Nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả

QĐND - Hai năm qua, LLVT Quân khu 4 triển khai thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị với niềm vinh dự, tự hào là những người lính sinh sống, công tác, học tập trên quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kết quả đạt được trong thực hiện Chỉ thị 03 đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong suy nghĩ và mỗi việc làm của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ LLVT Quân khu.

Gắn với thực tiễn ở cơ quan, đơn vị

Theo Thiếu tướng Võ Văn Việt, Chính ủy Quân khu 4 thì thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 317 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, LLVT Quân khu 4 đã có những cách làm sáng tạo, hiệu quả. Mỗi năm, các cơ quan, đơn vị, nhà trường tổ chức gần 1000 lớp học tập các chuyên đề về tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhiều cơ quan, đơn vị đã có cách làm sáng tạo như: Bộ CHQS tỉnh Nghệ An, Cục Hậu cần tổ chức cho cán bộ, đảng viên viết thu hoạch sau khi học các chuyên đề; Bộ CHQS tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình đã phối hợp với ban tuyên giáo tỉnh ủy, huyện, thị, thành phố tổ chức các lớp học tập chuyên đề cho đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp; Sư đoàn 324, 968, Lữ đoàn 414 tổ chức cho cán bộ, đảng viên nghiên cứu, trao đổi, thảo luận nội dung các chuyên đề trong sinh hoạt chi bộ hằng tháng, gắn với kể những việc làm theo Bác; Trung đoàn 80, Lữ đoàn 16 tổ chức sưu tầm các tư liệu, nhất là những bài viết, bài nói chuyện của Bác sát với điều kiện đơn vị, phù hợp với từng đối tượng để giáo dục...

Tìm hiểu chúng tôi được biết, các cơ quan, đơn vị trong Quân khu đã xây dựng và thực hiện nghiêm những chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương Hồ Chí Minh, phù hợp với đặc điểm, chức năng nhiệm vụ của từng ngành, từng cơ quan, đơn vị. Căn cứ vào các chuẩn mực đạo đức chung của quân nhân cách mạng trong quân đội và theo hướng dẫn của Cục Chính trị Quân khu; từng năm, cấp ủy các cấp xây dựng, bổ sung tiêu chí chuẩn mực đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, đảng viên, nhân viên, trong từng cơ quan, đơn vị, từng ngành, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, phù hợp với nhiệm vụ và cương vị chức trách để cán bộ, đảng viên đăng ký phấn đấu thực hiện. Một số đơn vị treo nội dung đăng ký phấn đấu của bản thân tại phòng làm việc hoặc những vị trí thuận lợi để mọi người theo dõi giám sát việc thực hiện.

Đến thăm Lữ đoàn 16 pháo binh, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước cảnh quan môi trường “xanh, sạch, đẹp” được hiện hữu trên một vùng đất khô cằn, đá sỏi. Đại tá Mai Văn Lân, Chính ủy Lữ đoàn 16 tâm sự: “Căn cứ vào điều kiện thực tế nơi đơn vị đóng quân, chúng tôi đã cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị 03 bằng phong trào “Ba cần, hai tận dụng”. Đây là mô hình mà cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã dày công suy nghĩ, thực hiện thành công. “Ba cần” là cần kiệm trong sử dụng ngân sách, kinh phí; trong sử dụng nguyên, nhiên liệu, điện nước và chi tiêu, sinh hoạt cá nhân; “hai tận dụng” là tận dụng vật tư, tài sản, doanh cụ doanh trại và tận dụng thời gian học tập công tác có hiệu quả”.

Cán bộ, chiến sĩ thuộc LLVT Quân khu 4 giúp nhân dân dựng lại nhà sau lũ lụt.

Đại úy Nguyễn Văn Luyện, Đại đội trưởng Đại đội 6, Lữ đoàn 16 là một trong những người thực hiện có hiệu quả phong trào trên. Bên cạnh đó, anh còn thường xuyên giúp đỡ anh em, đồng chí, đồng đội học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ từ những việc làm cụ thể, giản dị. Ví như, trong đơn vị có đồng chí cán bộ còn yếu về phương pháp huấn luyện, tận dụng ngày nghỉ, giờ nghỉ, anh Luyện sắp xếp thời gian hướng dẫn, làm mẫu động tác, truyền đạt kinh nghiệm của mình cho mọi người. 10 năm liên tục, Đại úy Nguyễn Văn Luyện đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Theo Đại tá Mai Văn Lân, thì thực hiện phong trào “Ba cần, hai tận dụng”, toàn Lữ đoàn đã tiết kiệm được 2 tỷ đồng, đưa vào xây dựng đơn vị, nhưng điều lớn nhất đạt được là phong trào đã tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của cán bộ, chiến sĩ, thay đổi nếp suy nghĩ của từng cá nhân theo hướng tích cực.

Đề cao tính gương mẫu của cán bộ chủ trì

Tấm gương hy sinh dũng cảm của Trung tá Nguyễn Tuấn Ngãi, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có tác động lớn đến cán bộ, chiến sĩ trong LLVT Quân khu 4 về trách nhiệm, tinh thần xả thân vì nhiệm vụ của người cán bộ. Đại úy Lưu Tiến Sỹ, cán bộ Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 đã dũng cảm cứu một người dân chết đuối trong đêm tối; Trung tá Hoàng Văn Bình, cán bộ Ban CHQS huyện Anh Sơn (Nghệ An) nhận đỡ đầu hai cháu nhỏ; cán bộ Đội sản xuất 3, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 nhận nuôi 3 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ...

Đại tá Lê Văn Lệ, Chủ nhiệm Khoa A7, Bệnh viện 4 được biết đến với cương vị là người thầy thuốc giàu lòng nhân ái, thương người. Đối với nhiều gia đình, nhất là bệnh nhân Lương Văn Khăm, chiến sĩ thuộc Bộ CHQS Nghệ An, bác sĩ Lệ và cán bộ, y sĩ, bác sĩ Khoa A7 là ân nhân của mình. Lương Văn Khăm bị chấn thương sọ não, suy kiệt cơ thể, sống thực vật, liệt cứng tứ chi, bác sĩ Lê Văn Lệ cùng với các đồng nghiệp của mình đã tận tình cứu chữa, quyên góp được hơn 7 triệu đồng và một số vật dụng sinh hoạt để hỗ trợ Khăm...

Đó là những tấm gương, những câu chuyện cảm động tiêu biểu nói lên vai trò, hiệu quả việc làm, lời nói của cán bộ, đảng viên, nhất là phát huy tốt tính gương mẫu của người đứng đầu trong cuộc sống hằng ngày ở từng cơ quan, đơn vị thuộc LLVT Quân khu 4 trong thực hiện Chỉ thị 03. Theo Thiếu tướng Trần Tiến Dũng, Phó chính ủy, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 4, thì đây là một trong những kinh nghiệm quý được đúc kết từ thực tiễn triển khai thực hiện Chỉ thị 03 trong LLVT Quân khu 4. Trong thời gian tới, LLVT Quân khu 4 xác định đề cao hơn nữa trách nhiệm, tính tiền phong gương mẫu của người cán bộ chủ trì; thông qua hoạt động CTĐ, CTCT để tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, tạo sự lan tỏa sâu rộng, góp phần xây dựng phẩm chất, nhân cách quân nhân cách mạng trong từng việc làm cụ thể hằng ngày.

Bài và ảnh: TRẦN HOÀI

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/10/90/90/244087/Default.aspx