Nhật Bản dỡ bỏ 5 lò hạt nhân nhà máy điện

5 lò phản ứng có niên hạn quá 40 năm đã được thông qua kế hoạch dỡ bỏ, 30 năm sau mới hoàn thành.

Nhà chức trách Nhật Bản ngày 19/4 đã thông qua kế hoạch dỡ bỏ 5 lò phản ứng hạt nhân cũ, chấm dứt vận hành lò phản ứng hoạt động quá 40 năm.

5 lò phản ứng bị cho ngừng hoạt động bao gồm: lò phản ứng số 1 và số 2 tại nhà máy Mihama của Công ty điện lực Kansai ở tỉnh Fukui; lò phản ứng số 1 tại nhà máy Tsuruga thuộc Công ty điện nguyên tử Nhật Bản cũng nằm ở tỉnh Fukui; lò phản ứng số 1 tại nhà máy Shimane thuộc Công ty Điện lực Chugoku đặt tại tỉnh Shimane và lò phản ứng số 1 thuộc nhà máy Genkai của Công ty điện lực Kyushu ở tỉnh Saga.

Nhà máy hạt nhân Tsuruga tại tỉnh Fukui sắp bị dỡ bỏ.

Hoạt động dỡ bỏ bao gồm xử lý nhiên liệu đã qua sử dụng, dỡ bỏ các lò phản ứng và phá bỏ các cơ sở xung quanh. Địa điểm xử lý rác thải phóng xạ từ các lò phản ứng này chưa được quyết định.

Toàn bộ công tác này ước tính sẽ mất khoảng 30 năm.

Sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima hồi năm 2011, Nhật Bản đã quy định, các lò phản ứng hạt nhân không được phép hoạt động quá mốc 40 năm.

Tuy nhiên, Cơ quan Quản lý Hạt nhân có thể gia hạn hoạt động của một lò phản ứng nếu đơn vị chủ quản nâng cấp cơ sở hạ tầng và củng cố các biện pháp bảo đảm an toàn, và lò phản ứng này vượt qua các bài kiểm tra của cơ quan đánh giá.

Trong lần đánh giá này, Nhật Bản cũng thông qua việc gia hạn hoạt động của một số lò phản ứng bao gồm lò phản ứng số 3 của nhà máy Mihama thuộc Công ty điện lực Kansai, lò phản ứng số 1 và số 2 tại nhà máy Takahama ở Fukui.

Bên cạnh đó, Cơ quan Quản lý Hạt nhân cũng đang đánh giá kế hoạch dỡ bỏ lò phản ứng số 1 của nhà máy Ikata tại tỉnh Ehime thuộc Công ty điện lực Shikoku.

Trước đó, Công ty điện lực Shikoku đã thông báo sẽ phá bỏ một lò phản ứng hạt nhân cũ do chi phí nâng cấp lò này quá tốn kém. Theo ước tính, chi phí nâng cấp lò này có thể lên tới 200 tỷ yen (khoảng 1,8 tỷ USD).

Công ty Điện lực Shikoku dự định tái khởi động lò phản ứng số 1 có 39 năm hoạt động tại tổ hợp hạt nhân Ikata ở Ehime, miền Tây Nhật Bản.

Song quyết định cuối cùng được đưa ra là sẽ phá dỡ lò này thay vì đưa vào sử dụng sau khi tính toán khoảng thời gian lò có thể hoạt động, cũng như chi phí nâng cấp lò để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn mới về hạt nhân.

Nhà máy điện hạt nhân Ikata của Nhật Bản.

Việc đánh giá và phá dỡ các lò phản ứng hạt nhân quá niên hạn của Nhật Bản là động thái tích cực cho thấy ngành công nghiệp hạt nhân của Nhật Bản quan tâm đến yêu cầu của Chính phủ đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân cũ, vốn được cho là dễ gặp rủi ro khi thiên tai xảy ra.

Ngoài ra, đây cũng là cách để xoa dịu lo ngại của công chúng về việc khởi động lại các lò phản ứng hạt nhân khác tại Nhật Bản.

Nhật Bản là một đất nước thiếu năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, hơn 80% năng lượng sử dụng được nhập khẩu. Nhật bắt đầu phát triển hạt nhân vào giữa thập niên 50 của thế kỷ trước. Năm 1966, Nhật đưa vào vận hành nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

Hiện nay, điện hạt nhân chiếm hơn 30% tổng công suất phát điện của Nhật Bản. Theo kế hoạch phát triển năng lượng mới của chính phủ Nhật Bản, vào năm 2030, điện hạt nhân sẽ chiếm 40% tổng công suất phát điện của nước này.

Ngọc Dương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/nhat-ban-do-bo-5-lo-hat-nhan-nha-may-dien-3333633/