Nhiều doanh nghiệp nhỏ vẫn 'chưa có ý định lớn lên'

Chiếm đến hơn 97% số doanh nghiệp trên cả nước và đóng góp khoảng 45% vào GDP, tạo ra 51% tổng việc làm của Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam đang ngày càng teo tóp.

Nhiều rào cản trong tiếp cận thông tin, tiếp cận nguồn lực, gánh nặng thuế phí, trong khi cải cách thể chế chưa tạo ra được lực đẩy, khiến đa phần doanh nghiệp vẫn loay hoay chưa tìm được cách lớn lên.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI): Sau gần 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các DN dân doanh trong nước phần lớn vẫn quẩn quanh ở thị trường nội địa. Điều này thể hiện tương đối rõ qua kết quả điều tra PCI 2015: chỉ có 3% DN siêu nhỏ, 4% DN nhỏ và gần 9% DN quy mô vừa có khách hàng là các cá nhân, DN từ nước ngoài. Chưa vươn ra được thị trường thế giới là một vấn đề, ngay cả ở trong nước, sự liên kết giữa các DNNVV với các doanh nghiệp FDI cũng rất hạn chế.

Dù đã có nhiều chính sách về tháo gỡ khó khăn thì các rào cản với DN vẫn chưa hạ xuống.

Theo kết quả điều tra PCI 2015, chỉ có khoảng 3-4% DN siêu nhỏ và nhỏ có khách hàng chính là các doanh nghiệp FDI. Nhiều DNNVV chưa nắm bắt được các thông tin về các hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia hoặc ký kết gần đây, góp phần lý giải vì sao khối DN FDI chiếm đến 70,7% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam năm 2015.

VCCI nhận định: Tình hình hoạt động kinh doanh của DN nhỏ, siêu nhỏ nói riêng và các DN dân doanh Việt Nam nói chung đang có xu hướng giảm sút và gặp nhiều khó khăn hơn. Điều tra PCI năm 2015 cho thấy DNNVV có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh không sáng sủa. 32% DN siêu nhỏ, 17% DN nhỏ và 16% DN quy mô vừa thua lỗ.

Hiện có xu hướng DN quy mô càng nhỏ thì tỷ lệ hoạt động có lãi càng thấp. Trong một cuộc trao đổi với báo chí hồi tháng 5 năm nay, TS Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cũng bày tỏ sự đặc biệt lo ngại về tình hình này.

“Tại sao số lượng DN giải thể, ngừng hoạt động thời gian gần đây nhiều đến thế? Giai đoạn 2000 – 2007, tỷ lệ tạm ngưng hoạt động so với số mới thành lập chỉ 15 – 20% là cùng. Trong khi đó, quý I năm nay hơn 22.000 tạm ngừng hoạt động dưới các hình thức so với 24.000 DN mới thành lập là một con số cực kỳ cao. Nếu nói là bình thường thì rõ ràng là nói dối. Với tư cách chuyên gia, phải thấy được sự bất thường khi so sánh với mình trước đây và các nước xung quanh” – TS Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh. “Nhìn tổng thể, rõ ràng chi phí của họ tăng lên, lợi nhuận giảm xuống đến mức thua lỗ người ta mới rời bỏ thị trường. Nhìn thấy rõ ràng là lãi suất tăng làm chi phí tài chính tăng; các chi phí về lao động, bảo hiểm, công đoàn... tăng, đặc biệt có khả năng tăng chi phí thuế”.

Các nguyên nhân được TS Nguyễn Đình Cung chỉ ra không phải là nguyên nhân duy nhất. Theo khảo sát của VCCI, DNNVV gặp khó khăn hơn trong tiếp cận gần như mọi thứ, nếu so sánh với các DN quy mô lớn hơn.

Cụ thể, việc tiếp cận thông tin là rất khó khăn, khi 75% các DNNVV cho biết họ phải cậy nhờ đến các mối quan hệ để tiếp cận thông tin. Do đó, các DN này khó có thể dự đoán được những thay đổi trong quy định pháp luật, cũng như việc thực thi chúng trên thực tế.

Khảo sát năm 2015 cho thấy, chỉ 11% doanh nghiệp siêu nhỏ, 12% doanh nghiệp nhỏ và 16% doanh nghiệp quy mô vừa cho biết họ có thể dự đoán được những thay đổi trong chính sách. Tiếp đó là vốn. Trung bình chỉ có 40% doanh nghiệp siêu nhỏ tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng với lãi suất cao hơn các DN quy mô lớn.

Đáng lưu ý là DN sẽ không thể vay vốn nếu không có tài sản thế chấp, nghĩa là một ý tưởng, kế hoạch kinh doanh tốt, bài bản cũng không thể đảm bảo cho DN tiếp cận tín dụng. Việc tiếp cận nguồn lực về đất đai tất nhiên cũng rất khó khăn. Trong khi đó, theo TS Nguyễn Đình Cung, khối DN nhà nước đang nắm giữ một khối tài sản khổng lồ 400 tỷ USD, chưa kể đất đai, và sử dụng không hiệu quả, khiến nguồn lực của đất nước bị lãng phí cực kỳ lớn.

Cải cách thể chế 5 năm qua chưa mang lại động lực gì cho các DNNVV, dù đây đã được xác định là động lực chính cho tăng trưởng. 65% DN cho biết có “tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục hành chính cho DN”.

Thêm vào đó, sẽ là một thiếu sót cực kỳ lớn khi không kể đến gánh nặng “chi phí không chính thức”, khi 68% DN nhỏ cho rằng hiện tượng chi trả chi phí không chính thức là thường xuyên và ở mức rất cao (có thể chiếm đến trên 10% doanh thu). Vì vậy, các DNNVV chưa mấy lạc quan về tương lai.

Năm 2015, chỉ có 41% DN siêu nhỏ và 52% DN nhỏ có kế hoạch tăng quy mô trong 2 năm tới. Đa phần (51%) các DN siêu nhỏ trong 2 năm tới vẫn hoạt động ở quy mô hiện tại và “chưa có ý định lớn lên”.

“Chúng ta chỉ nhìn thấy một tâm trạng thu, thu. Chi phí chỉ thấy tăng và tăng, không thấy chỗ nào giảm chi phí, giảm rủi ro cho DN. Sau giai đoạn 2007 – 2013, sức lực của DN tư nhân trong nước bị xói mòn, đáng lẽ thời kỳ này phải là thời kỳ nuôi dưỡng, thời kỳ nâng đỡ, thời kỳ tạo ra một tinh thần khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh, thì không nhìn thấy những động lực như vậy”, TS Nguyễn Đình Cung nói.

N.Phương

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doanh-nghiep/nhieu-doanh-nghiep-nho-van-chua-co-y-dinh-lon-len-412637/