Nhiều chuyển biến tích cực

Có thể nói, chưa năm nào người dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận lại mua vé tàu Tết thuận lợi như năm nay. Ngoài việc chuẩn bị tốt các khâu hoạt động bán vé của Ngành Đường sắt và các đơn vị đồng hành thì kinh nghiệm của người dân khi thực hiện các thao tác đặt mua vé góp phần không nhỏ tạo nên sự chuyển biến tích cực này.

Việc mua vé tàu Tết 2017 đã thuận lợi và dễ dàng hơn.

Phối hợp đã nhuần nhuyễn

Đánh giá về hoạt động bán vé tàu Tết Đinh Dậu 2017, ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Giải pháp công nghệ (thuộc Công ty CP Viễn thông FPT) cho rằng, nếu so với các năm trước thì năm nay, việc bán vé tàu Tết qua mạng rất thuận lợi và suôn sẻ. Ông Hải lý giải, trước hết, người dân đã có nhiều kinh nghiệm trong việc đặt vé trên mạng nên khi truy cập vào hệ thống bán vé thao tác rất nhanh và thuần thục. Tiếp đó, công tác chuẩn bị được Ngành Đường sắt lẫn FPT (đơn vị phụ trách hạ tầng công nghệ thông tin) rất chú trọng và dành nhiều thời gian để nâng cấp, hoàn thiện hệ thống phần mềm bán vé trực tuyến nên việc mua vé của người dân gặp ít rủi ro hơn. Vào thời gian cao điểm nhất, lượng người truy cập vào hệ thống đạt khoảng 7.300 đến 7.400 lượt, trong khi FPT đáp ứng được hơn 2 triệu lượt người truy cập cùng lúc. Về hình thức thanh toán, ông Hải khuyến cáo, hành khách nên chọn phương thức thanh toán trả sau để bảo đảm an toàn hơn và tránh sự cố như những năm trước. Năm nay, hệ thống cho thời gian thanh toán 72 tiếng (thay vì 48 tiếng như năm trước) sau khi khách đặt chỗ thành công nhằm tạo thuận tiện hơn trong việc thanh toán.

Theo ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn, đây là năm thứ hai thực hiện việc bán vé qua mạng. Theo đó, người dân không cần trực tiếp đến ga mua vé mà chỉ cần có tài khoản ngân hàng là có thể giao dịch mua vé ở bất cứ đâu và được nhân viên giao vé tận nhà (trong vòng bán kính 7km tính từ Ga Sài Gòn). Bên cạnh đó, năm nay Ngành Đường sắt triển khai 43 đại lý trực thuộc để phân phối vé cùng hơn 150 chi nhánh Ngân hàng VIB nhằm tạo thuận lợi cho người dân.

Ngoài ra, Ngành Đường sắt chính thức mở bán vé vào thứ bảy, chủ nhật và hoạt động 24/24 giờ nên người lao động hoàn toàn chủ động được thời gian mà không phải xin nghỉ làm. Tại Ga Sài Gòn, nhân viên Ngành Đường sắt và FPT túc trực thường xuyên để hướng dẫn khách mua vé được thuận lợi.

Theo thông tin từ Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn, tính đến ngày 4-10, Ngành Đường sắt TP Hồ Chí Minh ghi nhận có gần 103.000 chỗ đã đặt, trong đó có gần 70.000 vé được xuất hoặc thanh toán.

Chưa đáp ứng được kỳ vọng

Chuyển biến tích cực là thế nhưng Ngành Đường sắt vẫn chưa đáp ứng hết kỳ vọng của người dân trong việc cung cấp vé Tết. Theo đó, năm nay, dù Ngành Đường sắt có tăng cường các vé chặng ngắn, nhưng vẫn chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu người dân. Cụ thể, tại Ga Sài Gòn có rất nhiều trường hợp không đặt được vé từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An... Do đó, nhiều người đành phải mua vé chặng dài hơn để chắc chắn có vé về quê ăn Tết và chấp nhận trả tiền nhiều hơn.

Trước tình hình trên, Phó Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn Lê Quốc Trung cho hay, nhu cầu người dân về quê dịp Tết lên đến hàng triệu lượt, trong khi, năng lực của Ngành Đường sắt chỉ phục vụ được khoảng 293.000 vé. Trong đó, có khoảng 45.000 chỗ dành cho chặng ngắn tính từ TP Hồ Chí Minh đến Đà Nẵng, chỉ chiếm 34% số vé chặng ngắn TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền Trung. Bên cạnh đó, người dân phản ánh giá vé Tết năm nay cao so với các năm trước. Theo đó, giá vé tàu cao nhất đợt cao điểm Tết là tàu SE4 (TP Hồ Chí Minh - Hà Nội) tăng 9,8% so với Tết 2016.

Mặt khác, theo ghi nhận, ở ngoài khu vực ga vẫn diễn ra tình trạng “cò” vé ngang nhiên chèo kéo hành khách. Thậm chí, đội “cò” này còn dụ dỗ bằng việc khẳng định mua được vé thật theo hình thức đặt chỗ trên mạng. Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Sài Gòn, kiêm Trưởng ga Sài Gòn cũng khẳng định, đây là chiêu bài của các đối tượng “cò” vé để lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân khi mua vé. Cũng theo ông Thành, hiện có gần 20 đối tượng “cò” cộm cán và có thâm niên hành nghề đang được lực lượng Công an phường 9 (quận 3) quản lý và theo dõi. Về việc này, ông Đỗ Quang Văn cho hay, việc giữ chỗ và đặt lại trên hệ thống mà như “cò” vé nói có thể xảy ra, nhưng xác suất không cao. Nguyên tắc khi có người trả vé hay hết hạn thanh toán, vé sẽ không đưa lên hệ thống ngay mà một thời gian bất kỳ sau đó mới đưa lên hệ thống bán vé. Khi vé được đưa lại lên hệ thống thì bất kỳ người nào cũng có thể đặt mua được. Ông Văn khuyến cáo khách không mua vé thông qua “cò” và các đại lý trá hình để tránh tình trạng “tiền mất tật mang”.

Hà Tuấn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/850918/nhieu-chuyen-bien-tich-cuc-