Nhiều doanh nghiệp FDI ở TP.HCM tăng vốn đầu tư

(baodautu.vn) Trái ngược với hiện tượng giảm vốn tại các dự án lớn, nhiều doanh nghiệp (DN) FDI ở TP.HCM có quy mô vốn nhỏ và vừa lại tăng vốn đầu tư.

Theo tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, tính đến hết tháng 9/2010, đã có 65 dự án FDI đang hoạt động trên địa bàn Thành phố tăng vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký 168,9 triệu USD. Phần lớn các dự án tăng vốn đều thuộc các lĩnh vực sản xuất, công nghiệp, dịch vụ, bán lẻ, với số vốn tăng thêm dao động dưới mức 15 triệu USD/dự án. Trong số các DN tăng vốn có những tên tuổi khá quen thuộc, chẳng hạn như Công ty TNHH Lotteria Việt Nam tăng thêm 7 triệu USD để mở rộng các điểm kinh doanh; Công ty Adidas Việt Nam tăng thêm 1 triệu USD, nâng mức đầu tư vào TP.HCM lên 3,9 triệu USD; hay DN bán lẻ Giant South Asia tăng 15 triệu USD để đầu tư các điểm phân phối, kho hàng (nâng mức đầu tư lên 20 triệu USD)… Ông Lư Thanh Phong, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, trong vòng hai năm trở lại đây, số lượng DN FDI hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, sản xuất công nghiệp… tăng vốn đầu tư có phần nhỉnh hơn so với thời gian trước. Cụ thể, trong năm 2009, đã có 115 dự án FDI ở TP.HCM tăng 317 triệu USD vốn đăng ký mới, tăng 1,79% so với năm 2008. Ông Nguyễn Tấn Phước, Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp – khu chế xuất TP.HCM (Hepza) nhận định, đa phần các DN sản xuất có khoản đầu tư nhỏ để thăm dò thị trường trước, việc tăng vốn sẽ diễn ra sau khi họ tin tưởng vào tiềm năng phát triển và mức độ ổn định của thị trường. “Cũng cần nhìn nhận rằng, các dự án có vốn đăng ký vừa phải thường giải ngân nhanh và tỷ lệ thực hiện cao”, ông Phước cho biết thêm. Theo tin từ Công ty TNHH Yuki Việt Nam (thuộc Tập đoàn Yuki, Nhật Bản hiện chiếm 30% thị phần về sản xuất và cung ứng linh kiện, máy may công nghiệp trên thế giới), vừa qua, Công ty đã tăng thêm 5 triệu USD cho đầu tư nhà xưởng, thuê đất và mua máy móc, thiết bị. Đây là lần tăng vốn thứ 3 (nâng tổng vốn đầu tư lên 20 triệu USD) của DN này kể từ khi đặt cơ sở sản xuất ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP.HCM) vào năm 1994. Ông Tsunoda Shinji, Tổng giám đốc Công ty TNHH Yuki Việt Nam cho biết, việc tăng vốn trên nhằm phục vụ cho cả thị trường nội địa (thay vì chỉ xuất khẩu như trước đây). Hiện, doanh thu của Yuki tại thị trường Việt Nam đạt 16 triệu USD/năm và con số này trong tương lai sẽ lên đến 24 – 26 triệu USD/năm. Ông Tsunoda Shinji cho biết thêm, các sản phẩm chế tạo tại Việt Nam sau này sẽ được xuất khẩu sang Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia và một phần tiêu thụ trong nước, còn những sản phẩm từ 3 nhà máy của Yuki ttại Trung Quốc sẽ chỉ phục vụ cho thị trường nước này. Ngoài ra, Công ty cũng đang gấp rút xin giấy phép để vừa có chức năng sản xuất, vừa có thể bán hàng trực tiếp tại thị trường Việt Nam. Được biết, có khoảng 50% DN may mặc Việt Nam sử dụng máy may mang nhãn hiệu Yuki. Không chỉ trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, mới đây, đại diện Trường Đại học quốc tế RMIT (Australia) cũng cho hay, ngoài động thái tăng vốn pháp định thêm 6,5 triệu USD, RMIT đã đầu tư thêm 15,1 triệu USD để xây dựng khu ký túc xá cho sinh viên tại RMIT Nam Sài Gòn, thông qua khoản lợi nhuận giữ lại từ kinh doanh ở Việt Nam. Bà Merilyn Liddell, Giám đốc RMIT Việt Nam cho biết, sự chuẩn bị này cũng nằm trong kế hoạch mở rộng không gian của RMIT Nam Sài Gòn đến năm 2013, nhằm đáp ứng nhu cầu về giáo dục theo chuẩn quốc tế tại Việt Nam. Tuy nhiên, điều khiến các DN sản xuất quan tâm là lực lượng lao động có tay nghề đang thiếu, nên 3-5 trước khi có quyết định tăng vốn đầu tư, DN phải có kế hoạch tự đào tạo đội ngũ lao động.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baivietdoanhnghiep/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/doanhnghiep/moitruongkinhdoanh/764ca43b7f0000010183fa12391c50fa