Nhiệt điện xin thải xuống biển: Người nuôi tôm phản đối

Nếu cơ quan có thẩm quyền cho phép Vĩnh Tân 1 đổ thải, vùng nuôi tôm giống số 1 Việt Nam với sản lượng 28 tỷ pots/năm sẽ bị ảnh hưởng nặng.

Cụ thể, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội tôm Bình Thuận cho biết Vĩnh Tân – Cà Ná nổi tiếng là vùng biển trong lành, không có ô nhiễm, là vùng nuôi tôm giống trọng điểm của cả nước. Ở đây, hiệp hội có 53 thành viên sản xuất tôm giống ổn định trong 20 năm qua, mang lại nguồn lợi kinh tế cao.

Vì thế, trước thông tin Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 có thể được cấp phép đổ hơn 1,5 triệu m3 bùn thải ra biển trên diện tích 30ha, Hiệp hội tôm Bình Thuận rất băn khoăn lo lắng.

Nhiệt điện xin đổ 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển

Bởi vì bất cứ một tác động nào đến nguồn nước của khu vực này ngay lập tức sẽ làm cho chất lượng tôm giống bị ảnh hưởng, đồng thời sẽ dẫn đến các hệ lụy rất lớn trong sản xuất kinh doanh đối với Hiệp hội tôm Bình Thuận.

Từ đó, hiệp hội cực lực phản đối bất kể một hành vi nào mà xâm hại đến nguyên trạng tự nhiên môi trường biển của Bình Thuận, đặc biệt là tại khu vực Vĩnh Tân – Cà Ná.

Vùng nước các trại tôm sử dụng để nuôi tôm ngay sát Trung tâm điện lực Vĩnh Tân

Ông Hoàng Anh nói: “Hai ngày nay, tôi nhận thông tin từ 53 hội viên, việc phản đối rất là gay gắt. Tôi nghĩ nếu như chính quyền quan tâm thì có những ứng xử và hành động có trách nhiệm. Còn nếu vẫn để cho việc cấp phép diễn ra, thì tôi e rằng sự phản đối rất là lớn”.

Chính vì thế, Hiệp hội tôm Bình Thuận đã gửi đơn kiến nghị UBND tỉnh Bình Thuận cần đặc biệt quan tâm đến hoạt động sản xuất kinh doanh tôm giống và môi trường thủy sản xung quanh khu vực nạo vét và đổ thải của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 khi tổng hợp các ý kiến thẩm định hồ sơ xin cấp giấy phép nhấn chìm bùn thải nạo vét ở biển của Công ty Điện lực Vĩnh Tân 1, qua đó đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét có nên cấp phép cho Vĩnh Tân 1 đổ thải ra biển hay không.

Theo Hiệp hội tôm Bình Thuận, các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân nằm giữa 2 khu sản xuất tôm giống tập trung ở xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, chỉ cách các đường ống lấy nước phục vụ sản xuất tôm giống không quá 1 km.

Hiện nay, mùa vụ tôm chuẩn bị bắt đầu, các doanh nghiệp sản xuất tôm giống đã nhập khẩu một lượng tôm bố mẹ rất lớn để phục vụ cho mùa vụ mới.

Trước đó, ngày 7/11 trao đổi với Đất Việt, ông Hồ Lâm - Giám đốc Sở TN-MT Bình Thuận cho hay, việc Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân muốn đổ hơn 1,5 triệu m3 chất thải xuống biển Bình Thuận thuộc thẩm quyền xử lý của Bộ TN - MT.

''Hiện tại, dự án vẫn chưa được duyệt mà đang làm giấy phép xin ý kiến của Bộ TN-MT. Bên cạnh đó, phía Bộ cũng đang lấy ý kiến về vấn đề này. Đây là một đề án tổng thể, liên quan đến nhiều vấn đề nên cần phải nghiên cứu cụ thể", ông Lâm nhấn mạnh.

Ngày 4/11, Sở NNPT-NT tỉnh Bình Thuận đã thông tin với báo chí, vị trí đổ thải ít nhất phải cách vành đai bảo vệ Khu bảo tồn biển Hòn Cau không dưới 5 km để giảm thiểu ảnh hưởng đến khu bảo tồn. Ngoài ra, các giải pháp ứng phó với sự cố, rủi ro trong quá trình nạo vét, đổ chất thải hồ sơ dự án vẫn chưa đầy đủ và cần phải đưa Ban quản lý Khu bảo tồn Hòn Cau vào thành phần giám sát

Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 cũng thừa nhận, việc nạo vét sẽ tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản, làm cho môi trường trầm tích bị xáo trộn, gây hại cho động vật đáy và khu vực đánh bắt cá.

Thế nhưng, hồ sơ dự án vẫn khẳng định vị trí đổ thải không có dòng hải lưu, không có hệ sinh thái nào cần bảo vệ. Trong khi đó, sơ đồ dòng hải lưu biển Việt Nam thể hiện rõ khu vực biển Tuy Phong có rất nhiều dòng hải lưu đan xen nhau nên nếu vùng biển Tuy Phong ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến vùng biển Cà Mau.

Sơn Ca (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-anh/nhiet-dien-xin-thai-xuong-bien-nguoi-nuoi-tom-phan-doi-3322626/