Nhiệm vụ là gì và trách nhiệm đến đâu?

(TBKTSG) - Khi bắt đầu công việc tại một công ty, người nhân viên mới thường phải trải qua một khóa huấn luyện khoảng 2-3 tháng. Trước hết, người đó sẽ học thuộc bảng mô tả công việc để xác định nhiệm vụ hàng ngày của mình. Họ sẽ xử lý công việc theo quy trình và báo cáo lên người quản lý.Tương ứng với quy trình công việc đó sẽ là những thang điểm để đánh giá nhân viên vào mỗi quí hay cuối năm.

Hoàng Ngọc Việc quản lý nhân viên và quy trình công việc hàng ngày thường là nhiệm vụ của giám sát hay trưởng phòng. Ở đây lý thuyết quản trị chia làm hai loại quản lý: quản lý quy trình (process management) và quản lý mục tiêu (objective management). Cấp độ giám đốc điều hành (CEO) hay tổng giám đốc (General Director) thường chỉ quản lý mục tiêu, chiến lược phát triển của công ty. Dĩ nhiên, với cấp quản lý càng cao thì bảng mô tả công việc sẽ dài hơn hay nói khác đi là nhiệm vụ cũng nhiều hơn, bao quát hơn và khó hơn. Hiện nay, nhiều công ty nước ngoài còn yêu cầu nhân viên phải ký Quy định đạo đức nghề nghiệp (Code of Conduct) nhằm xác nhận người nhân viên đó sẽ không được nhận quà cáp, tiền hoa hồng từ đối tác, khách hàng cũng như hối lộ để nhận được đơn hàng. Nguyên lý quản trị doanh nghiệp là vậy, nhưng lĩnh vực quản trị công ở ta lại không theo kịp. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, khi giải trình về vụ việc Vinashin, các bộ đều cho rằng mình đã làm hết trách nhiệm, tức là đã hoàn thành nhiệm vụ được phân công. Điều đó là không đúng nếu xét về trách nhiệm quản lý trực tiếp. Chiếu theo nguyên lý quản trị hiện đại, Thủ tướng chỉ quản lý mục tiêu, chiến lược phát triển và vai trò của Vinashin trong nền kinh tế, chứ không quản lý quy trình của nó. Cách thức hoạt động, các chế độ báo cáo và kiểm toán phải tuân thủ theo quy trình, mà việc quản lý này phải do các bộ điều hành. Nếu bộ thấy cơ chế quản lý chưa phù hợp thì phải đề xuất sửa đổi, bổ sung. Việc bộ nào cũng có phần trong công tác quản lý Vinashin nhưng không ai chịu trách nhiệm chính khi tập đoàn này đổ vỡ đã cho thấy lỗ hổng trong công tác quản lý nhà nước hiện nay. Ở các địa phương tình trạng tương tự cũng diễn ra. Mới đây, tại cuộc họp HĐND TPHCM, ông Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã giải trình là một con đường có đến tám cơ quan quản lý, Sở GTVT chỉ quản lý mặt đường còn các cơ sở hạ tầng bên dưới do các cơ quan khác phụ trách. Cho nên sự việc “hố tử thần” không thể đổ lổi hết cho Sở GTVT. Điều hiển nhiên là người dân chỉ biết Sở GTVT quản lý con đường và những gì liên quan đến con đường là người ta nghĩ ngay đến Sở GTVT chứ không cần biết cơ quan nào khác. Nếu Sở GTVT thấy nhiệm vụ được giao không đầy đủ với vai trò xã hội thì phải đề xuất cấp trên giải quyết ngay, chứ không thể chấp nhận hiện trạng và chịu tiếng “oan” như vậy. Đó là chưa nói đến năng lực quản lý, một khi suy nghĩ của cấp trên như thế thì không thể trách thái độ làm việc vô trách nhiệm của cấp dưới. Chính vì vậy, điều cấp thiết hiện nay là phải rà soát lại nhiệm vụ cụ thể, xác định trách nhiệm rạch ròi của các ban ngành, để trong các cuộc họp của Quốc hội hay chính quyền địa phương, các đại biểu thôi phải đặt những câu hỏi về nhiệm vụ của các ban ngành là gì, trách nhiệm đến đâu trước những vấn đề bức xúc của dân.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/diendan/bandocviet/45411/