Nhật Bản đóng vai trò hòa giải trong mối quan hệ Mỹ-Philippines

Thủ tướng Nhật Bản – ông Shinzo Abe – đang có sự chuẩn bị kỹ càng trước cuộc đón tiếp Tổng thống Philippines – ông Rodrigo Duterte.

Ngay sau chuyến thăm tới Trung Quốc, ông Duterte đã đáp máy bay xuống Tokyo ngày 25/10. Tại đây, vị Tổng thống Philippines sẽ có cuộc gặp mặt với ông Abe và các giám đốc cấp cao tại Nhật Bản.

Tuy nhiên, việc ông Duterte tuyên bố một cách không rõ ràng về sự chia rẽ với Mỹ - đồng minh số 1 của Nhật Bản – để quay sang ủng hộ Trung Quốc – đối thủ lớn nhất của Nhật Bản – khiến cho ông Abe rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Chuyên gia J. Berkshire Miller cho biết, về mặt tiêu cực, ông Abe đang trong thế khó khi phải tìm cách giải quyết những lời lẽ khoa trương ông Duterte nhắm vào nước Mỹ. Về mặt tích cực, Nhật Bản từ trước đến nay vẫn là đối tác thân thiết của Philippines và ông Abe có thể tận dụng tình hình này để tăng ảnh hưởng của mình tại đây.

Một điều chắc chắn là Thủ tướng Abe sẽ hạn chế các sự kiện công cộng trong chuyến thăm của ông Duterte nhằm hạn chế khả năng những phát ngôn có phần chưa đúng mực của vị tổng thống mới nhậm chức này. Trong các cuộc phát biểu trước truyền thông trước đó, ông Duterte đã nhiều lần có lời lẽ xúc phạm tới các vị lãnh đạo thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ đương nhiệm – ông Barack Obama.

Hầu hết các nhà phân tích cho rằng ông Abe đủ thông minh để trở thành nhà hòa giải trong mối quan hệ 3 bên Mỹ - Philippines – Trung Quốc.

Ông Duterte (bên trái) và ông Abe (bên phải)

Người đứng đầu Nhật Bản vẫn luôn làm việc chăm chỉ để tạo ra môi trường ngoại giao lý tưởng cho đất nước Mặt Trời mọc. Chuyên gia Tobias Harris của Teneo Intelligence cho biết quan hệ đối ngoại của Nhật Bản dưới thời ông Abe luôn đảm bảo quyền tự chủ và được cải thiện rất nhiều, đặc biệt là với Thổ Nhĩ Kỳ và Nga – 2 quốc gia không ủng hộ Mỹ.

Ông Harris so sánh những mối quan hệ của Nhật Bản giống như tiền trong ngân hàng. Nếu Mỹ cần một quốc gia đóng vai trò trung gian trong tương lai, Nhật Bản có đủ khả năng làm điều đó. Vào thời điểm này, Nhật Bản chỉ muốn đảm bảo rằng Philippines sẽ không đi vào đường cùng khi quyết định phá vỡ mối quan hệ với Mỹ.

Ông Duterte mới đây lên tiếng giải thích rằng Philippines sẽ tách biệt chính sách ngoại giao với Mỹ chứ không phải cắt đứt quan hệ ngoại giao. Qua đó, có thể thấy ông Duterte sẽ làm hết sức để đáp lại thịnh tình của ông Abe.

Trong cuộc phỏng vấn với CNBC ngày 25/10, ông Harris cho rằng thái độ của ông Duterte đối với Nhật Bản khác rất nhiều so với Mỹ. Vị Tổng thống Philippines hay sử dụng ngôn từ đả kích khi nói về ông Obama nhưng luôn dành những từ ngữ ca ngợi cho chính quyền Tokyo.

Philippines và Nhật Bản có mối quan hệ kinh tế vững mạnh. Nhật Bản là nhà nhập khẩu lớn nhất của Philippines và cũng đóng vai trò đầu tư, viện trợ chính tại quốc gia Đông Nam Á này. Phương tiện truyền thông địa phương cho biết Nhật Bản đang chuẩn bị cho Philippines vay 48,2 triệu USD để phát triển các dự án cơ sở hạ tầng. Tuần trước, ông Duterte chấp nhận khoản vay tài chính và đầu tư trị giá 24 tỷ USD từ Trung Quốc.

Bầu không khí thân thiện giữa 2 nhà lãnh đạo sẽ được đảm bảo bởi ông Abe sẽ không nhắc tới chiến dịch chống ma túy tại Philippines trong khi Mỹ và các nước châu Âu liên tục chỉ trích về điều này. Nhật Bản thường không nhấn mạnh vấn đề nhân quyền trên trường quốc tế.

Nhà phân tích cao cấp Alison Evans của IHS cho biết đây là cuộc họp song phương thứ 2 giữa hai nước chỉ trong vòng 2 tháng. Điều này cho thấy rằng ông Abe đang giành thời gian và công sức để phát triển mối quan hệ với Philippines.

Sự hợp tác an ninh cũng là một lý do để chúng ta tin rằng cuộc gặp mặt lần này sẽ diễn ra êm thấm. Bà Evans cho biết Nhật Bản đã bán các tàu cảnh sát biển cũ cho Philippines và đang có ý định mượn các máy bay do thám của quốc gia này.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/nhat-ban-dong-vai-tro-hoa-giai-trong-moi-quan-he-my-philippines-201610250101574p145c151.news