Nhiệt điện than: Vẫn thiếu tiêu chuẩn để tận dụng tro xỉ

Tại hội thảo 'Công nghệ nhiệt điện than và môi trường' do Bộ Công Thương tổ chức ngày 5/11 tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, sẽ rất khó để tìm được nguồn thay thế nhiệt điện than trong ngắn hạn.

Nhiệt điện than có vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng khi vẫn chiếm khoảng 50% tỷ trọng về công suất và sản lượng.

Nhiệt điện than: Vẫn thiếu tiêu chuẩn để tận dụng tro xỉ. Ảnh: TTXVN

Nhiệt điện than: Vẫn thiếu tiêu chuẩn để tận dụng tro xỉ. Ảnh: TTXVN

Trong thời gian qua, đã có nhiều ý phản ánh về công nghệ nhiệt điện than, gây ảnh hưởng môi trường, và đưa ra những đề xuất liên quan đến việc xem xét lại nhiệt điện than trong Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh…

Tuy nhiên, tại hội thảo “Công nghệ nhiệt điện than và môi trường” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 5/11 tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng, sẽ rất khó để tìm được nguồn thay thế nhiệt điện than trong ngắn hạn.

Vấn đề quan trọng là giải quyết chất thải gây ô nhiễm tại các nhà máy nhiệt điện.

Khó tìm nguồn thay thế

Báo cáo từ Bộ Công Thương cho hay, theo quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhiệt điện than vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng.

Theo đó, đến năm 2020 tổng công suất nhiệt điện than khoảng 26.000 MW chiếm 49,3% điện sản xuất; năm 2025 đạt khoảng 47.600 MW, chiếm 55% điện sản xuất và năm 2030 đạt 55.300 MW, chiếm 53,2% điện sản xuất.

Trong khi đó, hiện nay, nguồn thủy điện vửa và lớn về cơ bản đã được khai thác hết, tổng công suất đưa vào cân đối khoảng 20.000 MW, điện sản xuất trên 70 tỷ kWh.

Về nguồn khí, sau năm 2030 dự kiến sẽ nhập khẩu khí hóa lỏng LNG để bổ sung khí cho các nhà máy tua bin khí cụm Phú Mỹ, Bà Rịa, Nhơn Trạch khi khí từ mỏ Nam Côn Sơn suy giảm.

PGS. TS. Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật Nhiệt Việt Nam, không chỉ Việt Nam, mà trên thế giới, nhiệt điện than vẫn là nguồn sản xuất điện năng chủ yếu.

Trong nguồn cung điện, nhiệt điện than của thế giới chiếm tỷ lệ trung bình là 41.2% thì Mỹ là 43.3%, Ấn Độ là 67,9%, Australia là 68,6%, Hàn Quốc, Đức đều hơn 43%...

Cũng Theo TS. Nguyễn Mạnh Hiến, Nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng, để giảm tỷ lệ nhiệt điện than là không hề đơn giản vì rất khó tìm nguồn thay thế.

Đến năm 2030, nhiệt điện than vẫn được đánh giá là tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm các nguyên liệu truyền thống, khoảng 21.6%/năm.

Lý giải nguyên nhân, TS. Hiến cho hay, năng lượng tái tạo là nguồn năng lượng sạch nhưng chi phí đầu tư lớn, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên nên không thể điều chỉnh được theo yêu cầu, cộng với khó khăn trong việc đấu nối, sử dụng quỹ đất…

Cùng công suất, thì 1 dự án nhiệt điện than sản xuất ngang với 3 dự án điện gió, và tương đương 4 dự án điện mặt trời.

Ngoài ra, các dự án thủy điện vừa và lớn đã khai thác gần hết, nguồn khí tự nhiên khai thác cũng đã đến giới hạn và triển vọng nhập khí hóa lỏng sẽ diễn ra sau 2025.

Nếu nhập khẩu khí hóa lỏng để sản xuất điện thì sẽ khó khăn và phức tạp hơn nhập khẩu than vì liên quan đến tàu chở, hầm chứa, bảo quản khí…, nên không thể nhập khẩu nhiều như than, giá thành sẽ cao hơn.

Hơn nữa, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm trong vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa nhiệt điện than, TS Hiến nói.

Doanh nghiệp vẫn chờ quy chuẩn

Nhiệt điện than vẫn có nhiều ưu điểm khi giá thành điện và vốn đầu tư thấp, khả năng huy động công suất lớn. Các chuyên gia cũng cho rằng, mức độ hiện đại của công nghệ sản xuất và xử lý thì Việt Nam đã ngang tầm thế giới với công nghệ tới hạn và siêu tới hạn, tính tự động hóa cao, đồng bộ...

Song quan trọng là chúng ta xử lý các chất thải ra như chất thải rắn, khí, nước trong quá trình sản xuất như thế nào để không gây những tác hại đến môi trường.

Ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho hay, phương pháp thải xỉ khô là phương pháp tiết kiệm tài nguyên và năng lượng so với thải xỉ ướt và là một giải pháp để thúc đẩy quá trình tái sử dụng tro, xỉ trên thế giới. Hiện các nhà máy nhiệt điện đốt than của Tập đoàn cũng đã ký kết hợp đồng tiêu thụ tro, xỉ để sản xuất vật liệu xây dựng, gạch không nung, kết cấu bê tông để lấn biển…

Tuy nhiên, để có thể tái sử dụng toàn bộ tro xỉ, thạch cao của các nhà máy điện, đại diện EVN cũng kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét chỉ đạo nghiên cứu, ban hành hoặc cho phép áp dụng một số tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật đối với tro xỉ, thạch cao của nhà máy nhiệt điện than để sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất clinke, xi măng, tấm trần, tấm tường, phụ gia bê tông, làm đường giao thông...

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng an toàn sức khỏe môi trường, nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, hiện nay Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu có hiệu lực từ 6/2015 chưa có thông tư hướng dẫn, nên chưa có đơn vị nào được Bộ Tài nguyên & Môi trường cấp phép để xử lý tro xỉ.

Điều này gây khó khăn cho Nhiệt điện Vũng Áng 1 cũng như các nhà máy nhiệt điện đốt than khác.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng chưa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật đối với tro xỉ được phép sử dụng làm vật liệu xây dựng, vật liệu san nền… dẫn tới chưa có cơ sở pháp lý cho các đơn vị tiêu thụ sử dụng nguồn tro xỉ của nhà máy.

Do vậy, ông Thanh kiến nghị Bộ Tài nguyên & Môi trường sớm ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể để tiêu thụ và sử dụng tro bay cho doanh nghiệp; Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn kỹ thuật với tro xỉ được phép sử dụng làm vật liệu xây dựng…

PGS. TS. Trương Duy Nghĩa cho rằng, để giải quyết vấn đề môi trường cho các nhà máy nhiệt điện, phải tận dụng hết lượng tro xỉ, tro bay này để làm vật liệu xây dựng như xi măng, gạch không nung...

Đây là biện pháp triệt để và duy nhất để xử lý vấn đề môi trường của các nhà máy nhiệt điện đốt than.

Do vậy, ngoài các quy chuẩn, chính sách, thì cần có sự vào cuộc của cả nước, bao gồm cả chính sách khuyến khích và bắt buộc trong việc sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng từ tro xỉ…/.

Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/nhiet-dien-than-van-thieu-tieu-chuan-de-tan-dung-tro-xi/28033.html