Nhiệm vụ cuối trước khi Bác mất

Giadinh.net - Ngày 2/9/1969, Bác Hồ đã vĩnh viễn ra đi. Trước đó, Bộ Công an đã có phương án chuẩn bị cho tình huống xấu nhất về sức khỏe của Bác có thể xảy ra. Nhiều chiến sỹ cảnh vệ được giao nhiệm vụ mà không ngờ đó là nhiệm vụ cuối cùng bảo vệ Bác khi còn sống.

Cuộc họp đặc biệt Cuối tháng 8/1969, trước tình hình sức khỏe của Bác Hồ diễn biến ngày càng xấu, Bộ Chính trị đã chỉ đạo các ngành liên quan tiến hành một số công việc hết sức cần thiết, nhằm chuẩn bị cho tình huống xấu nhất xảy ra. Đêm 28/8/1969, tại trụ sở cơ quan Cục Cảnh vệ (nay là Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) khi đó đặt tại số 1, Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn triệu tập một cuộc họp đột xuất để bàn việc chuẩn bị một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và bí mật. Thành phần cuộc họp có lãnh đạo Bộ Công an, lãnh đạo Cục Cảnh vệ, Giám đốc Công an Hà Nội và một số đồng chí khác. Những người tham dự cuộc họp này đều cảm nhận một bầu không khí nặng nề và sự lo âu trên nét mặt Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn. Mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng thông báo sơ lược về diễn biến sức khỏe của Bác. Sau đó, Bộ trưởng phân công nhiệm vụ cho từng lực lượng phải chuẩn bị một số công việc cụ thể nhưng hết sức khẩn trương và tuyệt đối bí mật. Tuy đồng chí Bộ trưởng không nói rõ song những người dự họp đều cảm nhận được rằng sức khỏe của Bác đó giảm sút nhiều và đã đến lúc Bác về với các cụ Lênin, Các Mác. Có đồng chí được giao nhiệm vụ, phải làm gấp sau này xúc động nói: “Khi được phân công công việc tôi chỉ biết chỉ đạo và tổ chức hoàn thành thật tốt. Thực tình tôi không biết làm việc đó để làm gì. Không ngờ việc tôi được phân công làm là để phục vụ cho một chuyến đi xa mãi mãi của Bác”. Sáng 2/9/1969, bên trong căn nhà hầm (nhà mái bằng có cửa vào hầm tránh máy bay ném bom) giản dị, cách nhà sàn của Bác không xa, trên chiếc giường gỗ đơn sơ, Bác nằm thanh thản. Vây quanh giường Bác là các bác sỹ, các chuyên gia y tế và các đồng chí trong Bộ Chính trị. Trên mặt người nào cũng đậm nét u buồn, nhưng ai cũng hy vọng một điều kỳ diệu có thể xảy ra. Đến khi đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác, ngồi ở phía đầu giường ngừng tay quạt, gục đầu xuống khóc nức nở thì cả căn phòng như lặng đi, tất cả chìm ngập trong một nỗi đau quá lớn bởi ai cũng hiểu đó là thời khắc trái tim Bác đã ngừng đập. Tuy vậy, các bác sỹ vẫn gắng hết sức, cố gắng làm những động tác chuyên môn, xoa bóp, trợ tim để hy vọng... một niềm hy vọng tuy mỏng manh nhưng vô cùng mãnh liệt. Mãi một giờ sau, trái tim Bác vẫn không đập trở lại, đồng chí Phạm Văn Đồng mới đau đớn ra hiệu cho các bác sỹ ngừng hô hấp nhân tạo để Bác được yên nghỉ. Giờ phút bi thương đó, xung quanh Bác là những người đồng chí, những người học trò xuất sắc đang và sẽ kế tục xứng đáng ngọn cờ của Người. Sau khi Bác mất, mọi công việc diễn ra rất khẩn trương theo đúng kế hoạch được xây dựng tỷ mỉ từ trước. Khoảng trưa ngày mùng 2/9/1969 một đoàn xe đưa Bác về Quân y Viện 108 để tổ y tế đặc biệt tiến hành công tác y tế và làm các biện pháp bảo quản thi hài Bác. Bảo vệ lễ tang của Bác Theo sự chỉ đạo của Ban Tổ chức lễ tang, Tiểu ban bảo vệ lễ tang Nhà nước được thành lập do Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị - Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn làm Trưởng tiểu ban, Cục trưởng Cục Cảnh vệ Hoàng Hữu Kháng là ủy viên thường trực và một số đồng chí khác. Tiểu ban bảo vệ giao cho Cục Cảnh vệ xây dựng phương án bảo vệ, phối hợp với các lực lượng liên quan như quân đội, Công an thành phố Hà Nội, Công an nhân dân vũ trang (Trung đoàn 600 là chủ yếu) và một số vụ, cục nghiệp vụ khác của Bộ Công an. Toàn bộ kế hoạch bảo vệ từ khâu đón, tiễn khách quốc tế, tổ chức hướng dẫn các đoàn đại biểu trong nước về dự lễ viếng và truy điệu đến việc chuẩn bị băng tang, giấy tờ, phù hiệu ra vào khu vực, mục tiêu bảo vệ được gấp rút tiến hành chu đáo. Được vinh dự bảo vệ và phục vụ Bác Hồ, nên cán bộ, chiến sỹ cảnh vệ rất gần gũi với Bác và thường xuyên được Bác giáo dục, rèn luyện. Ngày Bác đi xa, cũng như mỗi người dân Việt Nam, anh em cảnh vệ bàng hoàng tiếc thương Bác với tình cảm vô hạn... Đồng chí Hoàng Hữu Kháng - nguyên Cục trưởng Cục Cảnh vệ, người vinh dự được Bác đặt tên và bảo vệ Bác từ tháng 5/1945 cho đến khi Người qua đời kể lại: “Ngày Bác về cõi vĩnh hằng, Phủ Chủ tịch trái tim của cả nước như ngưng lại vì nỗi đau khôn tả. Anh em cảnh vệ chúng tôi cảm thấy bốn bề như lắng lại để tiễn đưa một vì tinh tú về trời, trong lòng cảm thấy trống trải, chơi vơi. Khóc vì biết rằng Bác đã ra đi mãi mãi nhưng kỷ niệm về Người thì gần gũi đến lạ lùng. Nhìn đâu cũng thấy bóng Bác như còn đâu đây. Ai nấy cố nuốt nước mắt vào trong, khẩn trương bắt tay vào triển khai nhiệm vụ bảo vệ lễ tang Bác...”. 6 giờ sáng ngày 4/9/1969 trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam đã truyền đi bản thông cáo đặc biệt của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Quốc hội, Hội đồng Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam báo tin cho đồng bào, chiến sĩ cả nước biết Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ trần. Tối ngày 5/9/1969 Đài Tiếng nói Việt Nam thông báo danh sách Ban Tổ chức lễ tang và thời gian tiến hành lễ viếng thì cũng là lúc tổ y tế đặc biệt chuẩn bị đưa Bác về Hội trường Ba Đình. 6 giờ ngày 6/9/1969 lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu được tổ chức, Hội trường Ba Đình chất đầy vòng hoa lớn, những trái cây của bạn bè quốc tế và đồng bào các dân tộc mang về đây dâng lên anh linh của Người. Trên bục sân khấu Hội trường Ba Đình, Bác nằm trong lăng kính trong suốt, da dẻ hồng hào như trải qua một ngày làm việc, đang yên tĩnh trong giấc ngủ. Người mặc bộ ka ki giản dị thường ngày, bên ngoài là đôi dép cao su quen thuộc. Chiều 9/9/1969, lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh được cử hành trọng thể và trang nghiêm với lòng thành kính và biết ơn vô hạn với Bác, trên 33 vạn đồng bào chiến sĩ cả nước và hơn 40 đoàn đại biểu các nước trên thế giới đến kính viếng và dự lễ truy điệu Người. Sau khi đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam nghẹn ngào đọc Di chúc của Bác và Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, cả rừng người trên quảng trường như cùng òa lên khóc. Cho đến nay, lực lượng cảnh vệ vẫn tiếp tục nhiệm vụ, bảo vệ giấc ngủ của Người. Xứng đáng với sự tin yêu của Bác. Nguyễn Đức Quý

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/home/20091015084735563p0c1000/nhiem-vu-cuoi-truoc-khi-bac-mat.htm