Nhiều bất lợi tác động lên TTCK trong tháng 10

NDĐT - THỜI NAY - Nhiều nhà đầu tư (NĐT) chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán (TTCK) đã kiên quyết đứng ngoài thị trường từ đầu tháng 9 và xác định cả tháng 10 cũng sẽ làm như vậy. Tất cả các tín hiệu trong hiện tại và ngắn hạn đều cho thấy khó có sự đột biến, thậm chí thị trường còn đang mất dần động lực để duy trì vị thế đi ngang…

Nghe “nhạc hiệu” Không như các NĐT kỳ vọng vào “cây gậy thần” - Thông tư 19 (sửa đổi một số điều trong Thông tư 13), việc sửa đổi đã không tạo ra chút động lực nào với thị trường chứng khoán (TTCK). Nghĩa là không có “cửa” cho việc nới lỏng tín dụng nói chung. Còn đối với chứng khoán và bất động sản, với tỷ lệ dự phòng rủi ro vẫn được giữ ở mức 250% cho thấy, hai lĩnh vực này còn bị kiểm soát chặt. Theo các nhà phân tích, không khó khi tìm hiểu tại sao đã có rất nhiều tin tức tốt của kinh tế vĩ mô công bố mà TTCK lại dậm chân tại chỗ, thậm chí còn tiềm ẩn khả năng quay lại xu hướng giảm. Về tin tốt, tốc độ tăng trưởng kinh tế chín tháng đầu năm 2010 đạt khoảng 6,52%, quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 5,83%, quý II tăng 6,40%, quý III tăng khoảng 7,16%). Đánh giá về kết quả thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2010, Chính phủ khẳng định sẽ hoàn thành 16 trong số 21 mục tiêu đã được QH thông qua, trong đó có nhiều mục tiêu quan trọng: GDP tăng 6,7% so với cùng kỳ 2009 (chỉ tiêu đề ra là 6,5%), xuất nhập khẩu tăng 19,1% (cao gấp ba lần chỉ tiêu), lạm phát được giữ ở mức 8%... Tuy nhiên, về tin “xấu”, trong tháng 9-2010, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1,31% so với tháng trước. Như vậy, sau sáu tháng liên tục giữ được mức tăng chỉ số giá dưới 1% (trong đó có 5 tháng dưới 0,3%), chỉ số giá lại có dấu hiệu tăng. Đây là thông điệp đáng ngại với TTCK từ nay đến cuối năm. Những khó khăn nổi cộm khác là nguy cơ thiếu điện trên diện rộng ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế; lãi suất tín dụng rất khó hạ khi kinh tế còn bất ổn; sự phục hồi thiếu vững chắc của các nền kinh tế lớn; thị trường thương mại thế giới thu hẹp ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam… Vấn đề quan ngại lâu dài hơn đối với các NĐT cả trong và ngoài nước là nguy cơ nợ công. Theo báo cáo về ngân sách Nhà nước của Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, tính đến 31-12-2009 tổng số dư nợ công bằng 52,6% GDP, ước đến 31-12-2010 nợ công sẽ là 56,7% GDP. Còn tại báo cáo thẩm tra sơ bộ về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2010 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, dự báo dư nợ công đã ở mức 52,6% GDP năm 2010 và 57,1% năm 2011, dư nợ quốc gia đã gần chạm ngưỡng cảnh báo. Theo phân tích, vấn đề nợ công sẽ không đáng lo ngại khi được cân đối với các nguồn bù đắp. Tuy nhiên, trong thời điểm này, dự trữ USD của Việt Nam chỉ còn khoảng 13 tỷ USD, cùng với các nguồn vốn vay bị sử dụng thiếu hiệu quả… phản ánh, độ an toàn tài chính quốc gia sắp vượt ngưỡng cho phép. Đoán “chương trình” Theo bà Ngô Thị Diễn Hằng, Phòng Phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán Click&phone, rất nhiều tin tốt từ tín dụng đến vĩ mô công bố mà thị trường không có chút hứng khởi nào, hiện tượng thị trường phản ánh hai điều: Trước hết là tâm lý sợ rủi ro của các NĐT. Tâm lý này xuất phát từ các thông điệp bất ổn của kinh tế vĩ mô hiện nay như tỷ giá, lạm phát dẫn tới khả năng Chính phủ sẽ tiếp tục siết chặt tín dụng. Thứ hai là dòng tiền trong thị trường đã cạn kiệt, trong khi nguồn cung cổ phiếu trong tháng 10 này lại tăng mạnh. Từ các tín hiệu trên, bà Hằng cho rằng thị trường sẽ ngày càng mất dần động lực để duy trì vị thế đi ngang, chứ chưa nói đến sự phục hồi tăng. Ông Đinh Anh Kim, Giám đốc Chi nhánh Chương Dương, Công ty Chứng khoán APEC cho rằng, trong khi dòng tiền mới không hề có thêm thì chỉ riêng nguồn cung CP đã khiến VN Index đuối sức, CP giảm giá. Về giao dịch, có thể thấy, chỉ có các CP đầu cơ mới có hiện tượng tăng giá. Tuy nhiên, trong hiện tượng tăng giá này cũng thấy rõ các nhà đầu cơ đang tạo sóng để cắt lỗ chứ không còn hiện tượng gom xả đẩy giá như thời điểm tháng 5 và tháng 6. “Với diễn biến hiện tại, cộng với khả năng các tin tức kinh tế vĩ mô trong quý IV xuất hiện, VN Index không có động lực để có sóng lớn. Nếu có chăng thì chỉ khi VN Index lâm vào một đợt giảm điểm mạnh bất thường và tạo ra mức giá CP rẻ hơn mức 420 điểm thì mới có thể có một đợt phục hồi tâm lý!”, ông Kim nói. Ông Nguyễn Việt Dũng, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Sao Việt cho rằng, xét về dư địa tăng tín dụng, từ nay đến cuối năm chỉ còn 5,5%, trong khi tỷ lệ rủi ro của chứng khoán là 250% thì ngân hàng sẽ “đóng cửa” với khoản này. Về kinh tế, các chỉ tiêu đặt ra cho năm 2010 đã hoàn thành, Chính phủ sẽ không “mạo hiểm” tìm cơ hội tăng trưởng trong bối cảnh nguy cơ nhiều hơn. Về thị trường, tâm lý bi quan của NĐT đã ăn sâu, để lạc quan trở lại, kinh tế vĩ mô cần phải có tín hiệu tốt đột biến và phải vững chắc. Nghĩa là chưa thể kỳ vọng vào bất kỳ “phép mầu” nào trên thị trường trong thời điểm này và thời gian ngắn tới đây. Dưới giác độ chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cũng cho rằng, các NĐT không nên quá kỳ vọng vào một viễn cảnh hưng thịnh của VN Index từ nay đến cuối năm. Bởi trước các bất ổn của kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, việc điều hành kinh tế và chính sách tín dụng sẽ nghiêng về sự ổn định hơn là theo đuổi tăng trưởng. THANH LÂM

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=184967&sub=57&top=38