Nhật muốn chính quyền Trump hiểu vai trò của Mỹ ở khu vực

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản Yasuhisa Kawamura cho biết nước này muốn cùng Việt Nam, ASEAN giúp ông Donald Trump hiểu vai trò của Mỹ ở khu vực.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản Yasuhisa Kawamura. Ảnh: Tiến Tuấn.

Trong cuộc trao đổi riêng với Zing.vn tại Hà Nội sau chuyến thăm của Thủ tướng Abe, ông Kawamura đưa ra những chia sẻ về quan hệ song phương cũng như là tình hình khu vực.

- Thủ tướng Shinzo Abe từng nói TPP sẽ không có ý nghĩa nếu không còn Mỹ. Nhật Bản có tiếp tục hiệp định này nếu ông Trump rút khỏi hiệp định vào ngày 20/1 tới sau khi nhậm chức?

- Ngày hôm qua, Thủ tướng Shinzo Abe và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều đồng ý thúc đẩy hợp tác thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Nhật Bản là thành viên tích cực trong đàm phán, xây dựng TPP. Tháng trước, Nhật Bản đã thành nước thứ hai chính thức phê chuẩn TPP sau New Zealand. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nói rằng Việt Nam cũng đang trong quá trình thúc đẩy thông qua hiệp định TPP.

Điều cốt yếu là những nước ủng hộ TPP trong đó có Việt Nam và Nhật Bản sẽ làm hết sức để đưa TPP sớm có hiệu lực. Đó cũng là điều được các bên ký kết TPP nhất trí tại tuần lễ cấp cao APEC tổ chức tại Lima (Peru) hồi tháng 11/2016. Cam kết đó vẫn đang được duy trì và hiệu lực.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật, châu Á đang trải qua một chương đặc biệt, các nước cần đoàn kết, kiên định rằng thương mại tự do là tiền đề cho thịnh vượng. Ảnh: Tiến Tuấn.

Vai trò quan trọng của Mỹ ở khu vực

- Ông nghĩ thế nào về tương lai của TPP khi cam kết từ Mỹ, đối tác lớn nhất, hiện chưa rõ ràng. Điều đó có tác động tiêu cực nào đến tính hiệu quả của Hiệp định TPP hay không?

- Thủ tướng Abe nói rằng vai trò của Mỹ rất có ý nghĩa đối với việc thúc đẩy TPP. Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump vẫn chưa nhậm chức, chúng ta chưa thể biết ông ấy sẽ thực thi chính sách đối ngoại như thế nào.

Châu Á - Thái Bình Dương đang trải qua một chương đặc biệt, các nước khu vực cần đoàn kết, tự tin và kiên định với quan điểm rằng tự do thương mại là tiền đề cho thịnh vượng của khu vực.

Bản thân TPP bao gồm nhiều hiệp định tiên tiến của thế kỷ 21, trong đó có sự minh bạch về các quy tắc thương mại, đầu tư và quyền sở hữu trí tuệ (IPR). Về tổng quan, TPP được trông đợi đóng vai trò dẫn đầu trong việc xây dựng hình mẫu về hợp tác thương mại tốt hơn trong tương lai, ví dụ như hiệp định RCEP. TPP nên đóng vai trò hình mẫu cho các cơ chế khác.

- Liên quan tới an ninh, ổn định và thịnh vượng của khu vực, cân bằng quyền lực là rất quan trọng. Chúng ta có thể thấy sự trỗi dậy của Trung Quốc, và cùng lúc đó Donald Trump đắc cử với mối lo về khả năng Mỹ sẽ giảm hiện diện tại khu vực châu Á. Nhật Bản sẽ phản ứng với sự thay đổi cán cân quyền lực này như thế nào?

- Hôm qua, Thủ tướng Abe và Thủ tướng Phúc đã nhất trí vai trò quan trọng của Mỹ đối với hòa bình, ổn định khu vực, cũng như việc ông Trump hiểu được vị trí mà Mỹ được kỳ vọng ở khu vự này.

Năm nay, kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN và APEC sẽ được tổ chức tại Việt Nam. Có rất nhiều hoạt động giúp Mỹ thấy vai trò chủ động và thực tế của mình tại khu vực này. Vai trò đó nên được thể hiện tại những sân chơi quốc tế kiểu này như ASEAN hay APEC.

Hôm qua, Thủ tướng Abe cũng nói rằng, trong việc giúp nước Mỹ hiểu rõ về vai trò của họ ở khu vực này, APEC là một trong những cơ hội để gây ấn tượng với ông Donald Trump. Chúng tôi không xem đó là việc gây sức ép với ông Trump mà là giúp ông ấy hiểu về kỳ vọng và vai trò thực tế của Mỹ với khu vực này.

Theo quan điểm của Nhật, hợp tác an ninh phải là con đường hai chiều. Ảnh: Tiến Tuấn.

Hơn nữa, các nước phải đối mặt với thách thức liên tục liên quan đến an ninh hàng hải, ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Trong cuộc hội đàm hôm qua, Nhật Bản và Việt Nam đã nhất trí về tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình và ổn định, của luật pháp quốc tế và giải pháp hòa bình.

Về tranh chấp chủ quyền giữa ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản cho rằng hai bên nên đối thoại về vấn đề Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.

Đương đầu với những hoạt động phá vỡ nguyên trạng

- Trong trường hợp tệ nhất, khi cam kết châu Á và sự hiện diện của Mỹ ở khu vực giảm, liệu Nhật Bản có chuẩn bị để trở nên chủ động hơn và lấp khoảng trống của cấu trúc quyền lực trong khu vực?

- Không có cái gọi là được ăn cả, ngã về không trong chính sách khu vực. Tình hình hiện tại còn chưa rõ ràng và chắc chắn về mặt chính sách của Mỹ. Tuy nhiên, không có bất cứ quốc gia nào có thể một mình đóng vai trò lớn cả mà phải chung tay hợp tác với nhau.

Nhật Bản cho rằng liên minh với Mỹ vẫn sẽ là nền tảng trong chính sách ngoại giao của chúng tôi cũng như trong an ninh quốc phòng của khu vực. Chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại, hợp tác chặt chẽ với chính quyền của ông Trump sau lễ nhậm chức vào ngày 20/1. Mối liên minh Nhật - Mỹ sẽ được củng cố nhằm duy trì an ninh, thịnh vượng và hòa bình trong khu vực.

- Việt Nam là một trong những nước đầu tiên Thủ tướng Abe đến thăm trong đầu năm mới. Ý nghĩa của chuyến thăm này?

- Chúng ta cùng chia sẻ những giá trị chiến lược cơ bản: tự do đi lại, tự do thương mại, thượng tôn pháp luật. Đó là những nguyên tắc gắn kết lợi ích của hai đất nước. Như Thủ tướng Abe đã đề cập hôm qua, Việt Nam là một trong những nước quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản ở châu Á - Thái Bình Dương. Đó là lý do vì sao ông ấy chọn Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tiên trong năm 2017.

Hiện hai nước đối mặt những thách thức ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm nỗ lực thay đổi nguyên trạng ở khu vực, bao gồm Biển Đông và Biển Hoa Đông. Những hoạt động phá vỡ nguyên trạng đó vẫn đang diễn ra, thậm chí tồi tệ hơn.

Chúng ta phải đương đầu với các thách thức đó bằng những quan điểm chắc chắn và mạnh mẽ.

Xét trên phương diện đó, TPP là một công cụ chính sách quan trọng để hiện thực hóa các giá trị ấy. Đối với duy trì và bảo vệ hệ thống thương mại tự do, tôi nghĩ TPP là biện pháp tốt nhất mà chúng ta xây dựng được từ trước tới nay, chưa có phương án nào thay thế hiện nay. Do đó, chúng ta cần phải tiếp tục theo đuổi, giữ vững và cam kết thực hiện TPP.

Thủ tướng Shinzo Abe đã có chuyến thăm thành công tới Việt Nam. Ảnh: Tiến Tuấn.

Tàu Nhật tiếp tục vào Cam Ranh

- Bên cạnh hợp tác thương mại, Việt Nam và Nhật Bản cũng có thảo luận về hợp tác quân sự, quốc phòng. Xin ông cho biết thông tin cụ thể về hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Nhật Bản?

- Hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe đã nhất trí việc Nhật Bản sẽ cung cấp 6 tàu tuần tra mới cho Việt Nam, một nội dung trong thỏa thuận ODA mới giữa hai nước có giá trị 120 tỉ yên cho Việt Nam.

Lãnh đạo hai bên đã nhất trí Nhật Bản sẽ tiếp tục hợp tác nâng cao năng lực thực thi pháp luật của Việt Nam trên biển, bao gồm lực lượng cảnh sát biển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhắc đến tầm quan trọng của việc thúc đẩy, tăng cường hợp tác trong việc chuyển giao thiết bị và công nghệ cao liên quan đến quốc phòng. Hai nước đang tiếp tục đàm phán về vấn đề này. Đây vẫn là câu chuyện của tương lai.

- Diễn dịch hiến pháp mới của Nhật đã mở đường cho việc tàu Nhật có thể tuần tra ở biển Đông? Việc này sẽ có thể mở rộng và bao giờ quân đội Nhật sẽ tiến hành việc tuần tra này ở biển Đông?

- Hiến pháp Nhật Bản chưa được sửa đổi và có quy định riêng của nó. Đây không phải là vấn đề chỉ thuộc về chính quyền hay chính phủ, mà là sáng kiến của Quốc hội. Chúng tôi cũng đang theo dõi rất sát. Và nó còn phụ thuộc vào ý chí của người dân Nhật.

- Nhật Bản có kế hoạch tuần tra trên biển không, nhất là trong những khu vực tranh chấp, giống như Mỹ đang làm không?

- Chúng tôi ủng hộ hoạt động tự do hàng hải của Mỹ. Chúng tôi chưa có kế hoạch tham gia các hoạt động này cùng Mỹ. Nhưng như bạn biết, lực lượng phòng vệ của Nhật Bản và lực lượng của Việt Nam đang có kế hoạch tập trận trên biển và một số hoạt động tại cảng Cam Ranh.

Chúng tôi chưa có kế hoạch cụ thể cho tương lai, như tôi hy vọng sự duy trì sự hợp tác này.

- Nhật Bản là một trong những nước đầu tiên có tàu quân sự đầu tiên đến Cam Ranh. Ông có thể cho biết thêm về kế hoạch của lực lượng Nhật Bản tại cảng Cam Ranh?

- Chúng tôi chưa có kế hoạch cố định nào vào thời điểm này, nhưng vẫn sẽ có các hoạt động thăm viếng, tiếp liệu tại cảng Cam Ranh.

Tháng 4 và tháng 5 năm ngoái, tàu Nhật Bản đã vào Cam Ranh. Vào tháng 5, tàu Nhật lại ghé Cam Ranh lần nữa, trên đường tham gia tập trận rà phá bom mìn cùng với Mỹ.

- Nhật mong muốn Việt Nam đóng vai trò như thế nào đối với an ninh, hòa bình và ổn định của khu vực, với những cơ chế hợp tác khác nhau mà Việt Nam tham gia?

- Như những gì tôi đã nói về hợp tác, về Biển Đông cũng như an ninh hàng hải ở châu Á - Thái Bình Dương phải là hợp tác 2 chiều.

Với những chương trình nghị sự cùng nhau, chúng ta cùng trên một con thuyền. Và chúng tôi mong các bạn sẽ giữ vững và hiện thực hóa các cam kết ấy.

Phương Loan - Thế Long - An An

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nhat-muon-chinh-quyen-trump-hieu-vai-tro-cua-my-o-khu-vuc-post714378.html