Nhật tố tàu Trung Quốc tiến vào quần đảo tranh chấp

Nhật Bản cho rằng tàu hải cảnh Trung Quốc đã tiếp cận quần đảo tranh chấp giữa Tokyo và Bắc Kinh ở biển Hoa Đông lần thứ hai trong vòng chưa đầy 1 tuần.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) ngày 25/9 cho biết 4 tàu hải cảnh của Trung Quốc đã đi vào vùng biển xung quanh quần đảo tranh chấp mà Tokyo gọi là Senkaku và Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.

Theo JCG, vụ việc xảy ra vào khoảng 10h ngày 25/9 (giờ địa phương), các tàu Trung Quốc đã di chuyển vào khu vực trên theo hướng tây nam. JCG nêu rõ đây là lần thứ hai 4 tàu Trung Quốc nói trên đi vào vùng biển này kể từ ngày 21/9.

Một tàu hải cảnh của Trung Quốc. Ảnh: AP.

Ngay sau khi phát hiện vụ việc, JCG lập tức phát lệnh cảnh báo yêu cầu 4 tàu này rời khỏi lãnh hải của Nhật Bản và tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động của các tàu nói trên.

Trong khi đó, Cục Hải dương Trung Quốc thông báo 4 tàu hải cảnh mang số hiệu 2307, 2305, 2337 và 2106 đã thực hiện hoạt động tuần tra định kỳ ở vùng biển Trung Quốc ngoài khơi quần đảo trên.

Vị trí quần đảo SenkakU/Điếu Ngư, đối tượng tranh chấp giữa Tokyo và Bắc Kinh nhiều năm qua. Đồ họa: Daily Mail.

Quần đảo Senkaku hay còn gọi là Điếu Ngư là một nhóm đảo không người do Nhật Bản kiểm soát ở Hoa Đông. Các đảo nằm về phía đông của Trung Quốc, phía bắc vùng lãnh thổ Đài Loan, phía tây đảo Okinawa và ở phía bắc cực tây nam của quần đảo Ryukyu. Quần đảo gồm có 5 đảo không có người ở và 3 bãi đá trơ giữa biển, diện tích từ 800 m2 đến 4,32 km2.

Tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc về quần đảo Senkaku/Điều Ngư khiến mối quan hệ giữa hai nước xấu đi. Căng thẳng thực sự bùng phát khi chính phủ Nhật Bản quyết định quốc hữu hóa 3 hòn đảo thuộc đảo Senkaku/Điếu Ngư vào tháng 4/2012. Trung Quốc ngay lập tức tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo.

Từ năm 2012 đến nay, các tàu của Trung Quốc thường đến gần khu vực tranh chấp, động thái khiến Nhật Bản lo ngại Bắc Kinh có thể đang leo thang các hành động tại Hoa Đông.

VIDEO: Tàu sân bay trực thăng Izumo của Nhật Bản

Tàu Izumo được chế tạo cho nhiệm vụ chống ngầm, chở quân, tìm kiếm cứu nạn và một số hoạt động khác. Nhật Bản không hoạt động tàu sân bay tấn công kể từ sau Thế chiến 2.

Ngụy An

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhat-to-tau-trung-quoc-tien-vao-quan-dao-tranh-chap-post782414.html