Nhiều gia cầm đã được tiêm phòng nhưng vẫn bị nhiễm cúm

TP Cần Thơ hiện có đàn gia cầm gần 1,8 triệu con. Trong đó, đàn gà 518.320 con (tỷ lệ tiêm phòng chỉ đạt 36%), đàn vịt hơn 1,2 triệu con (tiêm phòng hơn 80%). Từ đầu năm 2014 đến nay, trên bàn TP Cần Thơ liên tiếp xuất hiện nhiền ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1. Trong đó, nhiều trường hợp dù đã tiêm phòng nhưng vẫn xảy ra tình trạng gia cầm chết do nhiễm cúm A/H5N1.

Các ổ dịch cúm gia cầm được ghi nhận chủ yếu tại huyện Phong Điền (TP Cần Thơ). Theo Chi cục thú y TP Cần Thơ, từ cuối năm 2013 đến nay, tại huyện Phong Điền đã có 4 ổ dịch cúm gia cầm, lực lượng chức năng đã tiêu hủy 2.700 con (chủ yếu là gà).

Theo nhiều hộ dân, dù gia cầm nuôi được tiêm phòng vắc xin đầy đủ nhưng chết do bị nhiễm cúm A/H5N1. Bà Nguyễn Thị Hà (ngụ xã Tân Thới, huyện Phong Điền) cho biết, gia đình bà nuôi gần 1.800 con gà, được cán bộ thú y tiêm phòng theo quy định. Trước Tết, bà Hà bán bớt 800 con. Số còn lại chết liên tục chết trong thời gian trước, trong và sau Tết, nên buộc phải tiêu hủy toàn bộ. Sau khi lấy mẫu xét nghiệm kết xét nghiệm dương tính với cúm A/H5N1.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Cần Thơ cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng gia cầm đã tiêm phòng nhưng vẫn bị nhiễm cúm A/H5N1 là do vắc xin không phù hợp với nhánh virus gây bệnh. Năm 2013 trở về trước, Chi Cục Thú y xác định trên địa bàn TP Cần Thơ chỉ có nhánh virus 1.1 gây bệnh cúm gia cầm nên dùng vaccine 1.1. Nhưng các ổ dịch cúm từ cuối năm 2013 đến nay thì kết quả xét nghiệm do nhánh virus 2.3.2.1C gây nên”.

Theo ông Dũng, không loại trừ khả năng xảy ra cúm A/H5N1 là do tiêm phòng thiếu liều lượng hoặc không đúng kỹ thuật, quy trình. “Hiện Cần Thơ tồn tại song song 2 nhánh virus H5N1 gây bệnh cúm gia cầm. Chúng tôi đang cho tạm dừng tiêm; trao đổi nhanh cùng các địa phương trong vùng để sớm báo Cục Thú y xin loại vắc – xin phù hợp để tiêm phòng”, ông Dũng nói.

Riêng tại Đồng Tháp, thời điểm cận Tết Nguyên đán đã ghi nhận một ca tử vong do nhiễm cúm A/H5N1 đầu tiên trong năm 2014. Theo gia đình, trước đó nạn nhân có tiếp xúc và làm thịt gà. Ngày 22-1, nạn nhân bị sốt cao. Gia đình đã đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng đã tử vong. Kết quả xét nghiệm, có dương tính với cúm A/H5N1. Ngoài trường hợp tử vong trên, đến nay tỉnh Đồng Tháp chưa ghi nhận ổ dịch nào nhưng nguy cơ bùng phát cúm A/H5N1 vẫn rất cao.

Ông Võ Bé Hiền Chi cục Trưởng Chi cục Thú ý tỉnh Đồng Tháp cho biết, qua kiểm tra, có đến 13% số lượng gia cầm được xét nghiệm dương tính với cúm A/H5N1. Trong khi đó, đối với các số nuôi gia cầm tập trung với số lượng lớn sẽ rất dễ tiêm phòng, nhưng điều đáng lo ngại hiện nay vẫn còn rất nhiều hộ dân ở nông thôn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, gây khó khăn cho công tác tiêm phòng

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2014/2/222570.cand