Tàu sân bay Nhật 'giương oai' ở Biển Đông, Trung Quốc kêu gọi hợp tác

Reuters cho biết là tàu Izumo sẽ đi một vòng Biển Đông trong ba tháng, bắt đầu từ tháng 5 và Vịnh Subic của Philippines sẽ là một trong những chặng dừng của chiến hạm. Tàu Izumo cũng sẽ ghé Indonesia, Singapore và Sri Lanka, trước khi tham gia tập trận chung với các chiến hạm của Ấn Độ và Mỹ ở Ấn Độ Dương vào tháng 7.

Tàu sân bay Izumo của hải quân Nhật Bản

Tàu sân bay chở trực thăng lớn nhất của Nhật Bản kể từ Thế chiến thứ hai sẽ ghé thăm Philippines vào tháng 6 tới đây, theo tiết lộ của một đô đốc Philippines với báo chí hôm 27/3.

Theo trang mạng của nhật báo Inquirer, trung tướng hải quân Joseph Mercado cho biết Philippines đang chuẩn bị cho chuyến thăm của tàu chở trực thăng Izumo, nhưng chưa thể cho biết chi tiết vì còn đang phối hợp với hải quân Nhật Bản.

Trước đó, Reuters cho biết tàu Izumo sẽ đi một vòng Biển Đông trong ba tháng, bắt đầu từ tháng 5 và vịnh Subic của Philippines sẽ là một trong những chặng dừng. Tàu Izumo cũng sẽ ghé Indonesia, Singapore và Sri Lanka, trước khi tham gia tập trận chung với các chiến hạm của Ấn Độ và Mỹ ở Ấn Độ Dương vào tháng 7.

Với trọng tải 27.000 tấn, được trang bị để chống tàu ngầm và đổ bộ, tàu sân bay Izumo đã được đưa vào hoạt động từ năm 2005. Tuần trước, Nhật cũng đã đưa vào hoạt động tàu chở trực thăng lớn thứ hai mang tên Kaga, nâng cao khả năng của quân đội Nhật triển khai lực lượng ra bên ngoài, nhằm đối lại với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở châu Á.

Trong khi đó, hải quân Philippines vừa tiếp nhận 2 trong số 5 máy bay huấn luyện TC-90 mà chính phủ Nhật đã đồng ý cho Manila thuê để tuần tra trên biển. Những chiếc TC90 này sẽ giúp tăng cường khả năng của hải quân Philippines trong các chiến dịch cứu trợ nhân đạo và cứu hộ thiên tai, cũng như trong việc tuần tra bảo đảm an ninh và bảo vệ chủ quyền lãnh hải.

Nhật Bản đã đồng ý cho Philippines thuê các máy bay huấn luyện này vào năm 2016, với hy vọng sẽ giúp Manila bảo vệ chủ quyền trước những hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Hiện nay Tokyo chỉ có thể cho thuê các máy bay TC90 trong khi chờ có một đạo luật cho phép Nhật Bản bán các thiết bị quân sự cho nước ngoài.

Nỗ lực củng cố hợp tác quốc phòng giữa Nhật Bản với Philippines diễn ra giữa bối cảnh quan ngại trong khu vực gia tăng liên quan đến các hoạt động của Trung Quốc tại các vùng biển có tranh chấp bao gồm Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Phát biểu tại lễ bàn giao 2 máy bay hôm nay, thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kenji Wakamiya, nhấn mạnh: “Trong khi chúng ta đối mặt với nhiều vấn đề liên quan tới an ninh ở châu Á-Thái Bình Dương, kể cả ở Biển Đông, sự hợp tác của chúng ta với Philippines vì an ninh-ổn định khu vực hiện nay càng thiết yếu".

Nhật Bản cũng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Hoa Đông, cũng đang nỗ lực tăng cường quan hệ với các nước khác. Trung Quốc phản đối việc Philippines thuê máy bay Nhật gần như ngay lập tức sau khi tin này được thông báo hồi năm ngoái, dưới thời cựu Tổng thống Benigno Aquino.

Chiến hạm hải quân Nhật Bản dàn đội hình trên biển

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đảo ngược quan điểm cứng rắn của người tiền nhiệm đối với Trung Quốc, tìm cách hạ nhiệt căng thẳng tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông để công khai kêu gọi mậu dịch và viện trợ từ Bắc Kinh.

Mới đây, ông Duterte tuyên bố cởi mở trong vấn đề chia sẻ nguồn lực với Bắc Kinh tại các vùng biển có tranh chấp, đồng thời thừa nhận không thể ngăn chặn Trung Quốc xây dựng trên bãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh chiếm giữ từ tay Philippines vào năm 2012.

Trong một động thái khác, ngày 27/3 thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã kêu gọi Trung Quốc và các nước xung quanh Biển Đông nên lập ra cơ chế hợp tác để thúc đẩy trao đổi trong các nỗ lực từ cứu trợ thảm họa cho tới an toàn hàng hải. Phát biểu tại một cuộc hội thảo ở tỉnh đảo Hải Nam cuối tuần qua, ông Lưu cho rằng cơ chế hợp tác đó sẽ củng cố tin tưởng lẫn nhau và thúc đẩy hợp tác.

Thông tin trên được đưa ra giữa lúc hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp và điều động quân sự của Trung Quốc trong khu vực đang khiến cho các nước láng giềng quan ngại. Bắc Kinh cũng đang tìm cách trấn an các nước Đông Nam Á với các nỗ lực như thảo luận về Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông.

Phú Lộc -

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/bien-dong-tau-san-bay-nhat-giuong-oai-3-thang-trung-quoc-keu-goi-hop-tac-115968.html