Nhiều chính sách tài chính được hoàn thiện có ý nghĩa 'đi trước mở đường'

Đó là một trong những nhận định của ông Ngô Hữu Lợi - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính khi trao đổi với Báo Hải quan về những đột phá trong công tác xây dựng thể chế và cải cách hành chính của ngành Tài chính thời gian qua.

Tài chính- ngân sách là lĩnh vực rộng, có vai trò quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa đất nước. Do đó, với số lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) tài chính được ban hành hàng năm sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển hệ thống tài chính nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Ông đánh giá như thế nào về những kết quả đã đạt được trong công tác này thời gian qua?

Về tổng thể, hệ thống pháp luật tài chính đã có bước hoàn thiện nhanh và tương đối đồng bộ, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đặt ra trong nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện văn bản QPPL tài chính, góp phần bảo đảm sự ổn định kinh tế vĩ mô; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, duy trì tốc độ tăng trưởng, chủ động ngăn ngừa tình trạng suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện cải cách hành chính. Trong thời gian qua, một số dự án Luật quan trọng đã được ban hành như Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Luật Quản lý nợ công; Luật Quản lý thuế… Một số văn bản QPPL đã được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện với những chính sách mang tính đột phá, có ý nghĩa “đi trước mở đường”, thúc đẩy các lĩnh vực khác chuyển đổi theo cơ chế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa như Luật Giá; Luật Phí, lệ phí…

Việc lựa chọn đúng những khâu đột phá trong xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật tài chính đã có tác động tích cực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện văn bản QPPL được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Tài chính, luôn được lãnh đạo Bộ quan tâm, chỉ đạo sát sao; các thủ trưởng đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì đã bố trí nguồn lực thích đáng cho công tác này, từ việc giao nhiệm vụ cụ thể đến từng lãnh đạo phụ trách công tác, từng phòng, từng công chức của đơn vị. Công tác soạn thảo được thực hiện theo những định hướng và giải pháp đồng bộ đã tạo chuyển biến căn bản trong việc nâng cao chất lượng, bảo đảm đúng tiến độ; các văn bản QPPL do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền đã cơ bản đáp ứng được các tiêu chí về tính đồng bộ, thống nhất, khả thi và công khai, minh bạch. Công tác pháp chế được đổi mới về phương pháp, nhất là việc đổi mới và áp dụng phương thức soạn thảo một văn bản sửa nhiều văn bản nhằm nâng cao chất lượng, thuận lợi trong triển khai thực hiện.

Kết quả đạt được trong công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) được xem là một trong những “đột phá” của ngành Tài chính. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?

Kết quả đạt được trong công tác cải cách hành chính, đơn giản hóa TTHC thời gian qua khá toàn diện trên mọi lĩnh vực. Điểm nhấn nổi bật trong công tác này là kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách thể chế, trong đó đã xây dựng khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ tạo thuận lợi cho cải cách tài chính công; sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản QPPL để thực thi phương án đơn giản hóa TTHC trong các lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực Thuế và Hải quan nhằm giảm nhanh số giờ thực hiện thủ tục hành chính thuế, giảm thời gian thông quan hàng hóa, đồng thời, đẩy mạnh công tác hiện đại hóa hành chính, góp phần đổi mới phương thức quản lý. Kịp thời thể chế hóa các chủ trương, giải pháp của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Chỉ tính riêng trong năm 2016, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để trình Bộ Chính trị thông qua 1 Nghị quyết; hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Luật, Pháp lệnh với việc trình Quốc hội thông qua 2 Luật, 2 Nghị quyết của Quốc hội, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 3 Nghị quyết; đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 63 Nghị định, 20 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 28 đề án khác; soạn thảo và ban hành theo thẩm quyền 328 Thông tư. Trong đó, có số lượng lớn văn bản được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, thực thi phương án đơn giản hóa TTHC như Luật Thuế XK, Thuế NK; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp… Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành 16 Quyết định chuẩn hóa 908 TTHC trong các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý của Bộ Tài chính.

Theo công bố năm 2016, kết quả đạt được trong công tác cải cách thể chế, cùng với việc đẩy mạnh triển khai hiện đại hóa trong toàn ngành, công tác cải cách hành chính của Bộ Tài chính tiếp tục giữ vững vị trí thứ hai (đây là năm thứ hai liên tiếp giữ vị trí này) trên Bảng xếp hạng CCHC (Par Index). Trong đó, nhiều chỉ tiêu thành phần liên quan đến thực thi nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực thi pháp luật tài chính đạt "tốp" đầu.

Như ông vừa nói, Bộ Tài chính đã giữ vị trí thứ hai trong Bảng xếp hạng Par Index liên tiếp trong 2 năm gần đây. Việc giữ được vị trí thứ hai trong Bảng xếp hạng Par Index có thể coi là sự đánh giá tích cực đối với công tác cải cách hành chính nói chung của ngành Tài chính không, thưa ông?

Để có thể đạt được kết quả tích cực, toàn diện trong công tác CCHC, đơn giản hóa TTHC và tiếp tục giữ vị trí xếp hạng trong Bảng xếp hạng Par Index trong những năm gần đây là do có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ, sự cố gắng nỗ lực trong toàn Ngành từ trung ương đến địa phương.

Kết quả xác định chỉ số cải cách hành chính là cách đánh giá, ghi nhận trực quan đối với công tác này tại Bộ Tài chính. Tuy nhiên, để giữ vững được vị trí xếp hạng cũng là áp lực lớn đối với một Bộ có chức năng quản lý đa ngành, đã lĩnh vực với phạm vi rộng và có liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các Chương trình, kế hoạch của Chính phủ và của Bộ để thực hiện toàn diện các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP về Ban hành Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 – 2020; Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Gắn với đó là tăng cường công tác kiểm tra thực hiện để kịp thời đôn đốc, chấn chỉnh, nhằm bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch đã đề ra.

Xin cảm ơn ông!

Các văn bản QPPL do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền đã cơ bản đáp ứng được các tiêu chí về tính đồng bộ, thống nhất, khả thi và công khai, minh bạch. Công tác pháp chế được đổi mới về phương pháp, nhất là việc đổi mới và áp dụng phương thức soạn thảo một văn bản sửa nhiều văn bản nhằm nâng cao chất lượng, thuận lợi trong triển khai thực hiện.

Hồng Vân (thực hiện)

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nhieu-chinh-sach-tai-chinh-duoc-hoan-thien-co-y-nghia-di-truoc-mo-duong.aspx