Nhiều hệ thống giám sát ATTP chưa được xây dựng

Chỉ trong 2 năm 2014-2015, nước ta đã xảy ra 370 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) với hơn 10.000 người mắc và 66 ca tử vong. Hầu hết các vụ ngộ độc do vi sinh vật. Tuy nhiên, số trường hợp NĐTP có thể cao gấp 100 lần so với báo cáo.

Đặc biệt, các kết quả nghiên cứu có rất ít hoặc không có bằng chứng khoa học để đánh giá đúng gánh nặng của bệnh do thực phẩm. Đây là vấn đề được đưa ra tại hội thảo "Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) ở Việt Nam - những thách thức và cơ hội" do Ngân hàng Thế giới (WB) và Bộ Y tế tổ chức ngày 26-3 tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Lâu nay, đa số người dân chỉ lo lắng về việc mất ATTP do chất hóa học, nhưng nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, nguy cơ đối với sức khỏe cấp tính lớn nhất là do nhiễm bẩn vi sinh vật, tiếp theo mới là các nguy cơ do sử dụng quá mức chất hóa học và nhiễm bẩn độc tố.

Các bằng chứng khoa học cho thấy nhiễm bẩn thực phẩm xảy ra trên diện rộng, ở tất cả các giai đoạn trong chuỗi giá trị. Đặc biệt các nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (ILRI) cho thấy sự nhiễm bẩn Salmonella, Escherichia coli và các tác nhân sinh học và hóa học khác trong thực phẩm - đặc biệt là trong thịt lợn - còn cao, khoảng 30%-40%.

Cơ quan chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm.

Phần lớn các vụ NĐTP xảy ra ở hộ gia đình, chiếm 50-65%; ở các bếp ăn tập thể là 10-20%; thức ăn đường phố khoảng 10%. Đáng lưu ý là số vụ NĐTP ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn nhất, tới 30%. Hơn 50% số ca tử vong do NĐTP là độc tố có trong hải sản và nấm độc. Phần lớn các ca NĐTP là tiêu chảy (85%) và ngộ độc (15%) do các mối nguy sinh học (vi khuẩn, virus, ký sinh trùng chiếm khoảng 70%), các mối nguy hóa học (10-50%) và các độc tố tự nhiên.

Tuy nhiên, số liệu công khai của các bệnh gây ra do thực phẩm không an toàn còn hạn chế. Chỉ các vụ NĐTP tập thể mới được truyền thông chú ý và các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc, trong khi thực tế, các vụ việc này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.

Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các loại kháng sinh tràn lan trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi làm tăng nguy cơ tồn dư trong thực phẩm với nồng độ gây hại cho sức khỏe con người. Một số chất kích thích tăng trưởng, chất cấm trong chăn nuôi cũng được sử dụng làm chất tạo nạc vẫn tương đối phổ biến, chưa kể, nhiễm bẩn kim loại nặng và các chất hữu cơ bền vững trong môi trường, trong đó có dioxin cũng được ghi nhận tại một số địa phương.

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, ở Việt Nam, việc theo dõi dịch bệnh truyền nhiễm qua đường thực phẩm chỉ dựa trên các báo cáo điều tra dịch bệnh và hệ thống giám sát nguy cơ, trong khi các hệ thống giám sát quan trọng khác (như giám sát triệu chứng, giám sát các khiếu nại và hệ thống giám sát kháng thuốc kháng sinh vv…) chưa được xây dựng.

Nhiều chuyên gia y tế không nhận thức được tầm quan trọng của thông tin cảnh báo sớm, trừ trường hợp xảy ra các sự cố nghiêm trọng. Hoạt động thử nghiệm thực phẩm được tiến hành rời rạc. Trong xuất nhập khẩu lại không có báo cáo hệ thống về các sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn phát hiện tại các khu vực thương mại biên giới…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP, nhấn mạnh, tình hình ATTP tại Việt Nam là vấn đề nóng những năm qua, đặc biệt là năm 2015 và 2016, liên quan đến hệ thống tổ chức, phạm trù pháp luật, đạo đức.

Vì thế, việc Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế nghiên cứu về thực trạng quản lý ATTP và đưa ra kiến nghị là hết sức cần thiết. Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Thế giới có những hoạt động cụ thể hơn, trước hết là để những khuyến nghị được lan tỏa đến mọi người dân trong xã hội.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý vấn đề quan trọng nhất của Việt Nam là liên quan tới thực phẩm tiêu dùng trong nước, trong đó phần nhiều do các hộ nhỏ lẻ, từ nuôi trồng, chế biến, kinh doanh. Vì vậy, cần nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước, nhưng cũng cần tuyên truyền, vận động nhân dân có ý thức tuân thủ pháp luật về sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm an toàn, đồng thời, tuyên truyền cả về luân lý, đạo đức.

Theo Phó Thủ tướng, để quản lý tốt ATTP, quan trọng nhất là tăng cường năng lực thể chế từ cấp Trung ương đến địa phương ở cả 4 cấp, trong đó cấp cuối cùng là vô cùng quan trọng. Cũng cần đẩy mạnh năng lực kiểm tra, đo lường, với mạng lưới từ phòng thí nghiệm, phương tiện lưu động... không phân biệt của nhà nước hay doanh nghiệp, mà phương tiện nào đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đều phải được huy động. Phải tăng cường năng lực thực hiện với các giải pháp đồng bộ.

Nghiên cứu từ chuỗi giá trị thịt lợn, rau cung cấp cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy 80% thịt lợn, 85% rau được bày bán tại các chợ lẻ truyền thống, những người sản xuất nhỏ chiếm ưu thế trong chuỗi giá trị này; 76% thịt lợn được giết mổ trong các cơ sở giết mổ nhỏ với điều kiện vệ sinh kém. Trong 10.000 mẫu thực phẩm được giám sát, có tới trên 70% mẫu bị nhiễm bẩn các vi khuẩn dạng coli... Bên cạnh đó là nguy cơ về hóa chất: mẫu dầu rán không đáp ứng tiêu chuẩn nồng độ ô xi hóa, thực phẩm dương tính với hàn the và fomandehit v.v...

Thanh Hằng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/nhieu-he-thong-giam-sat-attp-chua-duoc-xay-dung-434330/