Nhậu nhầm so biển 4 người cùng nhập viện

Sau khi ăn 2 con so mà tưởng nhầm sam biển, 4 người dân ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An đã có biểu hiện bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu.

Bác sĩ Thơ hỏi thăm tình trạng bệnh nhân bị ngộc độc so biển. Ảnh: K.Q

Sáng 3.6, Th.S, BS Võ Ngọc Anh Thơ, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thông tin về ca bệnh trên. Theo đó, ngày 1.6, Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận 4 bệnh nhân cùng ngụ ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An trong tình trạng tê tay tê chân, chóng mặt, đi đứng loạng choạng.

Theo người nhà, khoảng 2 giờ trước đó, 4người dân này đã nhậu trứng của một loại hải sản có hình dạng giống con sam biển được mang về từ huyện Cần Giờ TPHCM.

Ngay sau khi ăn hải sản này, họ đã phát hiện có những dấu hiệu bất thường thì nghĩ ngay đến chuyện bị ngộ độc. Họ được người thân đưa đến Bệnh viện địa phương để cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành kích thích nôn cho bệnh nhân rồi chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục điều trị.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân đã không thể vận động, khó thở, khó nói… Sau 24 giờ điều trị hồi sức, sức khỏe của các bệnh nhân đã được cải thiện. 1 người đã xuất viện, 3 người còn lại sẽ xuất viện trong hôm nay.

Theo BS Anh Thơ, cả 4 bệnh nhân này bị ngộ độc do chất Tetrodotoxins có trong con so biển. Những người dân này đã nhầm lẫn so với sam biển bởi hình dạng hai loài này khá giống nhau. Đây không phải là trường hợp nhầm lẫn hiếm có, mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận khoảng 10 ca ngộ độc do so biển. Trong năm 2013 và 2015, có 1 bệnh nhân tử vong.

So biển có tên khoa học là Carcinoscorpius rotundicauda, chứa độc tố Tetrodotoxin (giống độc tố tồn tại trong cá nóc). Độc tố này gây nên các biểu hiện về thần kinh như tê môi, lưỡi, tê tay chân, suy hô hấp, trụy tim mạch. Trường hợp nặng có thể tử vong. Hiện nay chưa có thuốc điều trị giải độc tố này, bệnh nhân thường được điều trị hỗ trợ để cải thiện sức khỏe.

Theo BS Anh Thơ, để phòng tránh ngộ độc so biển, người dân nên phân biệt giữa so biển và sam biển. So biển có nhiều người gọi là sam nhỏ. Nhưng sam khi trưởng thành có kích thước lớn hơn (khoảng 3-4kg), so biển có kích thước khoảng 1kg. Đặc trưng để phân biệt hai loài này là ở đuôi. Đuôi sam biển có gờ rất rõ, khi cắt ngang thì có hình tam giác. Đuôi của so tròn và khi cắt ngang thì tiết diện hình tròn.

* Clip: Lời kể của người nhà bệnh nhân bị ngộ độc so biển.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/nhau-nham-so-bien-4-nguoi-cung-nhap-vien-558502.bld