Nhiệt điện than vẫn giữ ưu thế trong phát triển kinh tế

Nhiệt điện than cho giá thành sản xuất thấp (khoảng 7cent Mỹ/kWh). Vốn đầu tư không quá cao, thấp hơn thủy điện, điện mặt trời, điện gió, điện hạt nhân (khoảng 1.500 USD/kWh). Khả năng huy động công suất lớn nên sản lượng điện phát ra lớn. Không lệ thuộc vào địa điểm như thủy điện, thời gian xây dựng cũng không quá lâu… là những lý do khiến hiện nay, nhiệt điện than vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế.

Tại Hội thảo “Công nghệ nhiệt điện than và môi trường” do Bộ Công Thương tổ chức sáng ngày 5/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết: Thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xã hội bền vững, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chiến lược phát triển năng lượng tái tạo tại Quyết định 2068 năm 2015 nhằm khai thác tối đa hiệu quả tăng trưởng năng lượng tái tạo của đất nước.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng nhận định, phát triển nhiệt điện than vẫn là giải pháp quan trọng, chủ yếu nhằm đảm bảo đủ điện cho đất nước, nhất là trong bối cảnh nguồn lực đất nước còn khó khăn. (Ảnh Internet)

Tuy nhiên trong vòng 4 năm nữa, Việt Nam cần phải có thêm trên 23.000 MW nguồn điện. Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn và thách thức. Nhất là trong bối cảnh các nguồn thủy điện đã cơ bản khai thác hết, nguồn năng lương tái tạo vẫn còn gặp khó khăn do tiềm năng có hạn, chi phí đầu tư cao, nguồn lực kinh tế cho đầu tư còn hạn chế; điện hạt nhân còn nhiều vấn đề mà xã hội quan tâm; nguồn khí cho phát triển điện khí cũng sẽ cạn kiệt vào năm 2023 và phải nhập khẩu nguồn khí hóa lỏng….

“Do đó phát triển nhiệt điện than là điều quan trọng. Vấn đề đặt ra là sẽ phát triển như thế nào để vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ môi trường bền vững”, Thứ trưởng Vượng nhấn mạnh.

Theo TS. Nguyễn Mạnh Hiến, Nguyên Viện trưởng Viện năng lượng, giải pháp song hành với nguồn nhiệt điện than là sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại SC, USC (thông số hơi trên và trên siêu tới hạn) cho các dự án mới, cải tiên, nâng cấp các dự án đang vận hành, đầu tư các thiết bị bảo vệ môi trường ESP, FGD. Tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình vận hành. Từng bước đầu tư xây dựng năng lượng tái tạo với lộ trình thích hợp. Khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghiệp tiêu thụ ít năng lượng…

Dễ dàng cho thể thấy, nhược điểm của nhiệt điện than là dùng khối lượng lớn nhiên liệu để sản xuất điện (chiếm 60% giá thành sản xuất điện). Là nguồn phát thải lớn các chất thải ra môi trường, đặc biệt là các chất thải rắn và khí, chi phí về đầu tư, vận hành và bảo dưỡng hệ thống xử lý môi trường tốn kém. Chiếm nhiều diện tích làm địa điểm xây dựng nhà máy điện, làm bãi chứa tro xỉ. Nhu cầu nước làm mát rất lớn, khoảng 80m3/sec cho 1 nhà máy điện 1.200MW.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng, với trình độ và sự quan tâm của các cơ quan liên quan, đây là vấn đề hoàn toàn có thế giải quyết được, bởi chi phí khắc phục tình trạng này không lớn so với các công nghệ khác. Mặc khác, nếu xử lý được chất thải rắn thì đây có thể trở thành nguồn tài nguyên để phát triển các nguồn nguyên liệu khác.

“Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng ban xây dựng các khuôn khổ pháp lý về công nghệ và môi trường cho các nhà máy nhiệt điện than. Xây dựng cơ chế chính sách, xử lý, sử dụng hiệu quả chất thải tro, xỉ làm nguyên liệu, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật sử dụng tro, xỉ, san lấp mặt bằng, khuyến khích các doanh nghiệp thay thế gạch nung tiến tới không sản xuất gạch nung thì lượng tro, xỉ hoàn toàn có thể xử lý được”, Thứ trưởng Vượng nhấn mạnh.

Giang Phan

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nhiet-dien-than-van-giu-uu-the-trong-phat-trien-kinh-te/