Nhật, Trung sầm sập lao đến bờ vực chiến tranh

Tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông đang leo thang chóng mặt, đầu tiên là từ những cuộc “chạm trán” của các tàu phi quân sự, các cuộc đụng độ nguy hiểm của tàu tuần tra, tàu chiến đến những cuộc rượt đuổi nghẹt thở giữa máy bay không được trang bị vũ khí rồi đỉnh cao là cuộc đối đầu lần đầu tiên giữa chiến đấu cơ hai nước.

-

Trung Quốc tập trận ở biển Hoa Đông

Tiếp theo những diễn biến leo thang nói trên, Trung Quốc và Nhật Bản trong thời gian qua đang cấp tập và rầm rộ triển khai nhiều bước đi quân sự đáng lo ngại. Song song với đó, giới lãnh đạo dân sự cũng như quân sự của hai nước còn “tung” ra một loạt lời cảnh báo cứng rắn và đầy sắc lạnh. Dường như, hai cường quốc hàng đầu Châu Á đang sầm sập lao đến bờ vực của một cuộc chiến tranh khủng khiếp.
Từ các bước triển khai quân sự rầm rộ...

Trong bất kỳ cuộc tranh chấp nào, những động thái quân sự bao giờ cũng khiến người ta lo ngại nhất. Thế mà chỉ trong vỏn vẹn 10 ngày qua, Trung Quốc và Nhật Bản đã liên tiếp có những bước đi quân sự rầm rộ, khiến cuộc tranh chấp giữa họ ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trở nên nóng bỏng khó lường.
Hôm 27/1, trong một động thái thể hiện sự không khoan nhượng trước Trung Quốc, Nhật Bản đã thông báo kế hoạch tăng số lượng quân nhân lớn nhất từ trước đến nay. Hiện tại, số quân nhân ở Nhật Bản là 225.000 người. Theo kế hoạch, Nhật Bản dự định sẽ tăng thêm 287 quân nhân trong năm tài chính tới, bắt đầu từ tháng 4 tới. Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori onodera cho biết, đợt tăng quân trên là lớn nhất trong vòng 2 thập kỷ trở lại đây và nó nhằm mục đích giúp Nhật Bản củng cố vững chắc các hoạt động giám sát ở khu vực tây nam.
Ngoài tăng quân, Nhật Bản cũng đã tăng ngân sách quốc phòng thêm 40 tỉ yên (tương đương 440 triệu USD). Đây là lần đầu tiên trong 11 năm trở lại đây, Tokyo tăng chi tiêu quốc phòng.
Tiếp đó, đúng một ngày sau thông báo tăng quân và tăng chi phí quốc phòng, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tuyên bố sẽ tiến hành giám sát, theo dõi 24/24 vùng không phận trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở quận Okinawa. Nhật còn phái cả máy bay được trang bị hệ thống radar đến vùng tranh chấp trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn các vụ xâm nhập của máy bay Trung Quốc vào đây.
Chưa hết, một trong những động thái quân sự của Nhật Bản khiến Trung Quốc lo ngại nhất trong thời gian gần đây chính là việc nước này thiết lập một đơn vị đặc nhiệm gồm 600 thành viên. Lực lượng này sẽ đặc trách thực hiện những nhiệm vụ ở tuyến đầu trong vùng lãnh hải “đầy sóng gió” quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư – nơi tàu thuyền và máy bay Trung Quốc thường xuyên “khuấy đảo”.
Cùng với việc lập đội đặc nhiệm chuyên trách, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển cũng triển khai thêm 12 tàu đến quần đảo tranh chấp ở Ishigaki, quận Okinawa. Trong số này sẽ có 10 tàu tuần tra mới và 2 tàu khu trục có thể mang theo trực thăng.
Tất cả những bước đi quân sự dồn dập và liên tiếp trên của Nhật Bản đã khiến Trung Quốc phải “giật mình” lo ngại. Ngay lập tức, Trung Quốc cũng đã có một loạt những “đòn” đáp trả mạnh mẽ. Hôm 30/1, Trung Quốc đã điều tàu tuần tra lớn nhất thế giới với lượng choán nước 15.000 tấn đến khu vực tranh chấp với Nhật Bản.
Tàu Ngư chính 88 (Yuzheng 88) – chiếc tàu tuần tra có trọng tải hơn chục nghìn tấn đầu tiên của Trung Quốc – sẽ được triển khai đến khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhiệm vụ của con tàu này được tuyên bố là để giám sát các hoạt động đánh bắt cá gần quần đảo tranh chấp. Tàu Ngư chính 88 dài 171,4m, rộng 24,8m, có khả năng thực hiện một hành trình liên tục dài tới 10.000 hải lý và có lượng choán nước lên tới 15.000 tấn.
Sau khi đưa tàu “khủng” ra biển Hoa Đông, Trung Quốc còn tổ chức một cuộc tập trận rầm rộ với sự tham gia của 3 tàu chiến thuộc Hạm đội Bắc Hải Trung Quốc ở vùng biển. Cuộc tập trận này mang nội dung đầy hàm ý gồm các cuộc đối đầu trên biển, chiến đấu di động xa bờ, thực hiện các nhiệm vụ thi hành pháp luật và chỉ huy hải quân ngoài khơi xa.
Sở dĩ nói Trung Quốc và Nhật Bản rầm rập lao đến bờ vực chiến tranh là vì hai nước này không dừng lại ở những bước đi quân sự mà còn “tung” khói mịt mù bằng những phát biểu đầy hiếu chiến.
... ... đến những lời cảnh báo sắc lạnh
Hôm 20/1, Thiếu tướng Peng Guangqian thuộc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc đã lớn tiếng tuyên bố: “Việc Nhật Bản muốn bắn cảnh cáo bằng đạn lửa vạch đường như một cách để đe dọa Trung Quốc không khác gì một trò đùa. Trò đùa đó cho thấy sự ngớ ngẩn và không biết giới hạn của họ. Bắn đạn lửa vạch đường là một hành động khiêu khích. Đó sẽ được coi là hành động nổ súng đầu tiên. Nếu Nhật Bản dám bắn đạn lửa vạch đường, đồng nghĩa với việc nổ phát súng đầu tiên, Trung Quốc sẽ không thể không phản ứng và sẽ không để họ bắn đến phát đạn thứ hai”.
Để minh họa cho lời đe dọa trên, Trung Quốc đã cho công bố một loạt hình ảnh về chiếc tàu khu trục 052 của Hạm đội Đông Hải vừa tham gia các cuộc tập trận bắn đạn thật ở vùng biển tranh chấp. Các cuộc tập trận này dựa trên kịch bản chiến đấu thực sự và liên quan đến cả Hạm đội Đông Hải lẫn Nam Hải. Ngoài một loạt các chiến đấu cơ và tàu nổi, tờ Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam đưa tin, đây là lần đầu tiên lực lượng không quân thuộc Hải quân Trung Quốc bắn tên lửa không đối không ở ngoài vùng biển xa.
Đáp lại, tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mới đây cũng vừa lên tiếng cam kết sẽ bảo vệ quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trước mối đe dọa từ Trung Quốc bằng mọi giá.
"Môi trường an ninh xung quanh đất nước chúng ta đang ngày một trở nên nghiêm trọng bởi chúng ta đang phải đối mặt với sự khiêu khích nhằm vào các quyền chủ quyền đối với lãnh thổ của chúng ta. Tôi sẽ là dẫn dắt tất cả chúng ta đứng lên chống lại mối nguy hiểm hiện nay và bảo vệ tính mạng cũng như tài sản của người dân Nhật Bản cũng như đất đai, vùng biển và bầu trời của chúng ta bằng mọi giá", ông Abe tuyên bố.
Rõ ràng, giới lãnh đạo của cả Trung Quốc và Nhật Bản thực tâm đều không muốn xảy ra chiến tranh bởi họ hiểu hơn ai hết hậu quả mà cuộc chiến này để lại cho mỗi nước. Tuy nhiên, với những hành động và lời nói cứng rắn liên tiếp mà hai bên đưa ra trong những ngày gần đây, nguy cơ xảy ra chiến tranh ngày một hiển hiện rõ ràng hơn. Đến một lúc nào đó, bản thân Bắc Kinh và Tokyo cũng không thể kiểm soát nổi các diễn biến căng thẳng giữa hai nước và khi đó thì chẳng ai có thể nói được điều gì.

Kiệt Linh

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/vn/quoc-te/tin-tuc/17_686446/nhat_trung_sam_sap_lao_den_bo_vuc_chien_tranh.html