Nhiệm vụ trọng tâm của GD tiểu học năm học 2011-2012

(GD&TĐ) - Năm học 2011 – 2012 là năm học đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, giáo dục tiểu học tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh và phát triển giáo dục, tạo một môi trường dạy học thân thiện, tích cực.

Chào đón mừng năm học mới Thực hiện các cuộc vận động và phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW của Bộ Chính trị về cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, củng cố kết quả cuộc vận động chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, thực hiện cuộc vận động "Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo". Thực hiện nội dung giáo dục "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" trong các môn học và hoạt động giáo dục ở tiểu học. Không tổ chức dạy học trước và thi tuyển học sinh vào lớp 1. Tiếp tục triển khai các biện pháp giảm tỉ lệ học sinh yếu, học sinh bỏ học, bàn giao chất lượng giáo dục, không để học sinh ngồi sai lớp; tổ chức nhiều hoạt động nhằm phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi nhưng không tổ chức thi học sinh giỏi ở tất cả các cấp quản lí. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40/2008/CT-BGDĐT ngày 22/7/2008 và Kế hoạch số 307/KH-BGDĐT ngày 22/7/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động và triển khai phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Cụ thể: giáo dục đạo đức, kĩ năng sống cho học sinh thông qua các môn học, hoạt động giáo dục và xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa. Tổ chức lễ khai giảng năm học mới (với cả phần lễ và phần hội) gọn nhẹ, vui tươi, tạo không khí phấn khởi cho học sinh bước vào năm học mới. Tổ chức lễ ra trường trang trọng, tạo dấu ấn sâu sắc cho học sinh hoàn thành chương trình tiểu học trước khi ra trường. Đảm bảo tốt kế hoạch giáo dục Đối với các trường, lớp dạy học 1 buổi/ ngày: Tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Kế hoạch dạy học và giáo dục đối với lớp 1 buổi/ ngày: thời lượng tối đa 5 tiết/ buổi, tối thiểu 5 buổi/ tuần. Nội dung hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (4 tiết/ tháng) được thực hiện tích hợp vào các môn Âm nhạc, Mĩ thuật, Thủ công/Kĩ thuật, phù hợp điều kiện thực tế địa phương và nhà trường (truyền thống văn hóa, nghề nghiệp địa phương; năng lực giáo viên và thiết bị dạy học của nhà trường). Đối với các trường, lớp dạy học 2 buổi/ ngày cần có kế hoạch dạy học và giáo dục đối với trường, lớp 2 buổi/ ngày: thời lượng tối đa 7 tiết/ ngày. Hiệu trưởng chủ động xây dựng kế hoạch dạy học 2 buổi/ ngày trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu: Về nội dung: Giáo viên được chủ động bố trí thời gian và nội dung hợp lí đối với các hoạt động dạy học và giáo dục để thực hiện chương trình và sách quy định cho mỗi lớp; thực hành kiến thức đã học và tổ chức học sinh tham gia các hoạt động thực tế tại địa phương; học sinh được tự học có sự hướng dẫn của giáo viên để hoàn thành yêu cầu học tập, hoặc bồi dưỡng học sinh năng khiếu; dạy học các môn học tự chọn; tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa… Đối với những vùng khó khăn, vùng có đông học sinh dân tộc thiểu số, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày chủ yếu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đạt chuẩn kiến thức, kĩ năng các môn học, củng cố kiến thức, kĩ năng môn Tiếng Việt, Toán hoặc tăng cường tiếng Việt. Về tổ chức bán trú: Khuyến khích tổ chức bán trú cho học sinh; linh hoạt, đa dạng hoạt động bán trú: tổ chức nghỉ trưa, ăn trưa cho học sinh, có thể tổ chức các hoạt động giáo dục trong giờ nghỉ trưa như xem phim, xem tivi, đọc sách, tham gia các trò chơi dân gian…Nhà trường cần tăng cường kiểm tra vệ sinh, an toàn thực phẩm để đảm bảo sức khỏe học sinh. Ở những vùng dân tộc, miền núi có kế hoạch phát triển mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú, các lớp bán trú, nội trú dân nuôi với sự kết hợp đầu tư từ ngân sách, sự đóng góp của gia đình và sự hỗ trợ từ các lực lượng xã hội. Động viên cha mẹ học sinh đầu tư, đóng góp nhân lực, trí lực, tài lực để thực hiện giáo dục toàn diện cho học sinh trong việc tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lí giáo dục Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Chú trọng bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lí và giáo viên về: Nội dung, quan điểm đổi mới công tác quản lí, chỉ đạo cấp học nói chung, công tác chỉ đạo và quản lí việc dạy học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng nói riêng. Đặc biệt quan tâm tự bồi dưỡng nâng cao năng lực theo Chuẩn hiệu trưởng, Chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học; bồi dưỡng ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới quản lí chỉ đạo và trong đổi mới phương pháp dạy học. Triển khai công tác bồi dưỡng giáo viên theo Chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên tiểu học (ban hành theo Thông tư số 32/2011/TT-BGDĐT ngày 08/8/2011); Tổ chức Hội thi giáo viên dạy giỏi theo Thông tư số 21/2010/TT-BGDĐT ngày 20/07/2010 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên. Một năm học mới đang đến gần cùng với các cấp học Mầm non, THCS, THPT, giáo dục Tiểu học quyết tâm hoàn tốt nhiệm vụ trong năm học này. Minh Châu ,

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/3005/201108/Nhiem-vu-trong-tam-cua-GD-tieu-hoc-nam-hoc-20112012-1951515/