Nhật Bản có thay Mỹ 'kiềm chế' được Philippines?

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến sẽ có hội đàm trực tiếp với Tổng thống Philippines tại Tokyo vào tuần tới, theo nguồn tin của Reuters.

Trong khuôn chuyến thăm tới Trung Quốc kéo dài 4 ngày, Tổng thống Duterte đã tuyên bố ”tách khỏi” Mỹ về cả quân sự, kinh tế. Cả Bộ trưởng Thương mại Philippines và ông Duterte sau đó đều đã lên tiếng ”đính chính” phát ngôn này, nhưng không khỏi khiến Washington lo ngại.

Điều này khiến ông Abe đối diện một nhiệm vụ khó khăn nhằm hỗ trợ đồng minh Washington, đó là kéo Philippines khỏi đà nghiêng về Trung Quốc trong chuyến công du tiếp theo của Tổng thống Duterte tới Nhật Bản.

Thế khó của ông Abe

Theo nguồn tin của Reuters, ”Nhật bản muốn lý giải quan điểm của mình trong các vấn đề khu vực, liên quan tới Biển Đông... Ông Abe muốn kết nối với ông Duterte”.

Việc ông Duterte hâm nóng quan hệ với Bắc Kinh khiến cả Tokyo và Washington lo lắng, rằng chính sách cứng rắn của Philippines với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông từ thời người tiền nhiệm Benigno Aquino sẽ gặp nguy.

Dưới thời cựu Tổng thống Benigno Aquino, Philippines đã đệ đơn lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại Hà Lan kiện Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền Biển Đông. PCA hồi tháng 7/2016 đã ra phán quyết phủ nhận yêu sách chủ quyền mang tên ”Đường Lưỡi Bò” của Trung Quốc, Bắc Kinh sau đó nhanh chóng từ chối phán quyết này.

Nhật Bản rất muốn khẳng định tầm quan trọng của quyền tự do hàng hải với người lãnh đạo Philippines, một giới chức Nhật chia sẻ với Reuters. Tuy nhiên, vẫn rất khó để ông Abe tham gia vào mâu thuẫn Mỹ - Philippines hay vấn đề phán quyết PCA. Tổng thư ký Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga hôm 21/10 cho biết, đang theo dõi sát sao những động thái giữa Trung Quốc và Philippines, nhưng không đưa ra bình luận về phát ngôn ”tách khỏi Mỹ” của ông Duterte.

Theo Japantimes, Thủ tướng Shinzo Abe từ lâu đã mong muốn làm sâu sắc quan hệ Nhật Bản – Philippines nhằm kiềm chế Trung Quốc trên Biển Đông. Các chuyên gia cho rằng, nếu ông Duterte làm suy yếu mối quan hệ với Mỹ, nghiêng về phía Nhật Bản thì đó cũng là điều bất lợi cho Nhật Bản.

Nhật Bản không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Hoa Đông. Theo Alison Evans, phó giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương tại IHS Markit: ”Trung Quốc đang tăng cường hiện diện ở Biển Đông, Nhật Bản có lý do để lo ngại Bắc Kinh sẽ làm tương tự với Biển Hoa Đông”.

Nhật Bản hồi tháng 6 đã cam kết tăng cường vai trò an ninh ở khu vực Đông Nam á khi Bộ trưởng Quốc phòng Nakatani cho biết, sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia như Philippines và Việt Nam bồi đắp khả năng quân sự để đối phó ”hành động đơng phương, nguy hiểm” trên Biển Đông. Trước đó, trong năm nay, Nhật Bản đã đồng ý cung cấp 5 máy bay luyện tập TC-90 cho Philippines, cùng 10 tàu tuần tra dài 40m nhằm tăng cường sức mạnh quân sự cho Manila.

Nhật – Trung sẽ chạy đua viện trợ?

Wataru Kusaka, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Nagoya University – chuyên gia về Philippines nhận định, ông Duterte có thể duy trì tư tưởng ”anti – Mỹ” và một số người ủng hộ ông muốn thắt chặt quan hệ với Trung Quốc hơn là Mỹ. Nhưng Tổng thống Philipines vẫn là một người thực dụng, và thường rút lại nhận định hay các chính sách một khi thấy chúng bất lợi cho Manila. Bên cạnh đó, quân đội Philippines có truyền thống ”thân Mỹ” lâu đời và tồn tại cả hiệp ước phòng thủ chung. Đó cũng là lý do khiến ông Duterte sẽ phải đổi hướng lập trường thân Trung Quốc và lại dựa vào Mỹ trong thời gian tới.

”Phải theo dõi quá trình hành động của ông Duterte từ trung hạn đến dài hạn” trước khi đi đến bất kỳ kết luận nào, ông Kusaka khẳng định. Ông Duterte chỉ đang muốn gia tăng khả năng ”mặc cả” trong quan hệ ngoại giao với Mỹ bằng việc đe dọa cắt đứt quan hệ kinh tế, quân sự, chuyên gia Nhật Bản nhận định.

Mặt khác, cho tới nay, ông Duterte vẫn duy trì quan hệ ngoại giao gần gũi với Nhật Bản, và từng liên tiếp ca ngợi việc Tokyo ”hào phóng” trong các khoản viện trợ kinh tế cho Manila. Kịch bản tốt nhất mà ông Duterte vẽ ra là để Trung Quốc cùng Nhật Bản cạnh tranh, chạy đua để phát viện trợ cho Philippines. Nguồn cung ứng viện trợ với Manila vì thế có thể tăng lên đáng kể. ”Cuộc canh tranh tương tự giữa Trung Quốc và Nhật Bản từng diễn ra với Campuchia”, theo ông Kusaka.

Với ”trách nhiệm” là hỗ trợ đồng minh Mỹ trong việc kéo Philippines khỏi lập trường nhân nhượng với Trung Quốc trên Biển Đông; đồng thời tránh rơi vào ”bẫy cạnh tranh” mà ông Duterte có thể giăng sẵn, ”Nhật Bản đang ở trong tình thế khá gay go”, theo ông Kusaka.

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nhat-ban-co-thay-my-kiem-che-duoc-tong-thong-philippines-258099.html