'Nhiều học sinh tổng kết trên 9,0 vẫn xếp loại trung bình'

Theo một số thầy cô, nhiều học sinh có điểm tổng kết trên 9,0 vẫn xếp loại trung bình như trường hợp nữ sinh lớp 8 ở TP.HCM. Giáo viên tiếc cho các em nhưng không thể "xé rào".

Câu chuyện học sinh lớp 8 ở TP.HCM có điểm tổng kết đạt 9,3 bị xếp loại trung bình vì môn Thể dục, dù được xác định nhà trường đánh giá đúng, vẫn khiến nhiều cư dân mạng tiếc nuối.

Nhiều ý kiến cho rằng nên có cách đánh giá phù hợp từng em. Phần lớn học sinh dành nhiều thời gian cho môn văn hóa nên khó học toàn diện cả môn phụ.

“Thầy cô thường tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh. Dù tiếc cho thành tích của các em, giáo viên không thể làm khác được vì đó là quy chế”, thầy Hà, giáo viên thể dục ở quận 1, TP.HCM cho biết.

Bảng điểm của học sinh lớp 8 gây nhiều tranh cãi trên mạng. Ảnh chụp màn hình

Có thể được miễn học

Trước những ý kiến cho rằng nhà trường đánh giá "nặng tay", cô Phí Thị Thu Lan, giáo viên ở quận 3, TP.HCM bày tỏ quan điểm: “Nói thế khác nào bảo bỏ môn Thể dục đi. Các em đã học thì phải có đánh giá. Trường hợp này là môn Thể dục, nếu là môn văn hóa khác, mọi người sẽ không thắc mắc. Chính tâm lý môn phụ khiến nhiều người đánh giá không đúng bản chất sự việc”.

Theo cô Lan, học sinh có thể đến bệnh viện xin giấy xác nhận về tình trạng sức khỏe, thể trạng, các dị tật nếu có. Giáo viên bộ môn căn cứ đó để có cách đánh giá phù hợp.

Thầy Dũng, giáo viên dạy thể dục trường THPT Trương Định, Hà Nội giải thích thêm yêu cầu đạt với môn này ở trường phổ thông là mức tối thiểu, không đòi hỏi học sinh phải có thành tích cao, cũng không cần các em có khả năng đặc biệt. Mức đạt cũng được đưa ra dựa theo đánh giá chung về mặt bằng thể lực của từng lứa tuổi.

"Nếu các em có vấn đề về thể lực, có giấy xác nhận của bệnh viện, giáo viên sẽ giảm mức yêu cầu xuống, tạo cơ hội cho học sinh vượt qua hoặc được miễn học. Những môn yêu cầu sự khéo léo, linh hoạt như đá cầu, cầu lông..., các em luyện tập theo cách thầy cô hướng dẫn là đạt mức tối thiểu", nam giáo viên nói.

Thầy Đoàn, giáo viên dạy thể dục ở trường THPT tại Hà Nội cho biết thêm: "Trong quy định đánh giá môn Thể dục, học sinh có 7 lần kiểm tra. Nếu 4 trong 7 lần đó các em đạt, tổng kết môn sẽ đạt. Cách đánh giá như vậy rất khách quan với học sinh".

Thầy cô đã tạo điều kiện hết mức

Nhiều năm giảng dạy trong lĩnh vực thể chất, thầy Dũng cho rằng khi giáo viên làm hết trách nhiệm, chia sẻ khó khăn với học sinh, kết quả còn lại phụ thuộc các em.

Hơn ai hết, thầy cô là người mong học trò đạt kết quả tốt nhất. Tuy nhiên, việc ưu ái em này sẽ bất công cho em khác, tạo điều kiện cho một học sinh sẽ phủ nhận sự nỗ lực của các bạn còn lại.

Một số giáo viên nhận định nhiều khi vấn đề nằm ở ý thức của học sinh. Nếu sức khỏe các em không tốt, đầu năm, nhà trường cũng thông báo với phụ huynh xin giấy xác nhận để làm đơn đề nghị giảm tải cho học trò.

Nhưng nếu các em coi thường, không ôn luyện, không lên lớp, kiểm tra nhiều lần cũng không vượt qua..., thầy cô không còn cách nào khác, phải đánh giá theo quy định.

Đánh giá học sinh không đạt, phải thi lại, giáo viên phải tường trình trước phụ huynh, giáo viên chủ nhiệm, lãnh đạo nhà trường. Phải có đầy đủ căn cứ thầy cô mới có thể đưa ra kết quả xếp loại.

Minh Nhật

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhieu-hoc-sinh-tong-ket-tren-9-0-van-xep-loai-trung-binh-post706667.html