Nhật Bản đang cực kỳ khát nhân lực ngành du lịch, người trẻ Việt Nam còn chờ gì nữa?

Hướng dẫn viên tiếng Việt ở Nhật kiếm được đến 40-50 man (từ hơn 80 triệu đến hơn 100 triệu đồng) mỗi tháng nhờ việc chạy hướng dẫn liên tục cho các công ty, những hướng dẫn nào nói được tiếng Anh còn kiếm nhiều hơn nữa vì họ có khả năng đón tiếp cả các đoàn khách châu Âu.

Mới đây, dư luận Nhật khá bất ngờ với thông tin quản lý một nhà trọ tại Hokkaido và 2 người khác nữa bị bắt vì đã vi phạm luật nhập cư của Nhật khi họ cho phép du khách nước ngoài làm hầu phòng để bù cho tiền phòng của hai người này trước đó.

Theo cảnh sát Hokkaido, 3 nhân viên thuộc công ty Manryo hiện đang vận hành chuỗi nhà trọ của công ty Khaosan Sapporo Family Hostel đã chấp nhận cho 2 nữ du khách đến từ Trung Quốc và Malaysia không thanh toán tiền phòng ước khoảng 2.000 yên/đêm. Đổi lại, hai người phụ nữ này làm việc ở đây 3 giờ/ngày, họ dọn dẹp và thay ga gối trong các phòng của nhà trọ.

3 người bị bắt lần này bao gồm người đứng đầu công ty Manryo, ông Hiroshi Kozawa 45 tuổi và 2 nhân viên nam và nữ khác hiện đang sống tại Sapporo. Ông Kozawa cho biết ông có nhìn thấy hai người này làm việc, nhưng không hề biết rằng họ làm việc để bù tiền phòng và cho rằng họ tình nguyện giúp.

Sau đó, cảnh sát Nhật cũng bắt giữ luôn cả 2 người khác. Khi được thẩm vấn, hai người này trả lời rằng họ biết làm như vậy là sai luật, tuy nhiên vì họ không hề có bất kỳ giao dịch tiền bạc nào với chủ nhà trọ nên họ tin không có vấn đề gì xảy ra.

Hiện nay, Manryo đang điều hành 13 nhà trọ tại 6 tỉnh của Nhật, trong đó có cả một số nhà trọ tại Tokyo và Kyoto – hai địa điểm du lịch nổi tiếng nhất tại Nhật. Cảnh sát cho rằng Manryo cũng đang tuyển dụng trái phép lao động tại nhiều nhà trọ khác trên khắp nước Nhật.

Người Nhật có thể biết hoặc không biết rằng họ đang siết luận khắt khe một cách quá mức. Tại nhiều nước châu Âu, du khách có thể làm việc ngắn hạn để kiếm thêm tiền đi du lịch, điều đó hoàn toàn được chấp nhận.

Theo kế hoạch phát triển ngành ngành du lịch mới nhất của chính phủ Nhật, đến năm 2020, Nhật sẽ đón 40 triệu du khách nước ngoài, mức chi tiêu tổng đạt khoảng 8 nghìn tỷ yên/năm, tức là gấp đôi so với thành công của năm 2015. Nếu kế hoạch này thành hiện thực, Nhật sẽ trở thành cường quốc du lịch trên thế giới.

Số lượng du khách nội địa Nhật đã tăng gấp đôi trong 2 năm qua, thế nhưng không có gì đảm bảo xu thế này sẽ tiếp diễn. Rất nhiều chính trị gia Nhật kêu gọi chính phủ cần phải lên kế hoạch hành động cụ thể để tăng thêm tiện ích cho du khách, cải thiện hệ thống nhà hàng khách sạn và nâng cấp hệ thống kết nối giữa các tuyến điểm du lịch.

Khi chương trình hành động mang tên Visit Japan được chính phủ Nhật chính thức công bố vào năm 2003, số lượng du khách nội địa đạt 5,2 triệu người. Chính phủ muốn con số đó phải lên mức 10 triệu người trong 7 năm. Đến năm 2010, số du khách nội địa có lên mức 8,6 triệu người nhưng sau đó giảm xuống 6,2 triệu người năm sau đó khi Nhật hứng chịu thảm họa động đất sóng thần.

Những năm sau đó, số lượng khách du lịch đến Nhật được bù lại bởi số lượng đông đảo khách đến từ các nước châu Á bởi kinh tế các nước này hồi phục, đồng yên yếu khiến du lịch Nhật trở nên rẻ hơn.

Số lượng du khách đến Nhật vào năm 2013 đạt 10 triệu lần đầu tiên trong lịch sử và sau đó lập kỷ lục mới 19,73 triệu khách vào năm 2015. Khách cũng tiêu tổng số 3,47 nghìn tỷ yên tại Nhật năm 2015, trong đó phần đông khách Trung Quốc tiêu xài rất nhiều tiền.

Còn theo tính toán của cơ quan quản lý ngành du lịch Nhật, tổng các loại chi tiêu liên quan đến du lịch trong năm 2013 đạt 23,6 nghìn tỷ yên, và tạo ra việc làm cho 4,19 triệu lao động. Du lịch đã trở thành một trong những ngành mũi nhọn của Nhật và đây đồng thời cũng là ngành hiếm hoi tăng trưởng trong bối cảnh nhiều ngành tiêu dùng khác khó khăn khi kinh tế suy giảm.

Sang năm 2016, du lịch Nhật tiếp tục tăng trưởng bùng nổ, tính đến đầu tháng 8/2016, Nhật đã đón hơn 16 triệu du khách. Các khách sạn và nhà trọ tại Nhật chật cứng người, hàng trăm du khách than phiền trên rất nhiều trang mạng xã hội về tình trạng không đặt được phòng khách sạn tại Nhật.

Hiện tại, chỉ người nước ngoài có visa dài hạn mới được làm việc trong các nhà hàng khách sạn ở Nhật. Chính phủ Nhật đang cân nhắc sẽ mở rộng đối tượng được cấp visa và nới lỏng điều kiện visa để đưa thêm người lao động nước ngoài đến Nhật làm việc trong ngành du lịch.

Nhật hiện chưa thiếu nhân sự làm việc trong các vị trí quản lý khách sạn mà thiếu chủ yếu ở các vị trí làm dịch vụ, ví như dọn phòng, vận tải. Dù vậy, các nhà quản lý sẽ phải cân nhắc rất kỹ về việc bằng cách nào giảm thiểu được những tác hại của việc nới lỏng visa đưa người nước ngoài đến Nhật làm những công việc này bởi trên thực tế, số lượng người hết hạn visa nhưng không chịu về nước và cư trú bất hợp pháp tăng khá nhanh trong thời gian qua.

Ngoài ra, Nhật cũng thực sự cần hướng dẫn viên du lịch có trình độ và có khả năng nói được nhiều ngoại ngữ sẽ được ưu tiên. Tuy nhiên để làm hướng dẫn viên trong ngành du lịch Nhật không hề đơn giản.

Từ năm 1949 đến nay, luật của chính phủ Nhật quy định chỉ những ai có chứng chỉ hướng dẫn hợp pháp mới có thể dẫn du khách nước ngoài đi thăm các địa điểm du lịch tại Nhật. Nếu vi phạm, người đó có thể bị phạt đến 500 nghìn yên.

Tuy nhiên quy định này không áp dụng với tất cả các địa điểm du lịch. Nhiều hướng dẫn viên du lịch Nhật kỳ cựu cho rằng chính phủ Nhật nên tạo điều kiện thu hút những hướng dẫn viên du lịch trước đây từng bỏ nghề vì thu nhập quá thấp trước khi mở cửa đón các hướng dẫn viên không có chứng chỉ hành nghề.

Theo quan điểm cá nhân của người viết, có lẽ chính những người làm hướng dẫn viên du lịch tại Nhật cũng đang không hiểu họ cần gì. Khách du lịch nước ngoài đến Nhật đông đồng nghĩa với việc khả năng nói được nhiều ngoại ngữ của hướng dẫn thực sự quan trọng hơn việc họ phải tích lũy quá nhiều thứ kiến thức hàn lâm vốn không có quá nhiều giá trị với khách du lịch ngắn ngày.

Nhiều hướng dẫn viên du lịch Nhật than phiền về việc họ kiếm được quá ít tiền. Kết quả cuộc khảo sát mới đây cho thấy đến 46,2% hướng dẫn viên có chứng chỉ đã không làm nghề bởi họ phàn nàn rằng họ kiếm được chưa đến 1 triệu yên/năm trong khi đó mức thu nhập bình quân tại Nhật năm 2013 ở mức 4,14 triệu yên.

Số liệu thống kê cho thấy tính đến tháng 4/2015, Nhật có 19 nghìn hướng dẫn viên có chứng chỉ. Đến tháng 2/2016, có 2.119 người thi được chứng chỉ du lịch cấp quốc gia, bài thi đó đánh giá hiểu biết của ứng viên về lịch sử, địa lý và văn hóa Nhật cũng như ngoại ngữ.

Không nói đến các ngôn ngữ khác, nhưng hướng dẫn viên tiếng Việt ở Nhật theo tìm hiểu của người viết có thu nhập không hề thấp, không tính đến tiền mua hộ đồ cho khách hoặc hoa hồng từ các điểm mua sắm mà các hướng dẫn viên kiếm được đến 40-50 man (từ hơn 80 triệu đến hơn 100 triệu đồng) mỗi tháng nhờ việc chạy hướng dẫn liên tục cho các công ty, những hướng dẫn nào nói được tiếng Anh còn kiếm nhiều hơn nữa vì họ có khả năng đón tiếp cả các đoàn khách châu Âu.

Đó là chưa kể đến việc khi khách Trung Quốc bùng nổ, quá thiếu hướng dẫn, nhiều công ty du lịch Nhật thuê thêm hướng dẫn không có chứng chỉ. Nhóm những hướng dẫn này kiếm được cực kỳ nhiều tiền. Thu nhập của họ tháng cao điểm có khi lên hơn 200 triệu đồng (đã quy đổi), còn những tháng thấp điểm cũng được 65 đến 85 triệu đồng Việt Nam.

Vậy rõ ràng, ở bất kỳ môi trường du lịch quốc tế nào, cái cần đến ngoài vốn hiểu biết về văn hóa, lịch sử, chính trị, còn cần đến khả năng nói được nhiều ngoại ngữ.

Ngọc Thanh

Theo Trí Thức Trẻ

Nguồn CafeBiz: http://cafebiz.vn/nhat-ban-dang-cuc-ky-khat-nhan-luc-nganh-du-lich-nguoi-tre-viet-nam-con-cho-gi-nua-20161013112547697.chn