Nhiều góp ý tạo đột phá phát triển đường sắt

Góp ý dự án Luật Đường sắt (sửa đổi), nhiều ĐBQH cho rằng, Luật cần đặc biệt quan tâm những quy định về chính sách ưu đãi thu hút các nguồn vốn ngoài xã hội tham gia đầu tư, nâng cao hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa phát biểu tại Quốc hội về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi) - Ảnh: TTXVN

Cuối tuần qua (18/11), Quốc hội có buổi thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). Dù đây là dự án Luật lần đầu được thảo luận tại hội trường, nhưng đa số ĐBQH đều đánh giá cao sự tiếp thu của cơ quan soạn thảo, đồng thời nhất trí tính cấp thiết sửa đổi luật.

Tách bạch quản lý Nhà nước trong vận tải và kinh doanh

Tờ trình về dự án Luật do Chính phủ trình Quốc hội nhấn mạnh quan điểm phải tách bạch giữa chức năng quản lý Nhà nước của cơ quan Nhà nước với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN; Giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng với kinh doanh vận tải trên đường sắt do Nhà nước đầu tư; tăng cường công tác quản lý nguồn vốn Nhà nước đầu tư cho đường sắt.

Đồng tình với nội dung này, ĐB Triệu Tuấn Hải (Lạng Sơn) cho rằng, phải coi việc tách bạch giữa chức năng quản lý Nhà nước của cơ quan Nhà nước với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN là một trong bốn mục tiêu trọng tâm của luật. Cùng đó là ba mục tiêu: Phát triển giao thông đường sắt theo cơ chế thị trường, tạo cơ chế mở thu hút các nguồn lực ngoài xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước; Chú ý đến cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động đường sắt và tăng cường hội nhập quốc tế trong lĩnh vực GTVT đường sắt gắn kết với đường sắt các nước trên cơ sở chia sẻ về mục tiêu, lợi ích, giá trị, nguồn lực…

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho biết, chúng ta cần đổi mới quyết liệt và tạo động lực thúc đẩy ngành Đường sắt hướng ra cơ chế thị trường, tách bạch Nhà nước, sản xuất, kinh doanh; Có lộ trình tách bạch kinh doanh hạ tầng và kinh doanh vận tải đối với đường sắt quốc gia để thu hút các nguồn lực có chính sách ưu đãi rõ hơn, đẩy mạnh khai thác lợi thế các nhà ga…

Đầu tư đường sắt tốc độ cao, phát triển công nghiệp đường sắt

ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) ủng hộ việc bổ sung một số quy định cơ bản về đường sắt tốc độ cao trong luật để làm cơ sở pháp lý cho việc chuẩn bị và đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao sau này. Theo ông, có được tuyến đường sắt tốc độ cao sẽ tận dụng được lợi thế của giao thông đường sắt trong phát triển KT-XH, hội nhập các nước.

“Chúng ta không thiếu tiền để xây dựng đường sắt tốc độ cao. Dự án đường sắt tốc độ cao sẽ tự sinh ra tiền, không chỉ giúp phát triển ngành GTVT mà còn tạo ra diện mạo mới cho 21 địa phương nơi dự án đó đi qua. Nếu Chính phủ tận dụng hết tiềm năng dự án này mang lại sẽ không phải vay vốn”, ông Cảnh phân tích và đề xuất trong dự án Chính phủ dự kiến trình Quốc hội sẽ có một nội dung đề nghị điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất để Chính phủ có thể xây ít nhất 21 khu đô thị tại các ga hành khách và ga hàng hóa mới khi đường sắt đi qua. Đồng thời, xây dựng ít nhất 21 trung tâm thương mại tại các ga này.

Là dự án Luật lần đầu được thảo luận tại hội trường Quốc hội, nhiều ý kiến của các ĐBQH cũng đề cập đến những vấn đề quan trọng trong dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) như bảo vệ hành lang an toàn đường sắt, quy định cụ thể trách nhiệm để xảy ra tai nạn đường sắt, hay lộ trình xóa bỏ các lối đi dân sinh cắt ngang đường sắt - vốn là nơi tiềm ẩn TNGT…

Theo ĐB Cảnh, nếu không phải vay vốn, chúng ta sẽ chủ động trong việc chọn công nghệ phù hợp mà không phải phụ thuộc vào bất cứ nước nào. Sau này người dân, DN sẽ được sử dụng tuyến đường sắt tốc độ cao với chi phí thấp do Nhà nước đầu tư.

Giải pháp căn cơ được ĐB đặt ra là phải tập trung phát triển ngành công nghiệp đường sắt. ĐB cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm trong tổng số 80 nghìn tỷ đồng dự tính phân bổ cho các dự án trọng điểm quốc gia theo nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, cần dành vốn cho một dự án trọng điểm là dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam. Việc này không chỉ giúp giảm chi phí vận tải, nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn giúp ngành công nghiệp đường sắt phát triển, giúp nội địa hóa tối đa dự án đường sắt tốc độ cao và là tiền đề để chúng ta tiến tới làm chủ công nghệ các công trình giao thông đường sắt.

Đồng tình, ĐB Nguyễn Phi Thường cũng đề xuất Quốc hội nên bố trí một khoản nhỏ trong gói 80 nghìn tỷ đồng cho nghiên cứu khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Sau năm 2020 có điều kiện có thể phát triển, triển khai dự án và phải có chính sách giữ cho được quỹ đất để xây dựng đường sắt tốc độ cao sau này.

Ưu tiên đường sắt đô thị, đường sắt đôi Bắc - Nam

Quy định về đường sắt đô thị là một điểm mới đưa vào trong Luật được nhiều ĐBQH đồng tình. ĐB Nguyễn Phi Thường cho rằng, trong khi ùn tắc giao thông đô thị ở Hà Nội, TP.HCM ngày càng trầm trọng, một trong những giải pháp căn cơ được trông đợi là việc đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị. Theo đó, hiện nay, một số dự án đang được triển khai xây dựng và sắp tới sẽ vận hành, do đó dự luật cần đưa ra các chế định.

“Hệ thống đường sắt đô thị phải là xương sống của giao thông đô thị. Phải chú trọng phát triển các ga trung chuyển đa phương thức, tạo cơ chế, chính sách cho DN đường sắt đô thị khai thác thương mại các nhà ga, tạo nguồn bù đắp hỗ trợ, giảm trợ giá từ ngân sách, đảm bảo kết nối đường sắt đô thị với vận tải liên tỉnh là các bến xe và vận tải nội đô là xe buýt. Đặc biệt, trong điều kiện hạn chế, chỉ có thể có dần từng tuyến đường sắt đô thị, không thể có cả mạng lưới để phát huy đầy đủ hiệu quả”, ông Thường góp ý.

ĐB Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) cũng cho rằng, cần phải đẩy mạnh đầu tư đường sắt đô thị để giảm ùn tắc giao thông trong nội đô. Ông Thể cũng kiến nghị, chính sách phát triển đường sắt sắp tới cần đầu tư đường sắt đôi Bắc - Nam, phải ưu tiên đặc biệt cho các nhà đầu tư, các nguồn vốn để hình thành đường sắt đôi này bởi nếu có nó, việc vận chuyển hành khách, hàng hóa sẽ khả thi, hiệu quả hơn, giảm tải đáng kể cho đường bộ.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, với các tuyến đường sắt đô thị kết nối nhiều tỉnh, thành phố, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ phụ trách việc đầu tư, quản lý, vận hành để đảm bảo Luật ban hành bao quát hết các trường hợp thực tế đang diễn ra. Nêu một thực tế hiện nay, hệ thống đường sắt đô thị ở Việt Nam đang được đầu tư bởi nhiều nước, nhiều trình độ công nghệ, như vậy sau này rất khó khăn trong việc bảo trì, bảo dưỡng, thay thế thiết bị và cả trong đào tạo nguồn nhân lực để làm chủ các công nghệ, ĐB đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung trong một hệ thống đường sắt đô thị chỉ được chọn tối đa 3 trình độ công nghệ hoặc từ 3 quốc gia khác nhau để chủ động cho việc phát triển hệ thống sau này. Dự thảo luật sẽ quy định một khoảng mở đó là phát triển thêm một trình độ công nghệ hoặc một quốc gia chuyển giao công nghệ thứ tư trở lên phải trình Quốc hội quyết định.

Cho nhà đầu tư thấy tương lai của các chính sách ưu đãi

Đề cập nhiều đến các chính sách ưu đãi dành cho đầu tư đường sắt, tuy nhiên, ĐB Nguyễn Văn Thể thẳng thắn góp ý, dù trong Luật có chính sách phát triển, ban hành ưu đãi cho đầu tư đường sắt nhưng để DN tiếp cận ưu đãi này thế nào lại chưa rõ. “Chúng ta đưa ra các chính sách ưu đãi về đất, về vốn nhưng lại chưa có quy định nào làm cho nhà đầu tư nhìn thấy tương lai để đầu tư. Vì thế, trình tự thủ tục hay cách tiếp cận thế nào phải đưa vào một chương trong luật để các nhà đầu tư nhìn ra ngay, làm như thế mới xã hội hóa được, nếu không sẽ rất khó”, ông Thể nhấn mạnh.

ĐB Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) băn khoăn: “Đường sắt của chúng ta có từ rất sớm nhưng hiện nay lại rất lạc hậu so với các loại hình khác. Thời gian qua, chúng ta đã quan tâm đầu tư cho đường sắt hài hòa với các loại hình khác hay chưa?”. Ngoài khai thác sử dụng có hiệu quả kết cấu hạ tầng đường sắt, ĐB này cho rằng cần kêu gọi các DN đầu tư cho các công trình nhà ga bởi hiện nay, ở nhiều địa phương, nhà ga không được đầu tư nên không phát huy được hiệu quả.

Đường sắt có rất nhiều tiềm năng để khai thác

Giải trình sau khi nghe ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh, nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án Luật, Bộ GTVT đã chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành thực hiện một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng các công tác: Tổng kết thi hành Luật Đường sắt sửa đổi năm 2005, soạn thảo Luật Đường sắt sửa đổi tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật từ quá trình khảo sát, nghiên cứu, biên dịch tài liệu, lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, DN, hiệp hội nghề nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước đến việc tổ chức các hội nghị thẩm định, thẩm tra…

Khẳng định đây là một dự án Luật quan trọng được Quốc hội, nhân dân và cử tri đặc biệt quan tâm, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của đường sắt bởi đây vốn là một phương thức vận tải hàng hóa và hành khách khối lượng lớn, hiệu quả, thân thiện với môi trường và rất nhiều tiềm năng để chúng ta khai thác.

Bộ trưởng thay mặt cơ quan soạn thảo tiếp thu tất cả các ý kiến đóng góp của các ĐBQH, sau đó sẽ tiếp tục nghiên cứu thấu đáo, cùng các cơ quan thẩm tra tổng hợp đầy đủ và báo cáo với cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng. “Cơ quan soạn thảo sẽ làm việc có trách nhiệm trong việc tiếp thu ý kiến, tạo sự đồng thuận cao trước khi trình Quốc hội và mong muốn dự án Luật sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp sau”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nói.

Hoài Thu

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/nhieu-gop-y-tao-dot-pha-phat-trien-duong-sat-d177221.html