Nhiều giải pháp đảm bảo cấp điện cho miền Nam

Hiện tượng El Nino gây thiếu nước về ở hầu hết các hồ chứa thủy điện, trong khi nhu cầu điện tiếp tục tăng cao đang làm tăng thêm những khó khăn về cung cấp điện.

Nhiều giải pháp đảm bảo cấp điện cho miền Nam. Ảnh: EVN

Năm nay, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino với cường độ mạnh và kéo dài nhất trong khoảng 60 năm qua gây thiếu nước về ở hầu hết các hồ chứa thủy điện và thủy lợi và nhiều tỉnh/thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bị hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng khiến cung ứng điện trở nên khó khăn hơn.

Phóng viên BNEWS đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phước Đức, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) xung quanh những khó khăn và giải pháp đảm bảo cấp điện cho 21 tỉnh/thành phố phía Nam trong mùa khô này.

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết những khó khăn trong việc cung cấp điện cho các tỉnh, thành khu vực miền Nam do EVN SPC quản lý ?

Ông Nguyễn Phước Đức: Tổng lượng nước trong các hồ thủy điện phía Nam hiện nay chỉ chiếm khoảng 80% tổng dung tích hữu ích của các hồ thủy điện, với sản lượng điện thiếu hụt so với mực nước dâng bình thường là 3,22 tỷ kWh. Đây là một khó khăn trong việc cấp điện cho mùa khô này và cho cả năm 2016.

Để đảm bảo cấp điện cho miền Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã huy động tối đa các tổ máy tua bin khí, nhiệt điện than ở khu vực miền Nam, đồng thời truyền tải luôn ở mức cao trên các đường dây 500 kV Bắc - Nam.

EVN cũng áp dụng các biện pháp kỹ thuật và quản lý vận hành để tăng khả năng truyền tải công suất cao trên các đường dây 500kV, 220kV từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam. Trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ thi công để sớm đưa các công trình trọng điểm trên lưới điện truyền tải vào vận hành.

Cụ thể như trạm biến áp 500 kV Pleiku 2, các bộ tụ bù dọc trên cung đoạn từ Pleiku - Cầu Bông, đường dây 220 kV liên kết Bắc - Trung Vũng Áng - Ba Đồn - Đồng Hới…, nhằm tăng khả năng truyền tải giữa các miền.

Năm nay, dự báo công suất sử dụng lớn nhất tại địa bàn 21 tỉnh, thành phía Nam do chúng tôi cung cấp sẽ lên đến 8.450 MW, tăng 9,98% so với năm 2015. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ điện sẽ tăng cao liên tục trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay. Dự kiến sản lượng điện năm 2016 sẽ đạt 55 tỷ kWh, tăng khoảng 11% so với năm 2015.

Dự báo sản lượng điện năm 2016 đạt 55 tỷ kWh. Ảnh: EVN

Riêng trong 3 tháng đầu năm nay, EVN SPC đã nhận từ EVN tổng sản lượng trên 13 ,4 tỷ kWh, tăng 9, 05 % so với cùng kỳ 2015, sản lượng bình quân ngày là gần 147,62 triệu kWh.

PV: Trước thực tế nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng cao và với những khó khăn trong việc cung cấp điện, nhất là trong mùa khô này, theo ông, Tổng công ty đã triển khai những giải pháp gì để đảm bảo cung cấp điện ổn định và an toàn trên địa bàn 21 tỉnh/thành phía Nam ?

Ông Nguyễn Phước Đức: Mục tiêu trong năm 2016 của chúng tôi vẫn là tiếp tục cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các tỉnh / thành phía Nam. Để đảm bảo thực hiện mục tiêu này, chúng tôi đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ Tổng công ty đến các đơn vị truyền tải và kinh doanh phân phối điện trực thuộc.

Trong kế hoạch cung cấp điện của mình, Tổng công ty đã yêu cầu Công ty lưới điện cao thế miền Nam luôn theo dõi sát tình hình phụ tải và xây dựng phương thức vận hành lưới điện 110kV để tăng độ tin cậy cung cấp điện và giảm tổn thất điện năng kỹ thuật . Đồng thời, thực hiện tốt kế hoạch sửa chữa, bảo trì, thí nghiệm và các công trình cải tạo lưới điện 110kV.

Chúng tôi cũng yêu cầu các Công ty điện lực tỉnh/thành phối hợp Sở Công Thương lập và trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt kế hoạch cung cấp điện năm và hàng tháng, xây dựng phương án ứng phó mất cân đối cung cầu hệ thống điện, chuẩn bị sẵn sàng phương án cấp điện cho những ngày phụ tải tăng đột biến để không làm gián đoạn cung cấp điện.

Các Công ty điện lực tỉnh/thành tổ chức rà soát, thống kê các phụ tải mang tính chất mùa vụ, đặc trưng của địa phương; đồng thời, có phương án ưu tiên cho các phụ tải trọng yếu phục vụ nhu cầu dân sinh cơ bản như nước sạch, bệnh viện…, chống hạn, ngăn dịch bệnh, các sự kiện chính trị - xã hội. Mặt khác, theo dõi sát tình hình phụ tải để có phương án cấp điện phù hợp.

Tổng công ty cũng bố trí hợp lý các công tác trên lưới điện và phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành để giảm thời gian và phạm vi mất điện. Tăng cường các biện pháp quản lý vận hành như: Rà soát và đảm bảo sự hoạt động chính xác của hệ thống rơ-le bảo vệ, đảm bảo hành lang an toàn lưới điện cao áp, khắc phục các khiếm khuyết của lưới điện để giảm nguy cơ sự cố.

EVN SPC tăng cường các biện pháp quản lý vận hành điện. Ảnh: EVN

EVN SPC còn tổ chức và duy trì chế độ họp giao ban sản xuất hàng tuần với các đơn vị qua hội nghị truyền hình để kiểm soát những công việc nói trên cũng như kịp thời tháo gỡ khó khăn và chỉ đạo các đơn vị thực hiện.

PV: Vậy những công trình Tổng công ty đã đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện trên địa bàn các tỉnh, thành phía Nam trong những năm qua đang được phát huy hiệu quả như thế nào trong việc đảm bảo cung cấp điện, thưa ông ?

Ông Nguyễn Phước Đức: Đúng là không thể không kể đến một số công trình cải tạo, nâng công suất và xây dựng mới để tăng cường năng lực cấp điện, chống quá tải lưới điện miền Nam được thực hiện từ năm 2014 và 2015 đã và đang phát huy tác dụng.

Tiêu biểu như nâng công suất các trạm 110kV Hòn Đất, Bình Thạnh, An Phước, Lâm Hà; lắp máy 2 trạm Bàu Bèo, KCN Trảng Bàng, Đức Lập. Các công trình đường dây 110kV như 172 Bạc Liêu 2 – Giá Rai, 171 Thác Mơ - Phước Long, 171 Trần Quốc Toản – An Long – Hồng Ngự, Thạnh Đức – Tây Ninh, lộ ra 110kV trạm 220kV Tháp Chàm, xóa đấu nối chữ T trạm 110kV KCN Mỹ Xuân A và China Steel… ; nâng công suất và lắp máy 2 để chống quá tải như trạm 110kV Cần Thơ, Đông Xuyên, Vĩnh Long, Vũng Liêm…

PV: Mặc dù vậy, một trong những giải pháp làm giảm áp lực cung cấp điện đó chính là đẩy mạnh tuyên truyền về tiết kiệm điện. Vậy theo ông, EVN SPC đã triển khai giải pháp này như thế nào ?

Ông Nguyễn Phước Đức: Năm nay, ngoài việc tuyên truyền quảng bá sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thông qua các sự kiện như: Giờ Trái đất, Ngày Hội tiết kiệm điện, tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng…, chúng tôi chú trọng thực hiện các giải pháp hướng đến từng đối tượng khách hàng cụ thể như: sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản (thanh long, nuôi tôm công nghiệp, trồng hoa); thực hiện mô hình ESCO (công ty dịch vụ năng lượng); hỗ trợ đầu tư thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo.

Các Công ty điện lực không chỉ thỏa thuận với khách hàng về các giải pháp cung cấp điện, điều hòa phụ tải và tiết kiệm điện mà còn xây dựng chương trình và có các biện pháp cụ thể để giám sát việc thực hiện kế hoạch tiết kiệm điện tại các Điện lực. Đồng thời, lựa chọn hình thức tuyên truyền tiết kiệm điện hiệu quả, phù hợp với từng đặc điểm địa phương.

Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn kêu gọi các hộ sử dụng điện tiếp tục đưa việc sử dụng điện tiết kiệm trở thành thói quen trong mỗi khách hàng nhằm giải quyết tình trạng thiếu điện trên cả nước, đem lại lợi ích thiết thực cho mỗi gia đình và toàn xã hội.

PV: Xin cảm ơn ông!

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/nhieu-giai-phap-dam-bao-cap-dien-cho-mien-nam/13592.html