'Nhất định thầy sẽ vào rẫy lấy em về!'

Những chia sẻ buồn của thầy giáo dạy văn Ninh Văn Dậu trên trang Facebook cá nhân hồi đầu tháng 3 khiến nhiều người không khỏi ngậm ngùi.

Thầy Dậu là giáo viên chủ nhiệm của lớp 12A2 Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (xã la HDreh, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Câu chuyện mà thầy chia sẻ là về cậu học trò Ksor Gôi – người đã cương quyết bỏ học mặc dù thầy và các bạn đã nhiều lần đến nhà và lên tận rẫy để thuyết phục em quay trở lại trường.

Thầy Ninh Văn Dậu (áo đỏ) thuyết phục cậu học trò Ksor. Bức ảnh do cậu học trò đi cùng thầy chụp lại.

Chia sẻ với Vietnamnet, thầy Dậu cho biết hiện Ksor vẫn chưa tới lớp. “Do hôm nay đi công tác nên tôi chưa vào rẫy. Chắc là chiều mai tôi mới vào được” – thầy Dậu nói.

Quãng đường vào rẫy để thuyết phục cậu học trò là đường rừng dài gần 20km. Đến nay, thầy Dậu đã 3 lần lên rẫy nơi em đang phá mỳ để nói chuyện với học trò, ngoài những lần thầy đã tới nhà trước đó.

Thầy Dậu sinh năm 1982 đang chủ nhiệm có 41 học sinh, 100% là người dân tộc thiểu số Gia Rai. Hầu hết các em có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học lực yếu do xét tuyển đầu vào đều bằng học bạ.

“Riêng Ksor có học lực trung bình, khá hơn các bạn khác, nên trường hợp của em tôi rất tiếc và vẫn đang cố gắng để thuyết phục em”.

Gia đình Ksor làm rất nhiều mỳ, nhà có 5 anh chị em. Lý do khiến em quyết định bỏ học là vì “thấy người nhà đi làm khổ quá, thương mọi người nên ở nhà đi làm luôn”, mặc dù gia đình cũng động viên em quay trở lại lớp và bản thân em cũng rất muốn đi học.

“Tôi xót ruột lắm!” – thầy Dậu nhiều lần nhắc đến sự tiếc nuối với trường hợp của Ksor.

Từ đầu năm học đến giờ, thầy giáo này đã phải đi vận động tới 6 em đi học trở lại và đã thành công với 4 trường hợp. “Còn 2 em vẫn đang dang dở và tôi vẫn đang cố gắng” – thầy nói.

“Mỗi trường hợp là một hoàn cảnh khác nhau. Có em thì tảo hôn, nghỉ học, có em thì học yếu, em thì lười học. Trường hợp nào tôi đi vận động cũng rất thương các em, vì nhận thức các em không đầy đủ, điều kiện môi trường phát triển cũng không có, không có điều kiện tiếp xúc với thông tin như người Kinh. Gian nan lắm...”

Thầy Dậu cho biết, những lần đi vận động học trò, thầy phải dùng rất nhiều cách. Có khi là nhờ các cựu học sinh đã thành đạt, có công việc ổn định đi cùng. Nhiều học trò của thầy sau khi tốt nghiệp đã đi học nghề, mấy năm gần đây đã có những em đi học cao đẳng, đại học, có những em sau khi học xong về làm cán bộ xã.

Những dòng chia sẻ xúc động của thầy Ninh Văn Dậu về cậu học trò Ksor:

“Chiều nay cũng giống như bất cứ buổi chiều nào khác. Nhưng hình như không... Cái se lạnh của đất trời Krông Pa có giống như mọi năm không mà sao lòng thấy se sắt lắm. Cảm giác như vừa đánh mất điều gì đó.

Chỉ mới cách đây hơn một tuần em đã hứa với thầy, với cô Linh và với cả tập thể lớp 12A2 rằng em sẽ đi học lại. Trong đó có cả gia đình em chứng kiến. Và một tuần qua em đã đều đặn tới lớp. Thầy cảm thấy thật ấm lòng trong cái tiết trời đầy nghiệt ngã và rất khó ở của mảnh đất này.

Nhưng em biết không, hai ngày qua thầy tới sinh hoạt lớp không thấy em xuất hiện, thầy nhận thấy có gì đó không ổn! Và đúng như linh cảm của người đã từng đi qua những nốt trầm của cuộc đời. Cả lớp thông báo: em bỏ học!

Nghe tới đó lòng thầy nghẹn lại. Thế rồi buổi tối về thầy gọi, nhưng em không nghe máy. Thầy liên lạc với người nhà em để tâm sự và trao đổi thêm. Có lẽ họ cũng cảm nhận được phần nào ý định của thầy. Tuy nhiên, chốt lại vẫn là: em bỏ học!

...

Vậy là chiều nay thầy cùng với bạn Tức lại lên đường. Vượt qua con đường rừng gần 20km để vào được cái rẫy nhà em, tận bên trong lòng hồ Ia HDreh. Thầy thấm mệt, bạn Tức cũng thấm mệt... nhưng cũng chưa là gì so với hình ảnh lấm lem trên khuôn mặt đen đúa của em - hình ảnh lấm láp ấy gọi dậy tuổi thơ dữ dội của thầy. Khi gặp lại em, ngồi trao đổi tâm sự, thầy quên cả đoạn đường khó nhọc mà mình đã vượt qua.

Ngồi với thầy cả buổi, nhưng em không nói gì ngoài câu: “Em bỏ học thầy ạ!”.

Là người đứng trên bục giảng cả chục năm, chứng kiến không biết bao số phận học trò đã đi qua - những phận đời đầy mỏng manh và éo le, nhưng lòng thầy vẫn quặn lại đầy xót xa vì em. Và giờ đây thầy không muốn tâm hồn mình trở nên trống trải, thiếu hụt bởi bất kỳ sự vắng mặt một vị trí nào trong lớp.

...

Vậy tại sao em có thể bỏ học?

Thầy có nói gì em cũng không trả lời. Điều đó đồng nghĩa với việc em sẽ từ biệt cái chữ từ đây thật sao? Câu nói: “Em bỏ học thầy ạ!” làm đau một tâm hồn vốn rất nhạy cảm, dễ xúc động và đầy suy tư, trăn trở. Có lẽ nào thầy đã thất bại hoàn toàn?

Thầy và cả lớp vẫn đợi em. Nếu em vẫn chưa chịu vượt rẫy vượt rừng để trở về với trường với lớp, nhất định thầy sẽ vào rẫy “lấy” em về!”.

Nguyễn Thảo

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/nhat-dinh-thay-se-vao-ray-lay-em-ve-360170.html