Nhiều chính sách liên quan đến ngành Công Thương có hiệu lực từ tháng 4/2016

Bắt đầu từ tháng 4/2016, nhiều quy định, chính sách liên quan đến ngành Công Thương sẽ có hiệu lực thi hành như: Hướng dẫn khai thuế giá trị gia tăng và ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ; Bổ sung một số mặt hàng vào Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi…

Hướng dẫn khai thuế giá trị gia tăng và ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ

Từ ngày 01/4/2016, Thông tư 21/2016/TT-BTC (Thông tư 21) của Bộ Tài chính hướng dẫn về khai thuế giá trị gia tăng và ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 03/11/2015 của Chính phủ về phát triển công nghiệp hỗ trợ bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, người nộp thuế thực hiện khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo quý đối với Doanh thu của sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển (không phân biệt có doanh thu trên hay dưới 50 tỷ đồng/năm). Trường hợp người nộp thuế vừa có doanh thu của sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển và có doanh thu từ các hoạt động sản xuất kinh doanh khác thì người nộp thuế cũng thực hiện khai thuế GTGT theo quý. Trường hợp không thực hiện khai theo quý, người nộp thuế có thể lựa chọn khai thuế giá trị gia tăng theo tháng và thông báo với cơ quan thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Bổ sung một số mặt hàng vào Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi

Kể từ ngày 08 tháng 04 năm 2016, Thông tư số 31/2016/TT-BTC (Thông tư 31) của Bộ Tài chính về việc bổ sung mặt hàng Dung môi N-Hexan dùng trong sản xuất khô dầu đậu tương và dầu thực vật, cám gạo trích ly và dầu cám vào Chương 98 của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi có hiệu lực thi hành.

Quy định việc mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung

Từ ngày 10/4/2016, Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg (Quyết định 08) của Thủ tướng Chính phủ về quy định việc mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung có hiệu lực thi hành.

Quyết định 08 quy định kinh phí được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao trong dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị; Nguồn công trái quốc gia, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương; Nguồn vốn thuộc các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA; nguồn viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thuộc nguồn ngân sách Nhà nước mà nhà tài trợ không có yêu cầu mua sắm khác với quy định tại Quyết định này; Nguồn kinh phí từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên; nguồn kinh phí từ Quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách.

Quy định về thuế đối với các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí theo quy định của Luật Dầu khí

Từ ngày 12/04/2016, Thông tư số 36/2016/TT-BTC (Thông tư 36) của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện quy định về thuế đối với các tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí theo quy định của Luật Dầu khí bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Theo đó, người nộp thuế ủy quyền cho người điều hành, doanh nghiệp liên doanh, công ty điều hành chung thực hiện khai thuế và người nộp thuế tự thực hiện nộp các khoản thuế phát sinh theo quy định; hoặc Người nộp thuế ủy quyền cho người điều hành, doanh nghiệp liên doanh, công ty điều hành chung thực hiện khai, nộp các khoản thuế phát sinh theo quy định. Trường hợp hợp đồng dầu khí có thỏa thuận Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thay mặt các nhà thầu nộp các loại thuế thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ủy quyền cho người điều hành, doanh nghiệp liên doanh, công ty điều hành chung thực hiện khai thuế và Tập đoàn tự thực hiện nộp các khoản thuế phát sinh theo quy định; hoặc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ủy quyền cho người điều hành, doanh nghiệp liên doanh, công ty điều hành chung thực hiện khai, nộp các khoản thuế phát sinh theo quy định. Người nộp thuế đối với hoạt động chuyển nhượng quyền lợi tham gia hợp đồng dầu khí thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 23 Mục 4 Chương II Thông tư 36.

Quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương

Từ ngày 15/04/2016, Thông tư số 57/2015/TT-BCT (Thông tư 57) của Bộ Công Thương về việc quy định điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương bắt đầu có hiệu lực.

Thông tư 57 quy định chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất phải có Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm (còn hiệu lực) do cơ quan có thẩm quyền cấp. Chủ cơ sở có trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe cho chủ cơ sở và những người tham gia trực tiếp sản xuất của cơ sở định kỳ ít nhất 01 (một) lần/ năm tại cơ sở y tế cấp quận/huyện trở lên. Hồ sơ khám sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất của cơ sở phải được lưu trữ đầy đủ tại cơ sở sản xuất. Chủ cơ sở và người sản xuất trực tiếp tại cơ sở phải có Giấy xác nhận đủ sức khỏe để sản xuất thực phẩm do cơ sở y tế cấp quận/huyện trở lên cấp.

Quy định lãi suất cho vay của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Từ ngày 15/4/2016, Thông tư số 37/2016/TT-BTC quy định lãi suất cho vay của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực. Thông tư này được ban hành vào ngày 29 tháng 02 năm 2016.

Theo đó, lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập theo Quyết định 601/QĐ-TTg ngày 17/4/2013 được quy định như sau: Lãi suất cho vay vốn ngắn hạn với thời gian vay vốn dưới 01 năm (không bao gồm vốn lưu động) là 5,5%/năm; Lãi suất cho vay vốn trung và dài hạn là 7,0%/năm.

Quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp

Kể từ ngày 15/4/2016, Thông tư số 03/2016/TT-NHNN (Thông tư 03) về việc hướng dẫn một số nội dung về quản lý ngoại hối đối với việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp có hiệu lực thi hành.

Việc đăng ký, đăng ký thay đổi, chế độ báo cáo đối với các Khoản vay nước ngoài của ngân hàng thương mại mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn Điều lệ, Khoản vay nước ngoài dưới hình thức phát hành trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh thực hiện theo quy định riêng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước). Việc đăng ký, đăng ký thay đổi, chế độ báo cáo đối với các Khoản vay nước ngoài (bao gồm cả Khoản vay nước ngoài dưới hình thức phát hành trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp) được Chính phủ bảo lãnh thực hiện theo quy định riêng của Ngân hàng Nhà nước.

Hải Phú

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nhieu-chinh-sach-lien-quan-den-nganh-cong-thuong-co-hieu-luc-tu-thang-42016-35044.html