Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng: Thành thực và sòng phẳng

Nguyễn Huy Tưởng viết nhật ký trước hết là một cách đào luyện mình trong văn, trong nghề. Đồng thời ông viết nhật ký để tự giãi bày.

Ông là một người cả nghĩ, bạn bè của ông vẫn thường viết về ông như vậy. Vì thế, nhật ký là nơi ông ký thác tâm sự của mình một cách thoải mái nhất, thành thực nhất, sòng phẳng nhất.

Người viết nhật ký chuyên tâm

Nguyễn Huy Tưởng là người viết nhật ký chuyên tâm. Đó là điều khẳng định đầu tiên khi tiếp xúc với "Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng". Trong 48 năm trên trần thế, ông đã có 30 năm hầu như liên tục viết nhật ký. Gia đình ông còn lưu giữ được gần như toàn bộ những cuốn nhật ký này.

Tròn 40 quyển, phần lớn được viết trên những cuốn vở đóng lấy hoặc mua sẵn, gồm trên 1.200 trang vi tính khổ A4. Từ những dòng đầu tiên, đề ngày 2/11/1930, của chàng học sinh trường Bonal Hải Phòng mới 18 tuổi; cho đến những dòng cuối cùng nhà văn viết ngày 21/6/1960, tại Bệnh viện Việt Xô, chỉ hơn một tháng sau ông qua đời vì bệnh hiểm nghèo. Ba tập sách do NXB Kim Đồng phát hành mới đây với 1.200 trang in có những phần bổ sung thêm so với lần in trước đây. Một trong số đó là phần nhật ký được nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết sau ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 gia đình mới tìm thấy.

Tập 1 mang tên: Đến với Văn chương và Cách mạng; tập 2 mang tên: Những năm kháng chiến; tập 3 mang tên: Nghệ sĩ và công dân. Cả 3 tập nhật ký đều do ông Nguyễn Huy Thắng, con trai nhà văn biên soạn.

Thành thực và sòng phẳng

Ngay từ khi ra đời thuộc phần trích dẫn trong "Tuyển tập Nguyễn Huy Tưởng" (NXB Văn học, 1996), nhật ký của ông đã gây được sự chú ý. Đến khi in thành 3 tập riêng ở NXB Thanh Niên, nó vẫn đầy sức hấp dẫn. Và lần ra mắt này, "Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng" vẫn tiếp tục được nhiều bạn đọc quan tâm tìm hiểu. Không chỉ với những người yêu văn chương, mà cả với những người nghiên cứu lịch sử, văn hóa, xã hội đều khai thác được từ đây nhiều nguồn tư liệu dồi dào, quý giá.

Mới đây, tại TP.HCM, CLB Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng do ông Phạm Thế Cường làm chủ nhiệm đã tổ chức kỷ niệm 5 năm thành lập. Nhân dịp này, CLB cũng đã tiến hành tọa đàm với chủ đề “Giá trị của Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng với hôm nay”.

Như trên đã viết, nhật ký là nơi nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ký thác tâm sự của mình một cách thoải mái nhất, thành thực nhất, sòng phẳng nhất. Nhật ký vốn ban đầu là của cá nhân ông nhưng đến với công chúng, nó đã trở thành tài sản chung cho xã hội, một tài sản quý giá vô cùng để hiểu về thế hệ ông, cả đời tư lẫn việc công.

Hãy đọc thử đoạn nhật ký ngày 10/6/1956 ông viết: “Quan hệ hành chính bao giờ cũng khó chịu. Quan hệ tư tưởng, quan hệ nghiệp vụ mới thoải mái. Trong văn nghệ, việc này càng rõ”.

Nguyễn Huy Tưởng không chỉ ghi chép sự kiện thông thường, ông còn gửi gắm vào đó những ý kiến cá nhân đầy tâm trạng: “Những cái công thức trong đời sống. Đời sống còn giả tạo. Còn đầy rẫy khuyết điểm. Ngay cái quan niệm về nghệ thuật. Những cái xộc xệch của cơ quan, những cái lố bịch trong đời sống. Xã hội còn bao nhiêu ấu trĩ. Nhưng thật ra, có đáng giận không? Có đáng buồn không? Chẳng nên có thái độ như thế. Cái chính vẫn là thương yêu”.

Vẫn là những mạch suy nghĩ, Nhật ký ngày 16/9/1956, Nguyễn Huy Tưởng viết: “Đả kích không hay ho gì, mà tiêu cực cũng không tốt (…) Vấn đề chính là mình góp phần gì của người trí thức (…) Người trí thức hồi thuộc Pháp có khí thế, mà nay không có gì cả. Thiếu văn hóa quá. Mà trí thức này thì làm sao mà có flame de la culture (nhiệt tình văn hóa)".

Nguyễn Huy Tưởng là vậy. Thành thực và sòng phẳng.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nhat-ky-nguyen-huy-tuong-thanh-thuc-va-song-phang-post177392.html