Nhiều cổ vật độc bản từ con tàu đắm 700 năm

Đến sáng 1.7, việc khai quật cổ vật từ con tàu đắm tại vùng biển Châu Thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) đã hoàn tất và bắt đầu việc kiểm tra hiện vật.

Cổ vật từ con tàu đắm. Ảnh: Phạm Khang

4.000 hiện vật khá nguyên vẹn

Sau hơn 6 tháng kể từ khi UBND tỉnh Quảng Ngãi phê quyệt phương án khai quật cổ vật từ con tàu đắm và 20 ngày trục vớt cổ vật, đơn vị thi công đã thu được hơn 4.000 cổ vật còn tương đối nguyên vẹn, gồm bát, chum, đĩa, bình vôi là gốm sứ men nâu, men ngọc, đồ sứ hoa lam, đồ sứ men nâu da lươn, men trắng xanh và 19 loại tiền đồng, có từ cách đây khoảng 700 năm. Các nhà khảo cổ cũng phát hiện ra một số độc bản thú vị từ con tàu cổ như chuỗi hạt ngọc màu xanh lá cây, chiếc đĩa ngọc có hoa văn rồng và quả cân của thủy thủ đoàn. Tất cả hiện vật này đang được trưng bày tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi.

Theo TS Nguyễn Việt - GĐ Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á thuộc Hội Khoa học nghiên cứu Đông Nam Á VN - trong số 12 con tàu đắm được tìm thấy ở Châu Á, chưa tàu nào có hiện trạng còn tốt như tàu cổ đắm ở vùng biển Bình Châu. Do vậy, đây là hiện vật hết sức quý giá cho giới nghiên cứu tàu cổ ở VN và thế giới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Quang Thích cho biết, tỉnh sẽ tổ chức hội thảo quốc tế nhằm thu thập ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học về xử lý với tàu cổ. Theo báo cáo của Cty Đoàn Ánh Dương - đơn vị đảm nhận thi công tàu cổ - việc khai quật cổ vật trên diện tích 300m2 trong phạm vi con tàu đắm đã hoàn tất. Hiện đơn vị đang triển khai khai quật các cổ vật rơi vãi quanh con tàu trên diện tích 600m2. Theo các nhà khoa học, kết quả khai quật rất có ý nghĩa với việc nghiên cứu con đường tơ lụa trên Biển Đông trong nhiều thế kỷ trước.

Có trục vớt xác tàu?

Với con tàu cổ này, lần đầu tiên một phương pháp khai quật mới được áp dụng là xây đê quây kín con tàu cổ và dùng máy hút toàn bộ nước, cát để làm lộ xác tàu và lấy cổ vật. Theo PGS-TS Nguyễn Đình Chiến - Phó GĐ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia - với 5 con tàu đắm được tìm thấy trước đây, phải dùng phương pháp khai quật dưới nước nên kéo dài khoảng 2 năm. Tuy nhiên, với phương pháp mới này thì thời gian khai quật đã rút ngắn rất nhiều và các cổ vật thu được cũng ít bị hư hỏng, đảm bảo tính hoàn nguyên.

Theo TS Phạm Quốc Quân - Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia - xác tàu đắm cũng là độc bản thú vị của ngành khảo cổ VN và thế giới, giúp các nhà khoa học nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử đóng tàu thế giới. Hiện nay, có ý kiến đề xuất nên để lại xác tàu dưới biển phục vụ cho việc tham quan, lặn biển.

TS Nguyễn Việt - GĐ Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á - cho rằng, nên trục vớt và bảo quản xác con tàu để phục vụ cho công tác nghiên cứu, bởi đây là cơ hội hiếm có, dẫu việc này có phần tốn kém.

“Trong tương lai, khu vực này là đại công trường Dung Quất, các tập đoàn kinh tế sẽ lấp khúc biển này thì tàu cổ cũng chẳng còn là điều đáng suy nghĩ. Do vậy, việc trục vớt xác con tàu là điều cần làm” - PGS-TS Nguyễn Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học - nhận định.

Hiện tỉnh Quảng Ngãi đang xem xét các phương án này.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/nhieu-co-vat-doc-ban-tu-con-tau-dam-700-nam/125500.bld