Nhiệm vụ nặng nề đang chờ tân Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres

Ngày 13/11 vừa qua, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã chính thức bổ nhiệm cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha làm tân Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc. Bối cảnh quốc tế phức tạp hiện nay sẽ là bài toán không hề đơn giản với ông Antonio Guterres trên cương vị mới.

Theo Nghị quyết của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Guterres sẽ đảm nhiệm chức vụ Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc từ ngày 1/1/2017 tới đây và nhiệm kỳ này sẽ kết thúc vào ngày 31/12/2021.

Tân Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres

Chức vụ mới hợp với kinh nghiệm đã được tích lũy

Phát biểu chúc mừng ông Duterres được bổ nhiệm, Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc Peter Thomson nhấn mạnh rằng ông Duterres có đủ các tiêu chuẩn cao nhất như khả năng, tính trung thực và tố chất thủ lĩnh để đảm bảo chức vụ mới.

Trên cương vị mới, ông Duterres sẽ có điều kiện sử dụng những kinh nghiệm đồ sộ đã tích lũy được trong thời gian làm Thủ tướng Bồ Đào Nha và Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn.

“Sự nhất quán của ông Duterres với các giá trị của Liên Hợp Quốc là điều không phải bàn cãi. Tôi tin tưởng rằng ông ấy sẽ hết mình trong việc phục vụ các công việc của cộng đồng quốc tế, sẽ trở thành tiếng nói của lương tâm tập thể và sự nhân văn trong suốt nhiệm kỳ của mình”- ông Peter Thomson nhấn mạnh.

Về phần mình, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã chúc mừng ông Duterres, cũng như các quốc gia khác vì đã có sự lựa chọn đúng. “Tất cả chúng ta đều biết đến Guterres. Ông ấy đã thể hiện mình khá tốt trong giải quyết các cuộc xung đột quân sự và khủng hoảng nhân đạo”- ông Ban Ki-moon khẳng định.

Theo ông Ban Ki-moon, chính trị gia người Bồ Đào Nha có đủ các “tố chất chính trị” phù hợp với các nguyen tắc nền tảng của Liên Hợp Quốc. Các tố chất này gồm mong muốn thúc đẩy hợp tác vì lợi ích chung và trách nhiệm chung vì tất cả nhân loại trên hành tinh.

Sứ mệnh không đơn giản

Phát biểu chúc mừng ông Duterres, đại diện thường trực của Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samanta Pauer bày tỏ hy vọng rằng ông Duterres sẽ duy trì được sự thống nhất của cộng đồng quốc tế và giải quyết được các cuộc khủng hoảng đẫm máu, trong đó có cuộc khủng hoảng Syria. Đồng thời, bà Samanta Pauer cũng đề nghị ông Duterres “trở thành chiến binh gìn giữ hòa bình, tìm kiếm các con đường, giải pháp chấm dứt các cuộc xung đột ở các quốc gia như Syria, Yemen và Nam Sudan, cũng như trở thành nhà cải cách và đấu tranh chống nạn quan liêu”.

Ưu tiên chính- Ngoại giao

Phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Duterres tuyên bố rằng ưu tiên chính trên cương vị mới sẽ là “các giải pháp ngoại giao nhằm thiết lập nền hòa bình” vì nếu không có hòa bình thì thế giới sẽ không thể có được sự phát triển kinh tế-xã hội ổn định, bền vững, cũng như đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại của nhân loại.

Ông Duterres cũng khẳng định rằng trong các cuộc chiến tranh hiện đại không hề có bên chiến thắng mà chỉ có bên thua cuộc. “Chúng tôi có trách nhiệm tập thể đối với việc chấm dứt các cuộc chiến tranh”- ông Duterres nhấn mạnh, đồng thời cam kết sẽ làm tất cả những gì có thể để đem lại hòa bình cho Syria.

Tổng thư ký LHQ Ban ki-moon

Theo tân Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Tổng Thư ký đương nhiệm Ban Ki-moon và các quốc gia có ảnh hưởng khác cũng đang nỗ lực để đưa tiến trình hòa bình cho Syria thoát khỏi bế tắc.

Đối với các cuộc xung đột ở Yemen và Nam Sudan, ông Duterres cũng cam kết sẽ làm hết sức mình để giải quyết các cuộc xung đột này. Trong khoảng thời gian 2,5 tháng còn lại trước khi đảm nhiệm chức vụ Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, ông sẽ nghiên cứu kỹ tình hình ở các quốc gia này để chuẩn bị thực hiện vai trò “liên kết tất cả các lực lượng để khiến họ hiểu được những bất đồng với nhau để trở nên đoàn kết trong giải quyết các khó khăn trong tương lai”.

Đôi nét về Antonio Guterres

Trong giai đoạn 2005-2015, ông Antonio Guterres đảm nhiệm cương vị Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (được tái bầu vào chức vụ này năm 2010). Trong giai đoạn này, Ủy ban Liên Hợp Quốc về người tị nạn đã tiến hành các cuộc cải cách và áp dụng các cách thức làm việc mới, qua đó gia tăng được gấp 2 lần quy mô và tầm hoạt động, nâng cao được hiệu quả công việc và cải thiện được hoạt động điều phối, giảm được những bất cập về hành chính. Nhờ các nỗ lực này, cơ quan này đã nâng cao tối đa hiệu quả của các chi phí giúp đỡ người tị nạn.

Ông Antonio Guterres đảm nhiệm chức vụ Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn đến cuối năm 2015, đã trở thành người đầu tiên tham gia cuộc chạy đua vào ghế cao nhất của Liên Hợp Quốc (từ tháng 2/2016) và trở thành người chiến thắng trong tất cả 6 cuộc bỏ phiếu sơ bộ.

Tổng cộng đã có 13 ứng cử viên tham gia tranh cử vào chức vụ Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, trong đó có cả cựu nguyên thủ, các cựu ngoại trưởng cũng như ngoại trưởng của các quốc gia khác.

Đào Cảnh (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/su-menh-nao-cho-tan-tong-thu-ky-lien-hop-quoc-antonio-guterres-post211492.info