Nhiều 'bất ngờ' sau xếp hạng đại học

Nhóm Xếp hạng Đại học Việt Nam - một nhóm chuyên gia độc lập vừa công bố bảng xếp hạng 49 trường đại học ở Việt Nam,

với kỳ vọng báo cáo xếp hạng sẽ trở thành nguồn tham khảo cho xã hội, tạo ra động lực cải cách cho các trường. Mặc dù được dư luận đánh giá cao ý tưởng sau khi nhóm nghiên cứu công bố bảng xếp hạng này, nhưng nhiều trường và chuyên gia giáo dục cũng chỉ ra nhiều điểm bất hợp lý.

Bảng xếp hạng 49 trường đại học gây bất ngờ cho nhiều người khi một số trường mới thành lập đứng ở vị trí cao trên bảng xếp hạng như Trường đại học Tôn Đức Thắng xếp thứ 2, đại học Duy Tân ở vị trí thứ 9. Nhưng điều gây bất ngờ là hàng loạt trường đại học có điểm đầu vào cao nhất nước lại không vào nổi top 10, như Đại học Y Hà Nội đứng thứ 20, Đại học Kinh tế quốc dân ở vị trí thứ 30. Đáng chú ý, đại học Ngoại thương Hà Nội vốn luôn được nhận định là trường top đầu với tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm lên đến 95% lại chỉ xếp thứ 23 trong tổng số 49 trường.

Để có bảng xếp hạng trên, nhóm xếp hạng đại học Việt Nam đã tiến hành thu thập số liệu dựa trên 3 tiêu chí gồm: nghiên cứu khoa học chiếm 40%, giáo dục và đào tạo chiếm 40%, cơ sở vật chất và quản trị chiếm 20%. Trong khi đó, cơ sở để xếp hạng các trường đại học trên thế giới được đánh giá dựa trên 50 chỉ số, quan trọng nhất là độ hài lòng của các nhà tuyển dụng. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, mô hình đại học không thống nhất và đặc biệt là số liệu không thống nhất, tin cậy và cập nhật cũng dẫn đến hạn chế của bảng xếp hạng này. Vì thế, dù nghiên cứu hơn 100 trường đại học, nhóm chỉ đưa ra kết quả xếp hạng 49 trường được thu thập đầy đủ thông tin.

Nhiều người đặt vấn đề thứ hạng này có tương đương chất lượng đào tạo của các trường. Họ cho rằng những bảng xếp hạng khác, vị trí cao đồng nghĩa chất lượng tốt. Nhưng theo xếp hạng này, những trường đang “hot” và được đánh giá cao như đại học Y, Dược, đại học Ngoại thương... lại ở mức trung bình, tương đương với chuyện sản phẩm đầu ra không được đánh giá cao? Trong khi, thực tế hoàn toàn ngược lại.

Thực tế, việc công bố bảng xếp hạng đại học Việt Nam gây sự chú ý của dư luận không chỉ vì đây là bảng xếp hạng đầu tiên trong nước, mà còn thể hiện nhu cầu “khát” việc xếp hạng đại học. Việc xếp hạng đại học là xu thế chung của thế giới, tuy nhiên, để công bố thì cần phải có các quy định cụ thể, không phải ai nghiên cứu cũng có quyền công bố. Bởi nếu công bố không đúng sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến các trường và sinh viên.

Nhiều năm nay vẫn luôn tồn tại hiện tượng trường nào yếu thì thường chỉ trích việc xếp hạng, trong khi trường mạnh thì rất hào hứng. Điều này khiến cho việc xây dựng các bảng xếp hạng đã phức tạp lại càng khó khăn hơn. Qua sự kiện công bố bảng xếp hạng này, có lẽ đã đến lúc Bộ Giáo dục & Đào tạo không thể thờ ơ trước mong muốn của xã hội cần có những tổ chức xếp hạng thực sự độc lập, đảm bảo uy tín, được các cơ quan có thẩm quyền công nhận để đáp ứng xu hướng tất yếu trong việc đánh giá, xếp hạng trong lĩnh vực giáo dục.

Lê Đức

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/nhieu-bat-ngo-sau-xep-hang-dai-hoc-n136349.html