Nhiệt điện than bủa vây ĐBSCL: Cộng dồn hệ lụy...

"Đến năm 2030, con số tử vong do nhiệt điện than ở Việt Nam hằng năm có thể sẽ lên đến 25.000 người, nếu tất cả các nhà máy được xây dựng".

Đó là quan điểm của PGS.TS Lê Anh Tuấn – Phó Viện Trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu ĐH Cần Thơ với Đất Việt.

Ô nhiễm vô cùng nặng nề

PV:- Mới đây, trong tài liệu báo cáo về vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng, TS Phương Hoàng Kim - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương khẳng định một trong những đặc điểm khi xây dựng nhà máy nhiệt điện đốt than là gần nguồn cung cấp than, gần nguồn cung cấp nước làm mát với lưu lượng rất lớn sẽ nhiều thuận lợi.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học lo ngại về việc vị trí của các nhà máy nhiệt điện than như vậy sẽ gây ra nguy cơ ô nhiễm cho Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt, tình hình hạn, mặn đang lấn sâu vào trong các con sông của ĐBSCL. Ông có đồng tình với nhận định trên hay không? Xin ông phân tích cụ thể.

PGS.TS Lê Anh Tuấn:- Ở đây có 2 điểm không hợp lý, thứ nhất, nguồn than hiện nay không nằm ở khu vực ĐBSCL, mà tập trung chính ở phía Bắc, còn nếu than nhập thì cũng xa chứ không hề gần, mà đến nay chưa biết nhập ở đâu.

Còn thứ hai, về nguồn nước, ĐBSCL thực sự không phải nguồn nước dồi dào, nước ngọt ngày càng khan hiếm, còn nước mặn thì cả VN, từ Bắc xuống Nam đều nằm giáp với biển, đâu phải nhất thiết ĐBSCL.

ĐBSCL là nơi tập trung sản xuất nông nghiệp, thủy sản lớn nhất nước, bây giờ mà đưa một mô hình công nghiệp gây ô nhiễm như vậy thì không hợp lý.

Những người làm bên nhiệt điện không hiểu hệ sinh thái vùng cửa sông vô cùng quan trọng, với nhà máy vùng cửa sông thì nước làm mát từ nhà máy nhiệt độ cao, gần 50 độ, các sinh vật ở trong nhiệt độ cao như vậy thì không thể nào phát triển được. Tôi đi khảo sát vùng duyên hải, vùng nước nhà máy đổ thải ra không một con tôm, cá nào sống được, rừng ngập mặn cũng chết.

Như vậy không thể nói là làm vùng cửa sông, tận dụng nước làm mát cho nhà máy mà không ảnh hưởng, đặc biệt khi hạn mặn đang lấn sâu vào trong các con sông.

Hiện nay, theo văn bản phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII Điều chỉnh) đã được thông qua ngày 18/3/2016. Theo sơ đồ Quy hoạch điện VII Hiệu chỉnh này, đến năm 2020, tổng công suất nhiệt điện than khoảng 26.000 MW, sản xuất khoảng 131 tỷ kWh điện, chiếm khoảng 49,3% điện sản xuất toàn quốc, tiêu thụ khoảng 63 triệu tấn than.

Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải Trà Vinh

Đến năm 2030, tổng công suất nhiệt điện than sẽ tăng lên đến khoảng 55.300 MW, sản xuất 304 tỷ kWh, sẽ chiếm 53,2% điện sản xuất toàn quốc và phải tiêu thụ 129 triệu tấn than mỗi năm. Đến giai đoạn này, Việt Nam sẽ phải nhập chừng 89 triệu tấn than/năm từ các nước, gấp hai lần khả năng cung cấp than trong nước (40 triệu tấn than/năm), vì đến thời điểm này nguồn than ở Việt Nam đã dần cạn kiệt hoặc khó khai thác thương mại.

Theo Quy hoạch này, một loạt các nhà nhiệt điện than sẽ được xây dựng ở ĐBSCL. Dọc theo tuyến sông Hậu từ thành phố Cần Thơ, xuống tỉnh Hậu Giang và tiếp ra đến cửa biển giữa hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh đã và đang hình thành khoảng 15 nhà máy nhiệt điện.

Ngoài các nhà máy dọc theo dòng sông Hậu ra đến biển, ở ĐBSCL còn có các nhà máy nhiệt điện dự kiến được xây dựng ở Long An (Long An I và II, với công suất lắp máy 1.200 MW/nhà máy) và Bạc Liêu (1.200 MW).

Các dự án nhiệt điện khác ở Kiên Lương, Kiên Giang (Kiên LươngI, II, III) và Than An Giang (2.000 MW), Sông Hậu III (2.000 MW) đã ngừng triển khai sau QH diện VII điều chỉnh. Bên cạnh đó, ở Cà Mau còn có 2 dự án nhiệt điện (Cà Mau I và Cà Mau II) nằm trong tổ hợp khí - điện - đạm với công suất ước tính mỗi nhà máy là 750 MW khi đốt khí; 669,8 MW khi đốt dầu DO.

Với quy mô phát triển công nghiệp năng lượng như vậy từ nay đến năm 2030, vùng ĐBSCL trở thành một trong những khu vực có mật độ nhiệt điện cao so với cả nước. Hầu hết các nhà máy nhiệt điện ở ĐBSCL đều dùng nhiên liệu chính là than, ngoài một số ít dùng dầu DO hoặc khí đốt.

Than hiện nay được cung cấp một phần từ các mỏ than ở tỉnh Quảng Ninh và tương lai gần các nhà máy sử dụng than nhập khẩu từ Úc hoặc Indonesia, có thể từ Nga nữa.

PV:- Hiện nay, ĐBSCL đang ở trong tình thế "thập diện mai phục", từ dự án nhà máy giấy của Công ty TNHH giấy Lee&Man Việt Nam (Trung Quốc) nằm trên cặp bờ sông Hậu (tỉnh Hậu Giang). Cho đến kế hoạch năm 2030 sẽ có 14 nhà máy điện than. Các nhà máy này được quy hoạch xây dựng ở Trà Vinh, Tiền Giang, Long An, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và TP Cần Thơ.

Trong đó, hai trung tâm sản xuất điện than lớn nhất ĐBSCL là Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) và Long Phú (tỉnh Sóc Trăng). Với quy hoạch trên, tính trung bình cứ một năm tại ĐBSCL lại có một nhà máy điện than ra đời.

Theo ông, với những dự án bủa vây từ đầu nguồn đến hạ nguồn như vậy, ĐBSCL sẽ phải đối diện với những nguy cơ thế nào? Những nguy cơ có thể xảy ra từ những dự án này như thế nào?

PGS.TS Lê Anh Tuấn:- Việc hạn mặn cũng do một phần thiên tai là chính, do biến đổi khí hậu, nhưng việc bủa vây từ hạ nguồn đến thượng nguồn bởi các hoạt động công nghiệp, thì sự ô nhiễm sẽ nặng nề hơn.

Trong các báo cáo đánh giá tác động môi trường của nhà máy nhiệt điện, họ không xem xét các tác động đồng thời. Ví dụ như nhà máy đó được cộng thêm các nhà máy công nghiệp khác, dẫn đến khả năng chịu đựng của hệ sinh thái giảm đi rất nhanh. Còn nguy cơ ô nhiễm thì luôn thường trực.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/quan-diem/nhiet-dien-than-bua-vay-dbscl-cong-don-he-luy-3322735/