Nhiều khó khăn trong lưu trữ, giám định tang vật là động vật hoang dã

Hiện các cơ quan chức năng vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc phát hiện và xử lý các hành vi vận chuyển và buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD). Do các đối tượng thường dùng những thủ đoạn tinh vi nhằm che giấu hành vi phạm tội của mình.

Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã tiến hành chuyển một cá thể gấu ngựa bị nuôi nhốt bất hợp pháp trên địa bàn huyện Phúc Thọ cho Trung tâm cứu hộ động vật Hà Nội. Ảnh EVN.

Ngày 27 và 28-10, tại Hà Nội, trường Đại học Kiểm sát Hà Nội phối hợp cùng trường Đào tạo, bồi dường nghiệp vụ kiểm sát TP. Hồ Chí Minh và Cơ quan phát triển Hoa Kỳ tổ chức hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm tố tụng các vụ án vận chuyển, buôn bán ĐVHD”.

Bà Phạm Thị Mến, Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hải Phòng cho biết: Từ năm 2012 đến nay, toàn TP. Hải Phòng đã thực hiện khởi tố 10 vụ án ĐVHD. Trong đó, cơ quan điều tra thành phố và Cục Hải quan thành phố Hải phòng khởi tố 9 vụ án vận chuyến trái phép hành hóa qua biên giới. Các đối tượng phạm tội bằng các phương thức, thủ đoạn khác nhau như: tạm nhập tái xuất, để lẫn hàng hóa ĐVHD với nhau, vận chuyển trong xe đông lạnh chở kèm với các hàng hóa phức tạp khác; giấu ngà voi, đồi mồi trong container chứa các mặt hàng khác như: Lạc nhân, vỏ ốc, than củi… Bên cạnh đó, để đánh lừa việc kiểm tra hải quan đối tượng đã chọn mặt hàng có đặc điểm, có thể gây nhầm lẫn là sừng bộ và cất giấu ngà voi trong các sừng bò lớn. Ngoài ra, khi được cơ quan điều tra triệu tập, ghi lời khai, các cá nhận đại diện công nhận hàng có tên trong vận đơn đều từ chối nhận hàng và khẳng định gửi nhầm hoặc công ty không ký hợp đồng với công ty nước ngoài nào.

Ông Trịnh Ngọc Chính, Trưởng phòng 1, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn cho biết: Từ tháng 1- 2010 đến tháng 6-2016, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn lực lương Kiểm Lâm Lạng Sơn đã bắt giữ, tiếp nhận và xử lý 213 vụ vi phạm có liên quan đến ĐVHD.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh cho biết: nhiều vụ vận chuyển ĐVHD quý, hiếm với số lượng lớn với thủ đoạn “tạm nhập, tái xuất” với nhiều đường dây buôn bán, vận chuyển xuyên quốc gia. Nguồn gốc hàng thường từ một số tỉnh ở khu vực miền Bắc, miền Trung, miền Nam của nước ta hoặc từ nước ngoài được các đối tượng chứa trong container lẫn hàng hóa khác rồi đưa vào Việt Nam qua các cửa khẩu ở Quảng Ninh để vận chuyển sang Trung Quốc.

Ngoài ra, tại hội thảo các đại biểu cũng chỉ ra những vướng mắc trong quá trình bảo quản, giám định ADN các sản phẩm ĐVHD. Như đối với sản phẩm của ĐVHD và động vật nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ thì khi thu giữ phải được niêm phong để tiến hành giám định AND nhằm xác định đúng loài, chủng loại để căn cứ xử lý. Tuy nhiên, thực tế gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo quản, lư giữ sản phẩm vì trong nhiều trường hợp bảo quản, lưu giữ cần được thực hiện trong điều kiện đặc biệt với những thiết bị lưu trữ phù hợp như: Cấp đông, tủ lạnh mà thiết bị này không phải cơ quan tiến hành tố tụng nào cũng có. Bên cạnh đó, những loài không có ở Việt Nam, chỉ có ở nước ngoài thì việc giám định AND cũng gặp nhiều khó khăn.

Đỗ Hòa

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nhieu-kho-khan-trong-luu-tru-giam-dinh-tang-vat-la-dong-vat-hoang-da.aspx