Nhiều điều kiện thuận lợi để xuất khẩu sang Nga

(VEN) - Ông Kardo Sysoev Alexander, thuộc Cơ quan đại diện Thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam cho biết, những năm gần đây đã có sự tăng trưởng bền vững trong hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Nga.

Mức tăng trưởng này nằm trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và tài chính thế giới đã cho thấy tính bền vững của thương mại hai nước trước ảnh hưởng tiêu cực của nhân tố bên ngoài. Tuy nhiên, mặc dù có sự tăng trưởng, nhưng những chỉ số đạt được chưa xứng với tiềm năng của hai nước. Theo số liệu cơ quan Hải quan Liên bang Nga, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2010 đạt 1,87 tỷ USD, tăng 2,3 lần so năm 2007. Trong 6 tháng đầu năm 2011, trao đổi hàng hóa giữa hai nước đã tăng 40,1% so cùng kỳ năm 2010, đạt gần 1,3 tỷ USD. Trong nửa đầu năm nay Việt Nam có chiều hướng tăng mạnh xuất khẩu sang Nga máy móc - thiết bị, lương thực thực phẩm, nông sản, nguyên liệu, hàng dệt may, sản phẩm ngành công nghiệp hóa học… Tại Nga cũng có khoảng 20 dự án góp vốn của DN Việt Nam với tổng đầu tư 1,7 tỷ USD. Tuy nhiên, theo ông Kardo Sysoev Alexander, mặc dù có sự tăng trưởng, nhưng những chỉ số đạt được trong lĩnh vực thương mại chưa xứng với tiềm năng sẵn có của hai nước. Năm 2010, hàng Việt Nam chỉ chiếm 0,4% tổng kim ngạch ngoại thương của Nga, đứng thứ 40 trong số các đối tác thương mại của Nga. Hai nguyên nhân chính là chủng loại hàng hóa Việt Nam xuất sang Nga còn nghèo nàn, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều và DN Việt Nam còn thiếu thông tin thị trường Nga do khoảng cách quá xa về địa lý. Hàng Việt Nam sang Nga vẫn là hàng nguyên liệu, hàng nông sản sơ chế (hoa quả, nước hoa quả, cà phê, chè, hạt điều, các loại gia vị, nước chấm, gạo, thủy sản…) và giá thành luôn bị đội lên do chi phí vận tải xa. Các DN Việt Nam lại phải tự giải quyết mọi vấn đề trong quá trình giao dịch với DN Nga như ký hợp đồng, kiểm định hàng hóa, xin giấy phép, vận chuyển… Và một trong những vấn đề phức tạp nhất là thanh toán. Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga, Chi nhánh TP.HCM cho biết, DN Nga thường không chấp nhận việc mở L/C thanh toán, thích áp dụng phương thức T/T (ứng trước 30% giá trị hợp đồng, thanh toán tiếp 70% còn lại sau khi đã nhận hàng) tạo nhiều rủi ro cho DN Việt Nam. Nhưng, theo ông Kardo Sysoev Alexander đang có rất nhiều điều kiện thuận lợi cho hàng Việt Nam có mặt Nga. Luật pháp Nga trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài rất tự do, mở ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư Việt Nam sang đầu tư sản xuất hàng hóa tại Nga, tạo địa điểm cho thành lập các nhà máy mới, ưu tiên vào các đặc khu kinh tế, nơi có đầy đủ cơ sở hạ tầng, ưu đãi về thuế, hải quan. Chính quyền thành phố Mátxcơva đã tán thành đề xuất của DN Việt Nam trong việc thành lập các trung tâm kho vận tại các vùng của Nga để thu mua, phân phối hàng hóa và đang chọn phương án về địa điểm cho phép xây dựng các trung tâm kho vận này. Điều này cho phép tối ưu hóa quy trình mua bán, mở rộng được chủng loại hàng hóa Việt Nam sang Nga và Ngân hàng Liên doanh Việt -Nga dễ dàng đứng ra giải quyết các vấn đề liên quan đến thanh toán. Cơ quan đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam cũng đang nỗ lực cung cấp mọi thông tin, ủng hộ giới doanh nhân Việt Nam tìm thị trường tại Nga, giới thiệu các phương pháp hiệu quả nhất để DN Việt Nam thực hiện các dự án, các thương vụ với DN Nga. Ngân hàng Liên doanh Việt –Nga cũng tích cực giới thiệu khách hàng, tìm kiếm đối tác, thẩm định năng lực tài chính nhà nhập khẩu Nga, tài trợ DN Việt Nam xây dựng kho chứa hàng tại Nga, hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi cho DN thực hiện XNK hàng hóa sang Nga, hỗ trợ tư vấn phương thức thanh toán để đảm bảo an toàn, nhanh chóng cho DN. Sắp tới sẽ có thêm một cơ hội mới cho DN Việt Nam trực tiếp gặp gỡ các nhà nhập khẩu Nga. Đó là Hội chợ công nghiệp quốc tế VIIIF - 2011 diễn ra từ ngày 19-23/10/2011 tại Hà Nội với sự tham dự của hàng chục DN Nga hoạt động trong lĩnh vực chế tạo máy, sản xuất hàng tiêu dùng, các công ty có mạng lưới phân phối lớn tại Nga. Trong hội chợ sẽ có các buổi diễn đàn doanh nghiệp, các hội nghị bàn tròn, buổi giới thiệu DN hai nước. Xa hơn, để mở rộng thương mại giữa Nga và Việt Nam là việc ký kết hiệp đinh thương mại tự do. Những cuộc đối thoại tích cực về triển vọng hình thành khu vực thương mại tự do giữa Liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan và Việt Nam đã được bắt đầu từ giữa năm 2010. Việc ký một hiệp định tổng thể về thương mại tự do điều tiết không những trong thương mại hàng hóa mà còn về dịch vụ, đầu tư… Hiệp định này sẽ giúp các thành viên, trong đó có Việt Nam tận dụng được những ưu thế của một hiệp định thương mại tự do để tăng hàng hóa sang Nga và Belarus, Kazakhstan. Tuy nhiên, để tăng hàng hóa sang Nga, theo ông Kardo Sysoev Alexander, DN Việt Nam nên tăng sản phẩm công nghệ cao và các sản phẩm tinh chế. Các nguyên liệu của Việt Nam nên được chế biến thành dạng bán thành phẩm hoặc sản phẩm đóng hộp hoàn chỉnh để tăng hiệu quả xuất khẩu, nhất là hàng lương thực - thực phẩm. DN Việt Nam cũng có thể đầu tư vào các cơ sở sản xuất, các xưởng may tại Nga, sử dụng công nhân Việt tại đây để giảm chi phí so với việc xuất sang từ Việt Nam. Theo kế hoạch hành động trung hạn Việt - Nga, đến năm 2012 kim ngạch XNK hai nước sẽ đạt 3 tỷ USD./. Ngọc Long

Nguồn VENO: http://www.ven.vn/nhieu-dieu-kien-thuan-loi-de-xuat-khau-sang-nga_t77c12n23764tn.aspx