn- đơn vị chủ quản chợ đầu mối Bình Điền, đã có chủ trương đầu tư thêm 20 tỷ đồng, nhằm nâng cấp nhà máy xử lý nước thải từ công suất 2.500 m 3 lên 4.000-5.000 m 3 /ngày đêm.

Tuy nhiên, theo bà Liên, do đầu tư với số tiền lớn nên các bước thực hiện đòi hỏi nhiều thời gian. Cụ thể, theo quy định, riêng thủ tục hành chính đã mất đến 9 tháng. Và thời gian xây dựng từ 6-9 tháng. Tức phải mất một năm rưỡi nữa nhà máy mới có thể đưa vào hoạt động.

Doanh nghiệp quản lý và kinh doanh chợ đầu mối Bình Điền khẳng định lượng nước thải mỗi đêm chợ sử dụng để tẩy rửa vượt khả năng xử lý của nhà máy hiện hữu từ lâu.

Do đó, đại diện chợ đầu mối này kiến nghị các cơ quan quản lý về môi trường như Sở Tài nguyên và Môi trường, C49, PC49, Chi cục môi trường và thanh tra Môi trường… chấp thuận điều chỉnh một số quy chuẩn môi trường cho phù hợp với điều kiện thực tế của chợ.

Bà Liên còn cho rằng dù vi phạm các quy chuẩn nhưng hàm lượng các chỉ tiêu ô nhiễm của chất thải từ chợ vẫn thấp hơn nhiều so với nước sông tại khu vực. Đơn cử, với chỉ tiêu về độ mặn, thì độ mặn trên sông chợ Đệm (huyện Bình Chánh, TP.HCM) còn cao gấp 4-5 lần độ mặn trong nước thải từ chợ Bình Điền.

“Mong thành phố chỉ đạo như thế nào để trong quá trình khắc phục, đừng phạt nữa. Các công ty cũng cố gắng làm sao đạt được môi trường tốt nhất. Và đây không phải là chất thải nguy hại, mà toàn là chất thải hữu cơ”, bà Trần Thúy Liên kiến nghị.

Những năm gần đây, chợ Bình Điền đã nhiều lần bị xử phạt vi phạm hành chính vì gây ô nhiễm môi trường.

Như vào cuối tháng 10/2008, chợ Bình Điền bị phòng Cảnh sát Môi trường Công an TP.HCM bắt quả tang đang xả thải chưa qua xử lý ra sông chợ Đệm. Lúc đó, đại diện Tổng công ty Thương mại Sài Gòn cũng đã hứa sẽ chi hơn 8 tỷ đồng để nâng công suất trạm xử lý nước thải tại chợ này.

Theo lãnh đạo UBND TP.HCM, chợ Bình Điền cần phân loại chất thải để áp dụng công nghệ phù hợp xử lý từng loại, thay vì chỉ đầu tư cho công nghệ xử lý nước thải, vừa mất thời gian, vừa tốn kém.

Đến giữa năm 2010, chợ Bình Điền tiếp tục bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phạt 100 triệu đồng cho hành vi xả nước thải vượt chuẩn.Gần đây nhất, ngày 12/1 vừa qua, C49 – Bộ Công an lại vừa phát hiện chợ này xả trộm chất thải bốc mùi hôi thối ra môi trường.

Không đề cập đến việc có chấp nhận kiến nghị của chợ đầu mối Bình Điền hay không, nhưng Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Trần Vĩnh Tuyến, cho rằng dự án kéo dài 1,5 năm là quá chậm.

“Chưa nói đầu tư, triển khai dự án xong, nó lại lạc hậu về công nghệ. Mà có khi còn không đáp ứng yêu cầu nữa. Ví dụ mình nói 4.000–5.000 m 3 , nhưng biết đâu đến khi xây xong, lượng rác thải tại chợ Bình Điền đã lên đến 7.000 m 3 thì lại kẹt nữa”, ông Tuyến nhận định.

Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo đơn vị quản lý chợ cần phân loại các chất thải từ chợ, để có thể áp dụng công nghệ phù hợp với từng loại, thay vì chỉ đầu tư cho công nghệ xử lý ở mức cao nhất, vừa mất thời gian, vừa gây tốn kém không cần thiết.

Ông cũng chỉ đạo Ban quản lý Công viên phần mềm Quang Trung định hướng các doanh nghiệp trong khu tập trung tìm kiếm giải pháp, công nghệ để xử lý nước thải và các vấn đề môi trường khác của thành phố. Trước mắt là vấn đề rác thải tại chợ Bình Điền.

Bạch Hồng

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://phunuonline.com.vn/mua-sam/sau-nhieu-lan-bi-xu-ly-vi-xa-thai-cho-binh-dien-xin-duoc-tam-ngung-phat-vi-pham-93513/