Nhất nghệ tinh

Sau một thời gian say sưa chạy đua mở rộng lĩnh vực kinh doanh đa ngành nghề để tăng doanh thu, lợi nhuận đến nỗi sao nhãng cả ngành nghề chính kèm theo cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến nhiều công ty, tập đoàn tên tuổi giật mình.

Nếu như xu hướng kinh doanh đa ngành nghề nở rộ đến đỉnh điểm cách đây 2 năm thì gần đây, nhiều “đại gia” đã bán lại nhà máy hay dự án đầu tư “tay trái” một cách âm thầm hoặc có công bố thì cũng đặt dưới hình thức “chuyển nhượng dự án” để tập trung vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi của mình. Cách đây 2 tuần, Công ty Cổ phần Sữa VN (Vinamilk) công bố chuyển nhượng dự án nhà máy cà phê có tổng vốn đầu tư gần 20 triệu USD cho Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên với thông điệp “để tập trung phát huy thế mạnh vào ngành công nghiệp sản xuất sữa”. Trước đó, Vinamilk cũng đã chuyển nhượng lại toàn bộ phần góp vốn trong Công ty Liên doanh SABMiller VN cho đối tác liên doanh - Công ty SABMiller Asia Ple. Tổng Công ty Thuốc lá VN cũng nhượng lại 15% cổ phần bia trong liên doanh sản xuất bia với một đối tác nước ngoài... Một xu hướng tích cực nữa là nhiều tập đoàn đa ngành của VN đã giảm đối thủ cạnh tranh, tăng thị phần thông qua việc mua bán, sáp nhập (M&A) với các “đối thủ” cùng ngành nghề. Điển hình là vụ M&A trên thị trường chứng khoán giữa Kinh Đô với Tribeco; Công ty CP Xi măng Hà Tiên 2 sáp nhập với Công ty CP Xi măng Hà Tiên 1... Theo các chuyên gia, ở VN, không phải là khâu sản xuất mà là khâu phân phối đem lại lợi nhuận, thị phần của doanh nghiệp. Do vậy, sự sáp nhập giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề hay sự tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính là quyết định khôn ngoan. Dự báo, xu hướng M&A trong năm nay sẽ tiếp tục gia tăng, tập trung vào các nhóm sản xuất; ngành hàng tiêu dùng nhanh; giải trí, truyền thông; dịch vụ tài chính, bất động sản... Sự lung lay của Vinashin do đầu tư tràn lan, kém hiệu quả; sự thua lỗ, mất vốn do đầu tư “nóng” vào lĩnh vực tài chính, bất động sản của nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước... là bài học sống động cho chân lý của cha ông: Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Chỉ có tập trung đầu tư chiều sâu vào ngành nghề cốt lõi mới có thể cạnh tranh, tồn tại.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/20100926093530149p0c1014/nhat-nghe-tinh.htm