Nhiều giải pháp thích ứng bảo đảm sức khỏe trong biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu (BĐKH) không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, dinh dưỡng toàn cầu mà còn đe dọa sức khỏe con người, đòi hỏi hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe phải có kế hoạch và biện pháp ứng phó tương ứng. Trước thách thức này, TP Hà Nội đã xây dựng kịch bản và triển khai nhiều giải pháp thích ứng với BĐKH trong lĩnh vực y tế.

Biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp đến đời sống con người. Trong ảnh: Tình trạng ngập lụt xảy ra tại Hà Nội sau một trận mưa lớn. Ảnh: Khánh Huy

Theo kết quả cập nhật Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH trên địa bàn TP Hà Nội, nhiều địa phương như Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Sóc Sơn, Gia Lâm… giai đoạn tới có số ngày nắng nóng trên 35 độ C tăng cao từ 85% đến 135% so với thời kỳ 1980-1999. Tại những địa bàn trên, dự báo số ngày có lượng mưa hơn 150mm có khả năng tăng từ 40% đến 130%. Do nhiệt độ tăng cao, xu hướng sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, thiết bị làm lạnh ngày càng lớn, không khí ở Hà Nội sẽ chịu ảnh hưởng của hiệu ứng đảo nhiệt. Ngoài ra, do gia tăng thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan như bão, gió lốc… dẫn đến việc đứt, gãy dây, cột điện, cây xanh, bảng quảng cáo…

Tất cả những biểu hiện trên đang tạo ra nguy cơ rất lớn về dịch bệnh, sức khỏe, đe dọa tính mạng người dân Thủ đô. Đơn cử như tình trạng ngập lụt, có khả năng gây ô nhiễm môi trường nước và đất, làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh đường ruột truyền qua nước như tả, lỵ, thương hàn, tiêu chảy cấp... Hay sự thay đổi về lượng mưa, trữ lượng nước bề mặt và chất lượng nước có thể gia tăng các bệnh lan truyền qua nước và thức ăn, khả năng sinh sôi của các trung gian truyền bệnh nguy hiểm như muỗi, ruồi, chuột… gây ra các bệnh sốt xuất huyết, sốt rét, viêm não Nhật Bản…

Để thích ứng với BĐKH, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, TP Hà Nội đã xây dựng và triển khai nhiều giải pháp: Đánh giá tác động tiêu cực của BĐKH đến sức khỏe cộng đồng; xác định địa bàn xung yếu trong mạng lưới y tế cộng đồng; đánh giá thực trạng cơ sở hạ tầng y tế công cộng và dự kiến kế hoạch tu bổ, nâng cấp. TP Hà Nội cũng đã xây dựng chương trình hành động trong bối cảnh BĐKH: Nghiên cứu định tính và định lượng các mối tương quan, liên hệ giữa BĐKH, thiên tai và các dao động khí hậu với chỉ số sức khỏe, y tế công cộng ở Hà Nội như số ca, tỷ lệ mắc của những bệnh có tính nhạy cảm cao với khí hậu, kể cả các bệnh không truyền nhiễm như tim mạch, hô hấp...

Bên cạnh đó, Hà Nội đã xây dựng chương trình tăng cường sức khỏe cải thiện môi trường kiểm soát dịch bệnh ứng phó với BĐKH; đánh giá tác động của BĐKH đến phát sinh, phát triển và lan truyền dịch bệnh; nâng cao nhận thức công chúng; đồng thời, tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực về ứng phó BĐKH và phòng, chống thiên tai cho các cán bộ lãnh đạo, quy hoạch đô thị, y tế các cấp cũng như cho cộng đồng.

TP Hà Nội cũng đã lồng ghép BĐKH vào quy hoạch đô thị và hoạt động y tế dự phòng; tăng cường hệ thống theo dõi, giám sát chỉ số bệnh tật, lây truyền và dịch vụ y tế dự phòng, hệ thống chăm sóc sức khỏe cấp cộng đồng. Ngành Y tế Hà Nội còn tổ chức tiêm phòng và tái tiêm phòng đầy đủ cho người dân; xây dựng kế hoạch cấp cộng đồng và kỹ năng ứng phó BĐKH, bảo vệ sức khỏe và phòng ngừa lây lan bệnh tật cho các tổ chức dân sự xã hội và người dân.

Mới đây, TP Hà Nội đã phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng các mô hình dự báo nguy cơ bùng phát và lan truyền các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có liên quan đến BĐKH, dựa trên các dự báo thời tiết và dự báo khí hậu. Cùng với đó là việc xây dựng và hoàn thiện kế hoạch ứng phó và phòng, chống thiên tai; kế hoạch phản ứng với các bệnh truyền nhiễm cấp thành phố và cấp cộng đồng, theo chỉ dẫn của Tổ chức Y tế thế giới; tăng cường sự tham gia của cộng đồng và tổ chức xã hội vào các hoạt động này...

Sơn Tùng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Xa-hoi/852271/nhieu-giai-phap-thich-ung-bao-dam-suc-khoe-trong-bien-doi-khi-hau